1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Mưa lốc, nước ngập băng đường, người dân chật vật chống đỡ

Nhóm PV miền Trung & Tây Nguyên

(Dân trí) - Sáng 17/10, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến một số tỉnh thuộc Trung Trung bộ. Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định và Tây Nguyên có mưa vừa mưa to, có nơi mưa rất to. Nước ngập nhiều nơi..

Thừa Thiên Huế: Mưa lớn, Quốc lộ 1 qua Phú Lộc ngập nặng

Trưa nay (17/10), tại đoạn Quốc lộ 1 qua xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế), nước ngập hơn nửa mét làm các phương tiện di chuyển khó khăn.

Mưa lốc, nước ngập băng đường, người dân chật vật chống đỡ - 1

Người dân đi xe máy dắt phương tiện lội qua dòng nước lũ trên Quốc lộ 1 qua xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc.

Trong 24 giờ qua, lượng mưa ở Thừa Thiên Huế lớn. Khu vực từ Vườn quốc gia Bạch Mã qua huyện Phú Lộc, mưa lớn từ hôm qua (16/10) gây ngập lụt nặng ở đoạn Quốc lộ 1 xã Lộc Trì.

Mưa lốc, nước ngập băng đường, người dân chật vật chống đỡ - 2

Nhiều xe cố gắng vượt dòng nước.

Ghi nhận của PV Dân trí, tình trạng ngập nước gây ách tắc giao thông khi nhiều phương tiện như xe máy bị tắt máy khi cố gắng vượt qua dòng nước. Các xe ô tô gầm cao vẫn đang lưu thông được.

Mưa lốc, nước ngập băng đường, người dân chật vật chống đỡ - 3

Xe ô tô tải vẫn lưu thông qua đoạn Quốc lộ 1 này được.

Khu vực hồ thủy điện Hương Điền có mưa rất to, lượng mưa đo được ở các trạm dao động từ 200-250 mm. Từ 8h sáng nay (17/10), hồ thủy điện này đã được lệnh điều tiết qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 800-1000m3/s.

Mưa lốc, nước ngập băng đường, người dân chật vật chống đỡ - 4

Lực lượng CSGT điều tiết, hướng dẫn các phương tiện qua lại trên đoạn đường nước lũ ở Quốc lộ 1 (Ảnh: CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cung cấp).

Do mưa lớn, mực nước trên các sông ở Thừa Thiên Huế đang lên. Mực nước lúc 1h sáng 17/10 trên sông Hương, tại Kim Long là 1,24m, trên báo động 1 là 0,24m; trên sông Bồ, tại Phú Ốc là 2,09m, trên báo động 1 là 0,59m; trên sông Tả Trạch tại Thượng Nhật là 61,24m, trên báo động 2 là 0,24m; trên sông Ô Lâu, tại Phong Bình là 2,06m; trên sông Truồi tại Cầu Truồi là 1,21m.

Dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế, từ hôm nay (17/10) đến ngày 19/10, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa to đến rất to.

Đà Nẵng: Mưa to, gió lớn quật ngã bảng hiệu

Mưa lốc, nước ngập băng đường, người dân chật vật chống đỡ - 5

Sáng 17/10, mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường tại Đà Nẵng ngập cục bộ (Ảnh: Nguyễn Tri).

Mưa lốc, nước ngập băng đường, người dân chật vật chống đỡ - 6

Các dải phân cách trên đường Lê Duẩn (đoạn lên cầu Sông Hàn) nằm la liệt vì gió lớn (Ảnh: Nguyễn Tri).

Ghi nhận của PV Dân trí sáng nay 17/10, tại khu vực cầu Sông Hàn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), mưa lớn kết hợp gió mạnh khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại. Gió lớn khiến nhiều dải phân cách ở khu vực này đổ la liệt xuống đường.

Mưa lốc, nước ngập băng đường, người dân chật vật chống đỡ - 7

Nhiều người dân gặp khó khăn khi di chuyển lên cầu Sông Hàn vì gió mạnh (Ảnh: Nguyễn Tri).

Mưa lốc, nước ngập băng đường, người dân chật vật chống đỡ - 8

Một biển quảng cáo ở đường Hàm Nghi bị ngã, đỗ xuống đường (Ảnh: Nguyễn Tri).

Mưa lốc, nước ngập băng đường, người dân chật vật chống đỡ - 9

Mưa lớn trong những ngày qua khiến mực nước sông Hàn lên nhanh (Ảnh: Nguyễn Tri).

Còn tại khu vực biển Phạm Văn Đồng, gió giật mạnh kết hợp mưa lớn khiến nhiều người điều khiển xe máy gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại.

Quảng Nam: Gió lớn khiến nhà tốc mái, cây cối ngã đổ

Trận mưa lớn kèm theo gió mạnh bất ngờ vào sáng nay (17/10) khiến một số cây tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam) bị ngã đổ, một số nhà không kiên cố đã bị tốc mái, sập.

Mưa lốc, nước ngập băng đường, người dân chật vật chống đỡ - 10

Mưa lớn bất ngờ khiến một số nhà không kiên cố gần khu vực sông Tam Kỳ bị tốc mái tôn.

Khoảng 20h ngày 16/10, địa bàn tỉnh Quảng Nam bất ngờ có mưa lớn và gió mạnh. Nguyên do ảnh hưởng không khí lạnh tăng cường kết hợp dải hội tụ nhiệt đới có trục qua phía nam khu vực Trung Trung Bộ nối với vùng áp thấp trên khu vực biển Đông,

Mưa lốc, nước ngập băng đường, người dân chật vật chống đỡ - 11

Biển quảng cáo bị ngã đổ la liệt.

