"Mục sở thị" vườn vải thiều trĩu quả ở Bắc Giang
(Dân trí) - Vải thiều Bắc Giang năm nay được giá cho thấy giá trị của loại đặc sản này ngày càng được thị trường trong nước và quốc tế đón nhận. PV Dân trí có dịp đến thăm và ghi nhận hướng nuôi trồng của một trong những vườn vải điển hình trên đất vải Lục Ngạn nổi tiếng.
Một trong những vườn vải có tiếng ở Lục Ngạn là khu vườn vải thiều rộng 2 ha ở xã Giáp Sơn. Chủ nhân là ông Trần Văn Hành - một người dân tộc Sán Dìu có bí quyết chăm sóc cây vải thiều ra hoa, đậu quả ngay trên thân cây. Toàn bộ diện tích trồng vải của ông Hành đều đạt tiêu chuẩn nông nghiệp chất lượng cao quốc tế.
Năm nay, vườn vải của ông Hành sai trĩu quả, thời gian này đang vào chính vụ thu hoạch.
Theo ông Hành, vải của nhà ông cho chất lượng quả đủ chuẩn xuất đi châu Âu và các thị trường khó tính khác.
Anh Hành chia sẻ: "Từ năm 2012 tôi đã tự nghiên cứu, thực hiện thành công biện pháp cho quả vải thiều ra quả trong thân cây. Thời gian trước đó đã không ít lần gặp thất bại. Sau khi thành công vải có chất lượng quả thơm ngon hơn, cho giá trị kinh tế cao hơn so với trồng vải truyền thống".
Ông Hành chia sẻ thêm, ngoài năng suất vải tăng thêm khoảng 15 - 20 kg/cây, tôi thấy chất lượng quả vải to đều và mẫu mã cũng đẹp hơn, từ đó giá bán luôn nhỉnh hơn giá thị trường từ 10-30 nghìn đồng tuỳ vào từng thời điểm.
Ông Hành cho hay, năm nay vải của nhà ông đã được đặt mua từ rất sớm với giá thành cao, trên 50.000 đồng/kg. Đó cũng là lí do nhiều người gọi ông là "phù thủy vải thiều".
Khi vào chính vụ vải chín đều, mỗi ngày gia đình ông Hành thu hoạch và bán được khoảng một tấn vải thiều.
Năm nay là năm thứ 7 gia đình ông Hành thu được quả từ khi thay đổi kỹ thuật cây vải cho ra quả từ thân. Dù đây không phải năm được mùa của vải thiều Lục Ngạn nhưng cây vải nhà ông Hành vẫn sai trĩu quả.
Từ khi thành công từ cây vải thiều từ đó cây vải đã giúp ông Hành có nguồn thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Khi sản xuất vải theo tiêu chuẩn nông nghiệp chất lượng cao, người dân phải tuân thủ những quy định khắt khe về bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng danh mục, nồng độ, liều lượng theo hướng ưu tiên các loại thuốc thảo dược. Đặc biệt, phải quan tâm đến công tác vệ sinh vườn vải, rắc vôi bột tránh phát sinh sâu bệnh, quan tâm đến việc tỉa cành tạo tán.
Quy trình sản xuất này sẽ giúp người dân thay đổi nhận thức canh tác truyền thống, mạnh dạn áp dụng quy trình sản xuất mới, giúp bà con sản xuất ra sản phẩm sạch, đáp ứng được nhu cầu của thị trường ngày càng khắt khe.
Toàn Vũ