Quảng Bình:

Mưa lớn, 1 người bị lũ cuốn trôi, đường sắt tê liệt

(Dân trí) - Mưa lớn kéo dài tại Quảng Bình hai ngày qua đã khiến 1 người đàn ông bị nước cuốn trôi. Tuyến đường sắt Bắc – Nam bị tê liệt vì đoạn qua huyện Tuyên Hóa bị sạt lở nghiêm trọng. Tại Quảng Trị, mưa lớn kèm lốc xoáy cũng khiến hàng trăm nhà dân bị tốc mái.

Thông tin từ Công ty Quản lý đường sắt Quảng Bình cho biết, mưa lớn trong những ngày qua khiến nước dâng cao, gây ngập một số đoạn đường sắt qua địa bàn Quảng Bình, trong đó đoạn đường sắt đi qua huyện Tuyên Hóa đã sạt lở, hư hỏng nặng, tuyến đường sắt Bắc – Nam bị tê liệt hoàn toàn.

“Mưa lớn làm nước sông Gianh lên cao, nước chảy xiết khiến đoạn đường sắt ở km 456 gần ga Lạc Sơn, tuyến đường sắt Hà Nội – TP Hồ Chí Minh đã bị sạt lở, các tàu qua Quảng Bình đang phải tạm dừng hoạt động, chúng tôi cũng đã triển khai lực lượng khắc phục sớm nhất có thể”, ông Trần Xuân Trường, Chủ tịch Công đoàn, Công ty Quản lý đường sắt Quảng Bình nói.

Mưa lớn khiến đoạn đường sắt ở km 456 gần ga Lạc Sơn, tuyến đường sắt Hà Nội – TP Hồ Chí Minh đã bị sạt lở.
Mưa lớn khiến đoạn đường sắt ở km 456 gần ga Lạc Sơn, tuyến đường sắt Hà Nội – TP Hồ Chí Minh đã bị sạt lở.

Theo báo cáo của Công ty Quản lý đường sắt Quảng Bình, đoạn đường sắt nói trên bị sạt lở mái ta-luy, chiều dài 90m và sâu khoảng 18-20m, sạt lở sát chân nền đá. Hiện tại Công ty Quản lý đường Sắt Quảng Bình đã huy động hơn 120 công nhân để sửa chữa.

Trao đổi với PV Dân trí sáng ngày 14/10, ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Bình cho biết, vì đường sắt bị sạt lở từ chiều ngày 13/10 nên các tuyến tàu qua Quảng Bình đã dừng hoạt động để đảm bảo an toàn. Sau nhiều nỗ lực khắc phục, sửa chữa đến gần 9h sáng nay, tuyến đường sắt Bắc-Nam đã có thể lưu thông trở lại.

“Đoạn đường sắt bị sạt lở đến sáng nay đã có thể lưu thông trở lại bình thường, ngoài ra tuyến đường Hồ Chí Minh nhiều đoạn đã bị ngập từ chiều qua, đến nay nước nhiều nơi đã lên trên 2m và không thể lưu thông được, chúng tôi cũng đã chủ động các phương án để khắc phục, chuẩn bị phương tiện nếu cần thiết sẽ đưa các phương tiện ra khỏi nơi bị ngập”, ông Hải cho biết.

Hiện tại đoạn đường sắt bị sạt lở đã được khắc phục, sửa chữa, tàu có thể lưu thông được
Hiện tại đoạn đường sắt bị sạt lở đã được khắc phục, sửa chữa, tàu có thể lưu thông được

Cũng trong sáng nay, tại địa bàn xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, nước lũ dâng cao đã khiến ông Thái Xuân Năng (62 tuổi, trú tại thôn 3 Yên Thọ, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa) bị nước cuốn trôi khi đang trên đường chăn bò về qua ngầm Cây Hương, nối giữa thôn 3 và thôn 4 Yên Thọ. Hiện các lực lượng chức năng đang huy động phương tiện tìm kiếm thi thể nạn nhân.

Đường Hồ Chí Minh qua thôn Phú Nhiêu, xã Thượng Hóa bị ngập sâu.
Đường Hồ Chí Minh qua thôn Phú Nhiêu, xã Thượng Hóa bị ngập sâu.

Hiện tại ở Quảng Bình mưa lớn vẫn đang diễn ra trên diện rộng, các địa phương cũng đã triển khai các phương án tại chỗ để nhằm sẵn sàng giúp đỡ người dân di chuyển trong mưa lũ nếu diễn biến thời tiết còn phức tạp.

Quảng Trị: Mưa lớn kèm lốc xoáy khiến hàng trăm nhà dân bị tốc mái

Ghi nhận của PV Dân trí, mưa lớn từ đêm qua (13/10) kéo dài đến sáng nay 14/10, đã khiến mực nước trên các con sông có chiều hướng lên nhanh, một số tuyến giao thông tại 2 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa có dấu hiệu ngập cục bộ.

