1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Mức độ hài lòng về cải cách thủ tục hành chính chưa cao”

(Dân trí) - Tình trạng cán bộ, công chức giải quyết công việc chậm trễ, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, tiêu cực trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính vẫn còn phổ biến là một trong những nguyên nhân rất cơ bản làm cho mức độ hài lòng chưa cao.

Đó là nhận định trong báo cáo giám sát về cải cách thủ tục hành chính của đoàn giám sát UB Thường vụ Quốc hội.

Trình bày báo cáo giám sát, Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội, Nguyễn Văn Thuận cho rằng, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) qua 10 năm thực hiện, đặc biệt là từ khi triển khai Đề án 30 (tháng 7/2008), với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự ủng hộ và quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương cùng sự tham gia tích cực của người dân và doanh nghiệp đã tạo được sự chuyển biến tích cực.

Bổ sung về những mặt được, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phùng Quốc Hiển đánh giá, việc chúng ta đơn giản hóa được 5.000 thủ tục thời gian qua là rất đáng kể, tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Riêng trong lĩnh vực quản lý, thu thuế, ông Hiển nhìn nhận, đã có bước tiến dài. Trước đây phải áp vào từng doanh nghiệp, sau này là tự kê khai và hiện nay là hiện đại hóa ngành thuế, hải quan…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thuận, những kết quả đã có của cải cách TTHC vẫn chưa đạt yêu cầu đặt ra. TTHC ở một số lĩnh vực, một số khâu còn phiền hà; tiến độ cải cách TTHC còn chậm. So với khu vực, TTHC của nước ta chưa được ở mức độ trung bình, kể cả lĩnh vực thuế, hải quan là những lĩnh vực có nhiều cải cách tích cực.

Các thủ tục trong lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng nhà ở còn phức tạp, chưa thuận lợi. Tính công khai minh bạch chưa được bảo đảm.

Tình trạng cán bộ, công chức giải quyết công việc chậm trễ, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, tiêu cực trong quá trình thực hiện các TTHC vẫn còn phổ biến. “Đây là một trong những nguyên nhân rất cơ bản làm cho mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về công tác cải cách TTHC chưa cao”, ông Nguyễn Văn Thuận nhận định.
 
“Mức độ hài lòng về cải cách thủ tục hành chính chưa cao” - 1
Nhiều thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp (Ảnh minh hoạ: CAND)
 
Cũng theo ông Thuận, việc thực hiện cải cách TTHC tại các địa phương, đơn vị mặc dù đã có chương trình, kế hoạch, nhưng còn bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa tạo được bước đột phá mạnh mẽ. TTHC ở một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, chồng chéo.

Mô hình cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” ở một số nơi còn lúng túng, nặng tính hình thức… Bộ phận “một cửa” trên thực tế mới chỉ là nơi tiếp nhận và trả kết quả, chưa trực tiếp giải quyết mà phải chuyển tới các bộ phận chuyên môn thực hiện, nên thời gian, quy trình thực hiện vẫn còn rườm rà.

Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phùng Quốc Hiển cho rằng, chúng ta không mong qua một cuộc giám sát mà cải cách, thay đổi ngay được những hạn chế còn tồn tại. Bởi lẽ, theo ông Hiển, TTHC là khâu quan trọng, phụ thuộc nhiều yếu tố như thể chế, bộ máy và trình độ phát triển của xã hội.

Về phía Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề xuất, để giảm được trên 4.000 thủ tục hành chính trong thời gian tới, Quốc hội cần xem xét đưa vào chương trình kỳ họp cuối cùng Quốc hội khoá XII thông qua dự án luật sửa 48 luật, 12 pháp lệnh. Nếu như vậy, sẽ hiện thực hoá khoản tiết kiệm chi phí thực hiện thủ tục hành chính gần 30.000 tỷ đồng/ năm.

Tuy nhiên, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng lại lo ngại việc sửa nhiều luật tại một kỳ họp là không hề đơn giản. Thêm nữa, ông Vượng cũng đề nghị làm rõ, khi tiết kiệm được cho người dân 30.000 tỷ đồng/năm, nhà nước sẽ giảm được chi cho hoạt động hành chính bao nhiêu, giảm biên chế bao nhiêu. “Liệu chúng ta có tiết kiệm được 5 đến 7 ngàn tỷ đồng hay không?”, ông Vượng băn khoăn.

Cấn Cường