1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Mùa mưa, chú ý tai nạn đường thủy!

(Dân trí) - 6 tháng đầu năm 2008, Cảng vụ Đường thủy nội địa TPHCM tự hào là không xảy ra tai nạn đường thủy gây chết người nào trên 519km đường sông do đơn vị quản lý. Nhưng mùa mưa đang tới, đây vẫn là một mối lo lớn.

Trái với năm 2007 đầy “sóng gió” với nhiều vụ tai nạn đường thủy nghiêm trọng làm chết nhiều người, đặc biệt là vụ chìm tàu Hoàng Đạt làm 8 thủy thủ thiệt mạng; 6 tháng đầu năm nay, ngành vận tải đường thủy TPHCM khá yên bình. Chỉ có 2 người chết vì tai nạn trên 900km đường biển, sông, kênh, rạch do Trung ương, Cảng vụ TPHCM quản lý.

 

Dù ít thiệt hại về người, nhưng các tai nạn nhỏ gây thiệt hại vật chất vẫn xảy ra khá thường xuyên. Điển hình là vụ ghe chở bùn biển SG-2187 trọng tải 40 tấn bị thủng đáy chìm trên kênh Lý Văn Mạnh (huyện Bình Chánh) vào tháng 3. Ngay sau đó, một ghe chở than bùn khác đi từ Tiền Giang lên do không thấy ghe SG-2187 bị chìm (chưa kịp vớt lên) nên va vào chìm theo.

 

Trong tháng 4, một tàu chở búa đóng cọc cũng bị chìm xuống sông do nước triều lên xuống quá nhanh. Do tàu chở nặng nên chìm sâu dưới nước, triều lên nhanh, lái tàu không kịp thu neo nên tàu bị giữ chặt bời mỏ neo, nước tràn vào làm chìm tàu. Và nhiều vụ va quệt nhỏ thường xuyên xảy ra giữa các ghe nhỏ chở trái cây, rau quả từ các tỉnh miền Tây lên TPHCM do rạch hẹp, trời tối hay đến ngã ba.

 

Vào mùa mưa, biên độ lệch giữa triều rút và triều cường càng cao nên nguy cơ chìm tàu  tương tự như tàu chở búa đóng cọc trong tháng 4 là rất cao. Do các tàu neo trên bến ít có thuyền viên trực, chỉ cần sơ suất hay chủ quan là có thể gây ra tai nạn chìm tàu.

 

Đồng thời, các ghe tàu cũng rất dễ bị mắc kẹt dưới các gầm cầu khi nước dâng quá cao và đột ngột khi mưa lớn kéo dài. Tai nạn này thường xuyên xảy ra tại cầu Bình Lợi, do độ tĩnh không của cầu Bình Lợi chỉ là 3m (quy định là 9m cho sông cấp 2). Và trên địa bàn TPHCM còn rất nhiều cây cầu có độ tĩnh không thấp như thế, vì chúng đã được xây dựng từ lâu; hoặc mới xây dựng nhưng bỏ lơ quy định, như cầu An Lập (Bình Tân).

 

Ngoài ra, hệ thống hơn 1.400 km đường biển, sông, kênh, rạch của TPHCM là hệ thống vận tải thủy lớn vào bậc nhất cả nước, tàu ghe ra vào tấp nập và đủ chủng loại, kích cỡ… Cho nên nguy cơ xảy ra tai nạn va quệt nhau khi điều kiện thời tiết xấu, mưa to gió lớn là rất cao.

 

Hệ thống sông, rạch chằng chịt ở TPHCM lại có khá nhiều điểm đen. Điển hình là ngã ba sông Sài Gòn - kênh Tẻ, khu cầu Tân Thuận. Nơi đây vốn là điểm giao cắt của tuyến đường biển (sông Sài Gòn) với tuyến đường sông (kênh Tẻ), đi vào cửa kênh khoảng 300 m là cầu Tân Thuận 1 và 2, lại gần bến đò Tân Thuận… Số lượng ghe tàu qua lại rất đông, tai nạn rất dễ xảy ra nếu chạy nhanh và thời tiết chuyển biến xấu đột ngột.

 

Ngã sông Chợ Đệm - Bến Lức cũng rất nguy hiểm vì khu vực này hẹp, nước chảy xiết và xoáy, tầm nhìn bị hạn chế do nhiều công trình ven sông đang triển khai. Tàu ghe ra vào ngã ba kênh Tẻ - sông Ông Lớn cũng thường xuyên xảy ra va quệt. Do ghe tàu đi từ kênh Tẻ rẻ vào sông Ông Lớn thì gặp ngay cầu Ông Lớn nên khuất tầm nhìn, dễ va vào các trụ chống va xung quang trụ cầu…

 

Ngoài ra, các bến không phép cũng là một nguy cơ rất lớn cho ghe tàu đang lưu thông. Vì các ghe nhỏ đang lưu thông mà tấp vào bến đột ngột, bờ sông lại không có biển cảnh báo để ghe thuyền giảm tốc sẽ rất dễ gây ra tai nạn. Hiện TPHCM vẫn còn 40 bến không phép như thế.

 

Tùng Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm