DNews

Mục tiêu "kho tàng" dữ liệu số của nữ Trưởng phòng Hồ sơ nghiệp vụ

Hải Nam

(Dân trí) - Tiếp nhận thêm nhiệm vụ, khối lượng công việc tại Phòng Hồ sơ nghiệp vụ ngày một lớn. Với quân số đa phần là nữ, Thượng tá Phạm Thị Thùy Dương thấu hiểu sự hy sinh của những nữ cán bộ dưới quyền.

Mục tiêu "kho tàng" dữ liệu số của nữ Trưởng phòng Hồ sơ nghiệp vụ

Mục tiêu về một kho dữ liệu tập trung

Khi tiếp nhận thêm nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lý lịch tư pháp, Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an Hà Nội đã triển khai 4 hình thức tiếp nhận, cấp lý lịch tư pháp cho công dân thuận tiện, được người dân ghi nhận về tính hiệu quả, tiện lợi.

Khối lượng công việc lớn là vậy nhưng Phòng Hồ sơ nghiệp vụ có quân số đa phần là nữ. Trong khoảng gần một tháng khi tiếp nhận nhiệm vụ mới và khi Công an Hà Nội không tổ chức công an cấp huyện, các cán bộ của phòng đã nỗ lực không ngừng, thức đêm, làm thêm ca để hoàn thành nhiệm vụ.

Theo Thượng tá Phạm Thị Thùy Dương, Trưởng phòng Hồ sơ nghiệp vụ, trong bối cảnh hiện nay, khi khối lượng tài liệu, hồ sơ rất lớn, Phòng xác định công tác chuyển đổi số là nhiệm vụ hàng đầu, nhằm phục vụ cho công tác quản lý, tra cứu, khai thác thông tin, tài liệu nghiệp vụ trên các hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử.

Mục tiêu kho tàng dữ liệu số của nữ Trưởng phòng Hồ sơ nghiệp vụ - 1

Một tổ nghiệp vụ Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an Hà Nội (Ảnh: Hải Nam).

Bên cạnh đó, đối với cán bộ, phòng đã tiến hành tập huấn về công tác tiếp dân, cấp lý lịch tư pháp cho nhân dân thông qua Cổng dịch vụ hành chính công, ứng dụng VneID, qua hệ thống bưu điện, tiếp nhận hồ sơ và giải quyết trực tiếp tại 13 Hàn Thuyên, phường Phạm Đình Hổ, Hà Nội.

Trưởng phòng Hồ sơ nghiệp vụ cho biết đơn vị đang xây dựng một kho dữ liệu tập trung, chuyển đổi số hệ thống hồ sơ để phục vụ công tác điều tra, truy xuất, đối chiếu dữ liệu.

Để thực hiện mục tiêu này, phòng đã tổ chức các tổ công tác đến VKSND, TAND cùng cấp, Sở Tư pháp Hà Nội để thu thập thông tin, làm sạch dữ liệu, bổ sung vào kho hồ sơ của công an thành phố.

Thượng tá Dương nhấn mạnh đây là nền tảng quan trọng để phục vụ nhanh chóng, kịp thời công tác chiến đấu, đáp ứng các yêu cầu chính đáng của cơ quan, tổ chức, nhân dân.

Nói về việc Bộ Công an tiếp nhận nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lý lịch tư pháp, Thượng tá Dương cho rằng điều này rất thuận lợi khi lực lượng công an có một "kho tàng" dữ liệu về các đối tượng vi phạm pháp luật, được tích lũy từ hàng chục năm.

Mục tiêu kho tàng dữ liệu số của nữ Trưởng phòng Hồ sơ nghiệp vụ - 2

Phòng Hồ sơ nghiệp vụ đang xây dựng một kho dữ liệu tập trung (Ảnh: Hải Nam).

Do đó, Bộ Công an có thể dễ dàng chuyển đổi số số dữ liệu này, sau đó phối hợp chặt chẽ với VKS, tòa án để thu thập thông tin bản án, hình thức xử lý cuối cùng của các đối tượng, từ đó làm giàu thêm dữ liệu.

Thông qua các cơ quan báo chí, Thượng tá Dương mong muốn chính mỗi công dân hãy chủ động xây dựng khi dữ liệu bằng cách cung cấp những tài liệu cho Phòng Hồ sơ nghiệp vụ để đơn vị đối xác thông tin, làm sạch dữ liệu.

Dấu ấn cán bộ công an Việt Nam

Chia sẻ về đặc thù của mảng lý lịch tư pháp, Thượng tá Dương cho biết các cán bộ thường xuyên phải tiếp người nước ngoài; do đó yêu cầu về ngoại ngữ, giao tiếp là bắt buộc và rất quan trọng.

Để hoàn thành nhiệm vụ mới, không cách nào khác, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải tự học, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn. Bên cạnh đó, Công an Hà Nội vẫn thường xuyên tổ chức đào tạo, trang bị cho lực lượng này những kỹ năng cần thiết để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

Mục tiêu kho tàng dữ liệu số của nữ Trưởng phòng Hồ sơ nghiệp vụ - 3

Người dân đến làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp (Ảnh: Hải Nam).

Ghi nhận trực tiếp tại điểm tiếp nhận hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp của Công an Hà Nội tại số 13 Hàn Thuyên (quận Hai Bà Trưng), lượng người dân có nhu cầu cấp phiếu là rất lớn, trong đó có nhiều người ngoại quốc.

Trung tá Nguyễn Lê Phương, cán bộ Phòng Hồ sơ nghiệp vụ, cho biết sau giờ làm việc, chị và đồng nghiệp luôn phải tự tra cứu tài liệu, tự học ngoại ngữ để có khả năng giao tiếp cơ bản.

"Ngoài việc hỗ trợ, giúp người dân đến làm thủ tục thuận lợi, nhanh chóng, các tổ công tác luôn chú trọng công tác lễ tân, duy trì tốt lễ tiết, tác phong, để lại hình ảnh đẹp của người chiến sĩ công an nhân dân", Trung tá Phương nói.

Ông Trần Hàng, người Quảng Tây (Trung Quốc), sau khi nộp hồ sơ đề nghị cấp lý lịch tư pháp tại số 13 Hàn Thuyên đánh giá trải nghiệm tại đây rất tích cực. Ông Hàng chia sẻ được hỗ trợ tối đa về thủ tục pháp lý, hoàn thiện hồ sơ nhanh chóng, đặc biệt, ông ấn tượng với trình độ ngoại ngữ của cán bộ công an Việt Nam.

Thượng tá Phạm Thị Thùy Dương chia sẻ, khác với suy nghĩ của nhiều người về đặc thù của phòng hồ sơ là "nhàn", "đơn giản", công việc hồ sơ nghiệp vụ này rất vất vả, lặp đi lặp lại, yêu cầu các cán bộ phải có một sự bền bỉ, kiên trì và tình yêu với nghề.

Với quân số khoảng 100 cán bộ, chị Dương tiết lộ có những người hàng ngày di chuyển khoảng 40km từ nhà đến đơn vị để làm việc.

Đặc biệt, chị Dương nhắc đến một nữ cán bộ hiếm muộn, mãi mới được một mụn con thì sức khỏe lại không tốt. Dù vậy, với trách nhiệm của một chiến sĩ công an, cán bộ này luôn cố gắng cân bằng công việc và gia đình, luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, vẫn đi sớm về khuya cả những ngày con ốm.

Là một người phụ nữ, Thượng tá Dương thấu hiểu những tâm tư của các nữ cán bộ dưới quyền. Động viên các cán bộ, chị Dương mong muốn họ hãy cố gắng hết sức, khắc phục những khó khăn.

"Tôi cực kỳ ghi nhận những người cán bộ của mình đã hy sinh gia đình để đáp ứng được yêu cầu công việc của đơn vị", Thượng tá Phạm Thị Thùy Dương nhấn mạnh.