Đặc biệt, lốc xoáy xảy ra tại nhiều địa phương thuộc tỉnh Quảng Trị đã gây thiệt hại nặng cho người dân. Thống kê ban đầu có khoảng hơn 200 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng; nhiều diện tích cây hoa màu, cây công nghiệp bị gãy đổ. Trong sáng nay, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, Ban chỉ huy PCLB đã đến các địa phương trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, động viên, thăm hỏi bà con nhân dân.

Nhà dân bị tốc mái do lốc xoáy (Ảnh: CTV)
Nhà dân bị tốc mái do lốc xoáy (Ảnh: CTV)

Tại huyện Vĩnh Linh, ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh cho biết, đêm qua (13/10), trên địa bàn xảy ra mưa lớn. Đặc biệt, lốc xoáy xảy ra ở 3 địa phương trong huyện, gồm: xã Vĩnh Thái, Vĩnh Tú, Vĩnh Chấp khiến 15 nhà ở của người dân bị tốc mái, hư hại. Trong đó, có 7 nhà dân bị hư hỏng nặng, 8 nhà dân bị hư hại nhẹ. Bên cạnh đó, diện tích cây hàng năm bị hư hại, đổ gãy khoảng 70 ha. Lốc xoáy cũng gây ảnh hưởng đến 20 ha cây hồ tiêu của người dân.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị xuống tận nơi để kiểm tra tình hình
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị xuống tận nơi để kiểm tra tình hình

Ngay sau khi xảy ra lốc xoáy, lãnh đạo địa phương đã về các nơi bị thiệt hại để kịp thời động viên, thăm hỏi người dân, đồng thời chỉ đạo các lực lượng giúp dân khắc phục hậu quả. Qua theo dõi thì hiện mực nước trên các sông đang ở mức bình thường, lượng mưa hôm nay đã giảm.

Nhiều nhà dân tại huyện Triệu Phong bị hư hỏng nặng
Nhiều nhà dân tại huyện Triệu Phong bị hư hỏng nặng

Tại huyện Triệu Phong, bà Nguyễn Thị Triều Thương, Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong cho biết, mưa lớn từ tối hôm qua (13/10) đến nay đã khiến 80 nhà dân bị tốc mái. Thống kê ban đầu có khoảng 20 nhà bị tốc mái hoàn toàn. Trong đó, xã Triệu Đại bị hư hỏng 40 nhà, còn lại là xã Triệu Phước và xã Triệu Lăng. Lốc xoáy cũng khiến 3 người bị thương nhẹ, đã được sơ cứu và đưa đi điều trị tại bệnh viện.

Ngoài ra, một số trường học tại xã Triệu Hòa bị tốc mái, nhiều diện tích cây cao su ở xã Triệu Thượng, Triệu Ái bị ảnh hưởng, gãy đổ. Hệ thống thông tin liên lạc, cột viễn thông bị xiêu vẹo. Xã Triệu Lăng có một số thuyền nhỏ của người dân bị sóng đánh hư hỏng. Nhiều diện tích hoa màu của người dân bị hư hại.

Mưa lớn, 1 người bị lũ cuốn trôi, đường sắt tê liệt - 7

Bà Thương cho hay, ngay trong sáng nay, Ban chỉ huy PCLB, lãnh đạo chính quyền đã trực tiếp về địa phương thăm hỏi, động viên người dân. Chỉ đạo các lực lượng giúp dân khắc phục hậu quả, khẩn trương lợp lại nhà cửa, khắc phục các công trình công cộng để học sinh có thể học bình thường vào đầu tuần tới.

UBND huyện cũng đã hỗ trợ khẩn cấp cho các hộ gia đình có nhà bị tốc mái hoàn toàn là 5 triệu đồng, các địa phương cũng đang tiến hành thống kê để hỗ trợ cho người dân tùy theo mức độ bị thiệt hại.

Chính quyền địa phương đã chỉ đạo các lực lượng khẩn trương giúp người dân khắc phục hậu quả
Chính quyền địa phương đã chỉ đạo các lực lượng khẩn trương giúp người dân khắc phục hậu quả

Tại Thị xã Quảng Trị, lốc xoáy cũng khiến 14 nhà dân bị tốc mái. Một số công trình thủy lợi, kênh mương bị hư hỏng.

Theo thông tin từ huyện Đakrông, mưa lớn đã gây ra 10 điểm sạt lở trên Quốc lộ 9, nhưng vẫn lưu thông được. Đặc biệt, nhiều cầu tràn ở tuyến Tà Rụt - A Vao, cầu tràn Ba Lòng, cầu tràn Ba Nang và 2 điểm trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua thủy điện Đakrông 1, Đakrông 2 bị ngập cục bộ. Có 1 nhà dân bị sạt lở, vùi lấp, 3 nhà bị ngập sâu từ 0,5-1m.

