1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

"Mua một căn hộ cao cấp, rửa được hàng triệu đô-la"

(Dân trí)- “Cổng rửa tiền phổ biến nhất mà thế giới canh thật chắc là ngân hàng. Ở Việt Nam có nhiều “cổng” để rửa tiền. Chỉ mua một căn hộ cao cấp, có thể rửa hàng triệu đô-la, toàn tiền mặt” - đại biểu Dương Trung Quốc vạch lỗ hổng trong dự luật phòng chống rửa tiền.

Canh “cổng” ngân hàng, hổng nhiều cổng rửa tiền khác

"Mua một căn hộ cao cấp, rửa được hàng triệu đô-la" - 1
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: "Người ta vẫn vác cả bao tiền, bao vàng đi trả cho nhau".

Đại biểu Lương Văn Thành (Hải Phòng) đánh giá khái quát, Ngân hàng thế giới nhận định Việt Nam đang trở thành mục tiêu của hoạt động rửa tiền. Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc cũng cho rằng Việt Nam dễ bị tội phạm rửa tiền tìm đến do nền kinh tế sử dụng nhiều tiền mặt.

Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) tán thành nhận xét, thực tiễn Việt Nam, hoạt động rửa tiền chắc chắn đã xảy ra, nhưng không phải qua các tổ chức ngân hàng, tổ chức tài chính. Nguyên nhân, theo ông Châu cũng vì Việt Nam có một thị trường tiền mặt và các loại hàng hóa có giá trị như tiền hoạt động rất dễ dàng; mua, bán, chuyển nhượng rất dễ dàng. Vì vậy đơn giản quy định ngăn chặn các giao dịch tiền tệ qua ngân hàng sẽ không đáp ứng được việc phòng, chống rửa tiền ở trong nước.

Phó Chủ nhiệm đoàn luật sư TP.HCM Trương Trọng Nghĩa cũng phân tích, thực tế, việc thanh toán qua ngân hàng rất hạn chế mà thanh toán bằng tiền mặt, thanh toán bằng đô-la tự do, thanh toán bằng vàng và thanh toán bằng nhiều tài sản hữu hình khác.

“Ở các nước nếu anh vào một cửa hàng ăn uống mà móc một xấp đô-la ra khoảng 10 tờ 100 đô ra trả tiền chẳng hạn, người ta sẽ nhìn anh rất kỳ quặc hoặc người ta nghi ngờ anh. Còn ở Việt Nam, người ta vác cả bao tiền hay vác cả bao vàng đi để trả cho nhau” – ông Nghĩa nêu dẫn chứng so sánh để thấy phải có quy định thích hợp để đối phó với tội phạm rửa tiền tại Việt Nam. Đại biểu cảnh báo, nếu chỉ áp dụng các biện pháp, cách thức phòng chống như nước ngoài sẽ hoàn toàn không hợp.

Gật đầu với nhận định này, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đặt vấn đề vì sao thế giới coi Việt nam như xứ sở lý tưởng cho việc rửa tiền? Ông Quốc lý giải, cổng rửa tiền phổ biến nhất mà thế giới canh thật chắc là ngân hàng. Ở Việt Nam có nhiều “cổng” để rửa tiền. Chỉ mua một căn hộ cao cấp, có thể rửa hàng triệu đô-la, toàn tiền mặt, còn được khuyến khích, khuyến mại, thậm chí tiền thuế mua căn nhà cũng không ai kiểm soát.

Việc dự luật mới chỉ bàn cách chặn “cổng” duy nhất là ngân hàng, ông Quốc sẽ không cải thiện được tình hình vì vẫn có thể đi bằng cửa khác. “Cách soạn thảo như này hơi đơn giản. Nếu là người định rửa tiền, đọc luật này xong, tôi lách được ngay” – đại biểu chốt lại, lúc nào còn sử dụng nhiều tiền mặt, vàng như hiện nay thì… vô phương cứu chữa.

Chống rửa tiền ở Việt Nam phải gắn với chống tham nhũng

"Mua một căn hộ cao cấp, rửa được hàng triệu đô-la" - 2
Buộc kê khai tài sản, thu nhập cá nhân là công cụ hữu hiệu chống rửa tiền, tham nhũng.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) mổ xẻ thực tế, trong điều kiện kinh tế thị trường phát triển và hội nhập quốc tế, chắc chắn hành vi rửa tiền sẽ diễn biến phức tạp do các hoạt động về buôn lậu, mua bán ma túy, buôn lậu vũ khí và các hoạt động do tham ô, tham nhũng. Không loại trừ các tổ chức, cá nhân ở ngoài nước coi các nước đang phát triển như Việt Nam là một nơi để rửa tiền bằng cách đầu tư vào các công trình, nhà hàng, khách sạn, các sòng bạc. Trong cộng đồng các cá nhân, tổ chức người Việt Nam cũng có những rửa tiền thông qua các hoạt động chứng khoán, đầu tư bất động sản…

Ngược lại, theo ông Đương, hiện tượng rửa tiền qua hệ thống ngân hàng không nhiều. Chứng minh vấn đề này, ông Đương nêu, hơn 6 năm qua, kể từ khi thành lập Cục phòng, chống rửa tiền không phát hiện được vụ nào vì giao dịch tới 200 triệu đồng đổ vào Việt Nam cũng đã bị kiểm soát trong khi thực tế hành vi rửa tiền, thường cũng phải tới vài chục tỷ đồng.

“Điểm mặt” những hành vi rửa tiền, đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) cho biết, theo đánh giá, ở Việt Nam, phương thức rửa tiền phổ biến nhất là thông qua các hoạt động đầu tư vào doanh nghiệp, đầu tư bất động sản, kinh doanh chứng khoán và giao dịch các dịch vụ ngân hàng. Các tổ chức tham gia rửa tiền chủ yếu là các doanh nghiệp được hình thành một cách hợp pháp.

Đại biểu phân tích thêm, đối với các nước phát triển phòng, chống rửa tiền gắn với phòng, chống khủng bố nhưng ở Việt Nam phải gắn với phòng, chống tham nhũng. Hành vi rửa tiền vừa qua cũng tăng theo quy mô và tốc độ hội nhập, cần lưu ý đến các hoạt động phạm pháp khác như buôn bán ma túy, buôn lậu…

Quy định minh bạch hóa tài sản, thu nhập cá nhân, theo đó, là điều kiện hàng đầu, là công cụ hữu hiệu nhất phòng chống tham nhũng, rửa tiền trong nước. Luật phòng, chống tham nhũng siết quy định, buộc phải kê khai tài sản và thu nhập cá nhân với một số đối tượng người có chức có quyền có thể làm phát sinh nhu cầu hợp thức hóa tiền và tài sản. Ông Đương cảnh báo, còn khoảng trống cho việc rửa tiền ngay trong nội bộ Việt Nam mà các quy định luật điều chỉnh mới chỉ mang tính hình thức.

Ông Đương kiến nghị, cần phân biệt trong luật tiền bẩn rửa trong nước, tiền bẩn mang ra nước ngoài để rửa và tiền nước ngoài bẩn mang vào Việt Nam để rửa với mục đích khác nhau để từ đó có các biện pháp phòng và chống tương ứng.

P.Thảo 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm