1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Mục tiêu đặt ra phải bám sát thực tế

(Dân trí) - Ngày 3/12, buổi làm việc thứ 2 của kỳ họp thứ 14 HĐND TPHCM khóa VII, các ĐB cho rằng năm 2009 thành phố cần phải có những chỉ tiêu định lượng cụ thể, không cần thiết xây dựng chủ đề năm bao trùm rộng lớn.

Vẫn những bức xúc không mới

Mở đầu cho buổi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM, ĐB Trương Vĩ Kiến tỏ ra khá bức xúc: “hiện khoảng 11.000 hộ dân ở địa bàn quận 8 đang phải sống trong những căn nhà ổ chuột, dột nát, trên kênh rạch nhưng lại thiếu đất tái định cư. Trong khi đó, đơn cử riêng Công ty Vitec lại chiếm đến 2.000m2 đất nhưng lại bỏ hoang”.

ĐB Kiến cho rằng, “tình trạng lãng phí đang xảy ra ở nhiều cơ quan, đơn vị và địa phương như là căn bệnh trầm kha, cần có “liều thuốc” đặc trị”. HĐND cần giám sát chặt chẽ vấn đề này”.

Đại biểu Đặng Văn Khoa vẫn “chưa an tâm” về những vấn đề ông đã đề cập trong ngày hôm qua, phát biểu tại cuộc họp ông vẫn nói về những bức xúc cũ mà không cũ trong thời gian qua dư luận quan tâm như: ô nhiễm môi trường và lãng phí kho bãi.

Bức xúc về hành động “đem rác về nhà” của Công ty Môi trường Đô thị (tiếp nhận chất thải nguy hại của các doanh nghiệp tại Bà Rịa Vũng Tàu về bãi rác Đông Thạnh, trong khi TPHCM cũng đang “ngập rác”), ông nhắc đi nhắc lại 2 lần về ý kiến cần đình chỉ công tác của giám đốc Công ty Môi trường Đô thị TPHCM.

Vấn đề lãng phí kho bãi, trong buổi thảo luận 3/12, ĐB Đặng Văn Khoa cũng đề cập đến việc TPHCM đang lãng phí tới hàng trăm ngàn mét vuông kho bãi đang bỏ hoang, có nơi làm chỗ chứa ve chai trong khi nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố luôn “than thở” thiếu quỹ đất để xây dựng các công trình phục vụ kinh tế - văn hóa để phục vụ người dân.

ĐB Thái Tuấn Chí kiến nghị UBND thành phố cần tăng cường khả năng dự báo về tình hình kinh tế thế giới ảnh hưởng tới kinh tế thành phố và vấn để ngập lụt. “Chúng ta mới chỉ thấy ngập do triều cường, do mưa, do xả lũ nhưng một khi cả ba cái này kết hợp lại thì thành phố sẽ ứng phó như thế nào?”, ĐB Chí quan ngại.

Vấn đề kẹt xe, ngập lụt… do quá nhiều tuyến đường đang được thi công một cách “ì ạch” cũng được khá nhiều đại biểu nhắc đi nhắc lại. Vấn đề này ĐB Trần Quang Phượng, giám đốc Sở GTVT TPHCM, phân trần: “việc nhiều lô cốt, rào chắn, thi công chậm khiến nhiều ĐB và người dân bức xúc là vì mong muốn đẩy công việc nhanh hơn”.

ĐB Phượng cho rằng, theo tiến độ hiện nay, đến cuối năm 2009 sẽ có một số dự án sẽ xong. Hạn chót là năm 2012, những số dự án còn lại sẽ hoàn thành. ĐB Phượng cho biết thêm, từ nay đến Tết nguyên đán 2009 sẽ giảm 127 rào chắn nhưng sẽ xuất hiện 59 rào chắn mới. Sở GTVT rất mong có sự chia sẻ từ người dân.

Mục tiêu đặt ra phải bám sát tình hình thực tế

ĐB Đặng Văn Khoa cho rằng: “để thực hiện được mục tiêu đặt ra, cần bám sát vào tình hình thực tế. Đặc biệt cần quan tâm tới người lao động vì đây là những đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên”.

“Năm 2008 - năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị, chưa đạt được kết quả mỹ mãn, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu những chỉ tiêu định lượng cụ thể vì thế nó chưa đi vào đời sống của người dân nhiều, còn xa lắm để đạt được cái gọi là “nếp” - “khi nói tới nếp có nghĩa là nó đã đi vào máu thịt của mình”, ĐB Khoa nói.

Từ những chỉ tiêu đặt ra trong năm 2009, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng: 40 chỉ tiêu đặt ra phải kèm theo tiêu chí cụ thể và mỗi chỉ tiêu cần có những tiêu chí đánh giá phù hợp. Các sở ngành và các nhà khoa học cần tham gia phản biện để xây dựng những tiêu chí này.

ĐB Phạm Minh Trí cũng nêu ý kiến: “năm 2009 thành phố chúng ta không cần thiết phải đặt ra chủ đề năm quá rộng, cần cụ thể hóa từng mục tiêu. Cũng không nên đặt mục tiêu quá cao, ngay như GDP, thành phố cho rằng cần phải là 10% trở nên, tôi cho rằng không cần trở lên mà “trở xuống” cũng được. Năm 2008 nếu chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng là 11% thì đã hoàn thành…”.

Ngoài ra, nhiều ĐB quan tâm đến vấn đề cần có sự giám sát việc thực hiện lời hứa của các lãnh đạo sở ban ngành về những yêu cầu mà nhân dân đang bức xúc nhất như chương trình nhà ở tái định cư, nhà ở cho công nhân lao động lên làm đầu...

Các đại biểu cũng cho rằng, không thể để những lần đi giám sát, lãnh đạo bên bị giám sát vắng mặt, nhiều khi giao cho cấp dưới trình bày, hay chỉ nộp các báo cáo theo yêu cầu một cách qua quýt. 

Dự kiến ngày 4/12, các ĐB sẽ có buổi chất vấn với 4 sở, ngành liên quan đến những vấn đề “nóng” mà nhiều người dân và ĐB đang bức xúc như Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch.

Đoàn Quý - Hoài Lương