1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Mưa lũ “đánh” tơi tả các tỉnh phía Bắc

(Dân trí) - Trận lũ sớm hôm mồng 3, 4/7 khiến các tỉnh phía Bắc phải oằn mình chống đỡ. Thiệt hại nặng nhất tính đến thời điểm này là tỉnh Bắc Kạn với 13 người chết và 12 người mất tích. Các tỉnh khác cũng phải gánh những hậu quả nặng nề...

Lai Châu: 7 người chết, huyện Mường Tè bị cô lập

Tính đến chiều nay (6/7), tại Lai Châu đã có 7 người thiệt mạng do mưa lũ, 3 cây cầu bị phá hủy, hầu hết các tuyến đường đều bị hư­ hỏng nặng. Riêng tuyến tỉnh lộ 127 từ ngã ba Lai Hà đi huyện Mường Tè, xe trọng tải nặng không thể lư­u thông, làm cho huyện này gần như­ bị cô lập với bên ngoài. Đến chiều nay, 10 xe chở 200 tấn gạo cứu trợ của Trung ương cho huyện này vẫn đang tắc tại đại bàn xã Lê Lợi, huyện Sìn Hồ.
 
Mưa lũ “đánh” tơi tả các tỉnh phía Bắc - 1
Mưa lũ làm đất, đá tràn xuống, cắt ngang quốc lộ 32, đoạn qua xã Pắc Ta (huyện Tân Uyên)
 
Gần 200 hộ với khoảng 1.200 người hiện đang phải di dời khẩn cấp ra khỏi các điểm có nguy cơ sạt lở cao nh­ư xã Tung Qua Lìn (Phong Thổ); bản Cò Lá (thị trấn Tam Đ­ường); thị trấn Than Uyên; xã Phúc Khoa (huyên Tân Uyên).
 
Thông tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn tỉnh Lai Châu, mực nước tại các con sông Nậm Na, Nậm Mu, Nậm So... liên tục dâng cao ở mức báo động cấp II. Lũ trên sông Đà dâng cao 2-3m trong ngày 6/7.

Cao Bằng: 3 người chết, 2 người mất tích

Theo thông tin mới nhất, tính đến hết ngày 5/7, tỉnh Cao Bằng đã có 3 người chết, 2 người mất tích, 2 ng­ười bị th­ương do bão lụt trong đợt lũ ngày 3-4/7. Theo báo cáo nhanh của ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Cao Bằng, đã có 20 nhà dân bị sập, bị cuốn trôi; thiệt hại nhiều gia súc, gia cầm; hơn 500 nhà dân bị ngập chìm trong nước; trên 700 ha lúa và hoa màu bị ngập; sạt lở trên 10.000 m3 đất đá, làm tê liệt giao thông của huyện Bảo Lâm.
 
Mưa lũ “đánh” tơi tả các tỉnh phía Bắc - 2
BCH quân sự tỉnh huy động lực l­ượng cứu hộ cho người dân ở thị xã Cao Bằng

Các huyện bị thiệt hại nhiều nhất là Bảo Lâm với 8 ngôi nhà bị đổ, 3 người bị chết do lũ cuốn trôi, 2 người mất tích. Huyện Bảo Lạc có 5 ngôi nhà bị đổ, 11 nhà bị vùi lấp hoàn toàn. Huyện Trùng Khánh có gần 400 ha lúa và hoa màu bị ngập úng.

Sơn La: 1 người chết, 1 người mất tích

Tại huyện Mường La, mưa lũ đã làm 1 người chết, 1 người mất tích và 1 người bị thương. Người bị chết là anh Nguyễn Văn Công, 30 tuổi, công tác tại Công ty Cổ phần Sông Đà 7.2. Trên đường đi từ xã Ngọc Chiến về trung tâm huyện, khi đi qua cầu Ít Piệng (thuộc xã Nậm Păm), anh Công bị lũ cuốn trôi, hiện đã tìm thấy xác.
 
Nạn nhân thứ hai là bà Phùng Thị Hồng, quê Nam Định. Bà đi buôn bán ngang qua cầu bản Kẻ (xã Ngọc Chiến) thì bị lũ cuốn trôi, đến nay vẫn chưa tìm thấy xác.
 
Ngoài ra, một người đàn ông tên Vân (chưa rõ họ, quê quán) đi buôn bán qua ngầm bản Kẻ, xã Ngọc Chiến bị lũ cuốn trôi, hiện đang cấp cứu tại bệnh xá Sông Đà 7.2.
 
Mưa lũ “đánh” tơi tả các tỉnh phía Bắc - 3
Sống chung với lũ (Ảnh chụp tại thị xã Cao Bằng)

Hà Giang: 1 người bị lũ cuốn trôi

Tin từ Hà Giang, hiện có 1 người ở Thôn Xếp (xã Đản Ván, huyện Hoàng Su Phì) bị nước lũ cuốn trôi mất tích. Huyện Bắc Mê cũng được coi là huyện chịu ảnh hưởng nhiều nhất với hàng chục héc ta lúa và hoa màu chưa kịp thu hoạch bị ngập, 2 cây cầu treo ở xã Yên Định và xã Yên Cường bị nước lũ làm ảnh hưởng mất toàn bộ ván và mố cầu có nguy cơ sập.

Tại huyện Yên Minh, 7 nhà dân phải di dời do sạt lở đất, đường giao thông tuyến Mậu Duệ - Ngọc Long bị trôi mất mặt đường, ô tô không thể đi qua được… Hiện chưa có con số thông kê cụ thể về tài sản bị thiệt hại do mưa lũ.

Yên Bái: Di dời khẩn cấp 58 hộ dân

Tại huyện vùng cao Mù Cang Chải xảy ra sạt lở đất đá tại nhiều điểm. Ban phòng chống bão lũ của huyện Mù Cang Chải đã di dời khẩn cấp 58 hộ ở một số xã và thị trấn đến nơi an toàn. Mưa lũ làm sạt lở khoảng 15.000 m3 đất đá ở khu vực tuyến quốc lộ 32 từ thị xã Nghĩa Lộ đi Mù Cang Chải sang địa phận huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, tỉnh lộ 166.
 
Tiến Nguyên - Tuấn Hợp