Nước trên sông Đakrông dâng cao
Nước trên sông Đakrông dâng cao

Tại huyện Hướng Hóa, một số tuyến đường bị ngập cục bộ ở vùng Lìa, ở xã Hướng Linh có 10 hộ ngập cục bộ và đang được tổ chức di dời. Nước sông Sê Pôn đang lên nhẹ, nếu tình mưa kéo dài đến tối thì khả năng nhiều tuyến đường vùng Lìa sẽ bị tắc, nhà dân dọc sông SêPôn bị ngập nên huyện đang lên phương án di dời.

Huyện Cam Lộ chỉ bị ngập cục bộ một số nơi, một số trường cho học sinh nghỉ bị ngập. Huyện đã chuẩn bị các phương án phòng, chống bão lụt.

Mưa lớn, 1 người bị lũ cuốn trôi, đường sắt tê liệt - 10

Tại huyện Gio Linh, lốc xoáy nhẹ xảy ra tại xã vùng biển Gio Hải cũng khiến 3 nhà dân bị tốc mái nhẹ. Hiện người dân và các lực lượng đang giúp dân khắc phục hư hại nhà cửa.

Theo thống kê ban đầu của UBND huyện Hải Lăng, toàn huyện có khoảng 100 nhà dân bị ảnh hưởng do lốc xoáy, tuy nhiên mức độ nhẹ, người dân đã chủ động khắc phục. Riêng xã vùng biển Hải Khê, lốc xoáy đã khiến 30 nhà bị tốc mái.

Bên cạnh đó, tỉnh lộ 582 nối QL1A với các xã miền biển có nhiều cây bị gãy, đổ, hiện chính quyền địa phương đã chỉ đạo cho các lực lượng cắt cây để thông đường. Nhiều diện tích cây hoa màu của người dân bị hư hại.

Hà Tĩnh: Sẵn sàng các biện pháp đối phó với mưa, lũ

Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hà Tĩnh vừa cho biết, trước diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới, đơn vị đã phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương theo dõi 24/24. Tính đến thời điểm hiện tại, mực nước ở các hồ chứa vẫn đang ở mức bình thường và hầu hết các tàu thuyền, thuyền viên đã vào bờ trú ẩn an toàn.

Trước diễn biến của áp thấp nhiệt đới, ngày 12/10, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công điện chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị chủ động đối phó với mưa, lũ. Đồng thời giao SỞ NN&PTNT (Cơ quan Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN) phối hợp với Văn phòng Thường trực BCH PCTT&TKCN , tổ chức theo dõi, tổng hợp diễn biến của mưa, lũ; đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với mưa, lũ; kịp thời báo UBND tỉnh để xử lý những tình huống cấp bách.

Tàu, thuyền vào tránh bão ở cảng cá Thạch Kim
Tàu, thuyền vào tránh bão ở cảng cá Thạch Kim

Theo báo cáo của BCH PCTT&TKCN tỉnh Hà Tĩnh, do ảnh hưởng kết hợp của vùng áp thấp, gió Đông Bắc nên toàn tỉnh đã có mưa vừa đến mưa to và giông. Lượng mưa đo được từ 19h ngày 12/10 đến 7h ngày 14/10 lớn nhất tập trung ở vùng Kẻ Gỗ với 201mm (mực nước hồ hiện ở 25,53m, dung tích 171 triệu khối), tiếp đó là TP Hà Tĩnh với 151mm, vùng Sông Rác 110mm, Thạch Đồng 106mm, Cẩm Nhượng 105mm, Kỳ Anh 92,4mm, Chu Lễ 90mm, Hương Khê 85,7mm, Hoành Sơn 85mm, Hòa Duyệt 29,8mm, Linh Cảm là 29mm, Hương Sơn 21,6mm, Sơn Kim 14,9mm, Sơn Diệm 7mm.

Nhằm đảm bảo an toàn hồ chứa, từ 10h ngày 12/9 hồ Khe Xai đã xả lũ với lưu lượng 5m3/s; từ 20h tối qua (13/10), hồ Bộc Nguyên xả lũ 10m3/s; từ 6 h sáng nay, Thủy điện Hố Hô xả lũ với lưu lượng 50m3/s.

Theo báo cáo của Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh, đến sáng nay (14/10), đã có 5.514/5.522 tàu thuyền với 13.850/14.000 thuyền viên vào bờ neo đậu an toàn nhằm phòng tránh áp thấp nhiệt đới.

Hiện tại BCH PCTT&TKCN Hà Tĩnh đang theo dõi sát diễn biến áp thấp nhiệt đới và tình hình mưa lũ để chủ động phương án ứng phó đảm bảo an toàn cho người dân, đặc biệt ở các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, khu vực ven sông suối có nguy cơ xảy ra ngập úng...

Tiến Hiệp

Tiến Thành - Đăng Đức