1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Mưa lớn, Trung Trung Bộ ngập nặng

Mưa to suốt đêm 7 đến chiều ngày 8/10 đã khiến mực nước sông dâng cao và nhanh chưa từng thấy. Nhiều huyện thuộc các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế ngập sâu trong nước. Một người đã thiệt mạng, hàng trăm nhà dân bị tốc mái, nhiều tài sản bị nước lũ cuốn trôi...

Quảng Trị: Mưa lớn, vùng Cam Lộ bị ngập lụt nặng, nhiều trâu bò bị lũ cuốn trôi.

Mực nước ở các thôn ven sông như Hậu Viên, Đông Định đã cao quá 3 mét, cao hơn cả trận lũ năm 1999. Một nguyên nhân khiến lụt vùng này lên cao là do đường Hồ Chí Minh chạy qua được đắp cao vô hình chung biến thành một con đê ngăn dòng thoát của sông. Toàn vùng dân cư phía Tây đường bị ngập với tốc độ nước dâng cao chưa từng có, hầu hết nhân dân trong khu vực này không kịp trở tay.

Hiện chưa có con số thống kê chính xác thiệt hại, nhưng ước tính ban đầu là không nhỏ. Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng Phòng Lao động thương binh xã hội huyện Cam Lộ cho biết hiện chính quyền địa phương đang dùng thuyền sơ tán dân ra khỏi vùng ngập lũ, đưa lên lánh tạm ở các vùng cao hơn.

Ông Lê Thanh Hải, chủ tịch thị trấn Cam Lộ cho biết tại xã Cam Tuyền (cũng thuộc huyện Cam Lộ) nước dâng cao cuốn trôi rất nhiều trâu bò của bà con nông dân

Tại thị xã Đông Hà, nước dâng mấp mé chợ trung tâm thị xã khiến bà con buôn bán tạm ngừng hoạt động. Nhiều quãng đường ngập rất sâu do mưa quá lớn không thoát kịp.

Thừa Thiên - Huế: đã có một người thiệt mạng

Do ảnh hưởng của ấp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế chiều và tối 7/10 đã có mưa to có nơi mưa rất to khiến nhiều tuyến đường bị ngập, mực nước sông dâng cao.

Tại trạm Kim Long trên sông Hương chỉ dưới báo động III là 0.26m. Riêng tại trạm Phú Ốc của sông Bồ đã vượt BĐ III là 0,03m. Mưa lớn nhưng hệ thống thoát nước yếu kém nên tại nhiều tuyến đường TP Huế đều có ngập ứ cục bộ. Đặc biệt, khu vực nội thành Huế đa phần tuyến đường các phường đều bị ngập sâu từ 0, 3 - 0,5m, có nơi đến 1m khiến đường sá bị chia cắt. Nhiều cây xanh cũng đã bị đổ ngã, trong đó một cây cổ thụ 70 năm tuổi tại đường Đào Duy Anh bị đổ gãy làm chìm hai chiếc đò.

Đặc biệt, chiều 7/10, một phụ nữ ở xã Thủy An, thành phố Huế cũng đã thiệt mạng do lật ghe trong khi đi hái rau bằng tại thôn Nhất Đông... Được biết, nạn nhân là Lê Thị Thảo, ở thôn Nhất Đông, chuyên đi hái rau kiếm sống, chồng đi bán kẹo kéo để nuôi hai con, một đang học lớp bảy và một học lớn tám.

Tại nhiều vùng huyện của Thừa Thiên - Huế, gió mạnh cấp 5 - 6 đã làm sập và tốc mái hơn 100 ngôi nhà, trường học, công sở.

Một cán bộ xã Vinh Thái cho biết, gió mạnh đã hất tung mái nhà của trụ sở ủy ban bay khá xa, suýt gây thương vong đến người dân. Ngoài ra, đêm 7/10 gió mạnh cũng đã làm đứt tuyến dây điện hạ thế của tại thôn Hà Trữ A khiến nhiều khu vực bị mất điện.

Tại huyện ALưới, UBND huyện cho biết, cùng với 30 hồ cá nước ngọt bị trôi, 15ha lúa bị đổ rạp khả năng mất mùa trên 60%, thống kê bước đầu có 25 ngôi nhà, công sở bị tốc mái, tập trung ở các địa phương như thị trấn ALưới, xã Sơn Thủy, Đông Sơn, Hồng Kim...

Còn tại thôn Vân Quật Đông, xã Hương Phong, huyện Hương Trà thống kế sơ bộ cũng đã có tới 27 ngôi nhà bị tốc mái, trong đó 11 nhà bị nặng. Nhiều tuyến giao thông trọng yếu, các tuyến đê bao, bờ biển cũng đã bị sạt lở, xâm thực.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND huyện Phú Vang cho biết, tại khu vực hạ lưu sông Hương đoạn bờ sông qua thôn Mậu Tài, xã Phú Mậu đã bị sạt lở với chiều dài 20m. Vùng biển Hải Bình thuộc thị trấn Thuận An cũng bị sạt lở, tuy nhiên chưa đến mức nghiêm trọng. Còn tại xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền một đoạn đê bao ngăn mạn cũng đã bị vở đe dọa đến sản xuất mùa màng trong vụ mùa tới.

Quảng Bình: Chìm hai tàu ngư dân

Từ rạng sáng ngày 7/10 đến 12h cùng ngày, mưa rất to trên diện rộng ở Quảng Bình. Lượng mưa đo được ở trạm thuỷ văn Đồng Tâm là 240mmm, Kiến Giang 340mm, Trường Sơn 264mm và Minh Hoá là 249mm.

Mực nước ở Phan Xá, Kiến Giang lên trên mức báo động 3. Theo nguồn tin ban đầu của Chi cục Phòng chống bão lụt và quản lý đê điều tỉnh, đến 12h ngày 8/10, hai tàu đánh cá của ngư dân vùng Nghĩa - Bình với 17 thuyền viên ra làm ăn trên ngư trường Quảng Bình đã bị chìm tại cửa sông Gianh vì sóng lớn khi đang vào cửa sông, rất may là không có ai bị cuốn trôi.

Vùng thấp trũng huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh gồm hơn 20 xã vùng giữa đã bị ngập sâu trên 5.000 hộ, trong đó 1.000 hộ ngập ở mức trên 1m nước. Xã vùng sâu vùng xa Trường Sơn trên đường Hồ Chí Minh nhánh tây hiện không liên lạc được bằng điện thoại. Theo thông tin ban đầu, từ lúc 7h nhiều khu dân cư ở xã đã bị ngập vì nước nguồn đổ về.

Tại khu vực đồn biên phòng, nước ngập lên tận chảo ăngten làm mất hoàn toàn liên lạc. Một đoạn đường Hồ Chí Minh trên địa bàn xã này cũng bị sạt lở vách taluy dương nên đường hiện nay đang bị tắc. Lực lượng biên phòng và dân cư xã Trường Sơn đang khắc phục tạm thời các đoạn ngắn để sớm thông đường.

Tỉnh lộ 16 đoạn Lệ Thuỷ-Mai Thuỷ, quốc lộ 15 đoạn ngầm Rèng bị ngập sâu 0,8m gây ách tắc giao thông từ sáng ngày 8/10. Nhiều tuyến đường khác như ngầm Vĩnh Tuy (Quảng Ninh), Cam Thuỷ (Lệ Thuỷ) bị ngập từ 0.4-0,5m, đoạn cầu cây Xoài, Đồng Lê (Tuyên Hoá) trên quốc lộ 12A, nước suối dâng chảy tràn qua với độ ngập 1,5m.

Tại đập ngăn thuỷ lợi Mỹ Trung, toàn bộ 11 cánh cửa ngăn nước đã bị nước tống vào làm vỡ hoàn toàn. Các tuyến đê tả, hữu Kiến Giang, đê bao vùng của huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh đã ngập chìm trong biển nước. Toàn tỉnh có gần 1.000ha cây trồng ngắn ngày đã ngập sâu trong nước; phần lớn diện tích ao hồ nuôi tôm cua cũng đã bị ngập.

Trên địa bàn TP Đồng Hới, hàng chục tuyến đường nội thành ngập từ 0,3-0,5m. Riêng các đường Thống Nhất, Trần Hưng Đạo, thuộc phường Nam Lý đã biến thành sông. Hiện nay tỉnh đã huy động hai tàu 33 mã lực lên huyện Lệ Thuỷ để ứng cứu dân, cùng với bốn ca nô và 40 thuyền khác của huyện thường trực để kịp thời di dân nếu nước vẫn tiếp tục dâng cao.

Theo Đình Toàn - Lam Giang - Lê Đức Dục
Tuổi trẻ

Dòng sự kiện: Lũ miền Trung