Theo ghi nhận của PV vào sáng 17/10, tại TP Tam Kỳ, mưa lớn và gió mạnh bất ngờ nên một số nhà không kiên cố ở gần sông bị tốc mái tôn. Rất nhiều biển hiệu bị ngã đổ, một số cây trên tuyến đường Duy Tân bị bật gốc, rất may không có ai bị thương tích.

Mưa lốc, nước ngập băng đường, người dân chật vật chống đỡ - 12

Quán nước của chị Võ Thị Tư đã bị sụp đổ hoàn toàn vì mưa to, gió lớn bất ngờ.

Chị Võ Thị Tư (nhà ở đường Thanh Hóa) cho biết, vì mưa to và gió lớn bất ngờ nên gia đình chị không kịp che chắn cho quán nước trong đêm. Sáng nay quán của chị đã bị sụp đổ hoàn toàn.

Mưa lốc, nước ngập băng đường, người dân chật vật chống đỡ - 13

Một số cây trên tuyến đường Duy Tân bị bật gốc.

Nhà ông Nguyễn Hữu Xế (63 tuổi, trú tổ 3, khối phố Phú Sơn) thấp và gần bờ sông nên khi mưa lớn, nước sông dâng cao, nước tràn vào ngập nhà từ tối 16/10.

Mưa lốc, nước ngập băng đường, người dân chật vật chống đỡ - 14

Nhà ông Nguyễn Hữu Xế nước sông đã tràn vào nhà ông ngay trong đêm.

"Hiện vợ và con tôi đã di tản đi nơi khác, chỉ có tôi ở lại nhà để trông chừng nhà và tài sản, hi vọng vài ngày nữa nước sẽ rút", ông Xế cho hay.

Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN Quảng Nam, vào lúc 9h sáng 17/10, thủy điện A Vương (xã Macooih, huyện Đông Giang) ghi nhận lượng nước đổ về lòng hồ 1.962 m3/s, nên đã vận hành điều tiết hồ chứa xả qua tràn 592 m3/s; thủy điện Đak Mi 4 (xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn), lượng nước đổ về lòng hồ 5.158 m3/s, nên vận hành xả lũ 2.373 m3/s.

Mưa lốc, nước ngập băng đường, người dân chật vật chống đỡ - 15

Thủy điện Sông Tranh 2 xả lũ trong sáng 17/10.

Thủy điện sông Bung 4 (xã Tà Pơ, huyện Nam Giang), lượng nước đổ về 1.871 m3/s, nên vận hành xả lũ 985 m3/s; thủy điện sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My) nước về lòng hồ 3.883 m3/s, xả qua tràn 570 m3/s.

Dự báo từ hôm nay đến 1h sáng mai (18/10), tại tỉnh Quảng Nam có mưa vừa, mưa to đến mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến 150-300mm, có nơi trên 350mm.

Hiện mực nước trên sông Vu Gia đang lên nhanh. Dự báo lũ trên sông Thu Bồn có khả năng lên ở mức báo động I đến trên báo động I và báo động II.

Quảng Ngãi: Lốc xoáy sập tường 50 nhà dân

Gió mạnh, lốc xoáy, mưa lớn trong rạng sáng 17/10 đã gây thiệt hại cho một số khu dân cư tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Khoảng 1h sáng nay (17/10), một trận lốc xoáy đã làm tốc mái, sập tường 50 căn nhà của người dân xã Bình Thạnh, Bình Chánh (huyện Bình Sơn), rất may không có thiệt hại về người.

Mưa lốc, nước ngập băng đường, người dân chật vật chống đỡ - 16

Lốc xoáy cuốn bay mái 50 căn nhà của người dân huyện Bình Sơn.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi, sáng 17/10, do ảnh hưởng không khí lạnh, tại Quảng Ngãi đã có mưa vừa, có nơi mưa to, nhiều khu vực có gió mạnh.

Tại huyện đảo Lý Sơn, có gió cấp 6, giật cấp 8, tại Dung Quất (huyện Bình Sơn), Trà Câu (thị xã Đức Phổ) có gió giật cấp 6. 

Bình Định cảnh báo lũ, lũ quét và sạt lở đất

Ngày 17/10, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Bình Định cho biết, hiện mực nước trên các sông trên địa bàn tỉnh dao động và đang lên. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1. Cần đề phòng mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn hồ chứa trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, lúc 8h sáng cùng ngày, mực nước trên sông Kôn tại Vĩnh Sơn 72.12m (trên báo động 1: 1.12 m); sông An Lão tại An Hòa 21.50 m (dưới báo động 1: 0.50 m).

Mưa lốc, nước ngập băng đường, người dân chật vật chống đỡ - 17

Cảnh báo sạt lở đất ở núi Gành (xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định).

Dự báo, từ trưa 17/10 đến 18/10, trên các sông trong tỉnh xuất hiện một đợt lũ, đỉnh lũ trên các sông khả năng ở mức báo động 1- 2; riêng thượng nguồn sông Kôn ở mức 2- 3.

Một số khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét và sạt lở đất như: xã Hoài Sơn (thị xã Hoài Nhơn); các xã Ân Hảo Ðông, Ân Sơn, Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân); các xã An Hòa, thị trấn An Lão (huyện An Lão); xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh); xã Canh Liên, Canh Hiệp (huyện Vân Canh); xã Bình Tường (huyện Tây Sơn); xã Cát Minh (huyện Phù Cát); xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn) và các xã phường: xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, phường Quang Trung, Ghềnh Ráng, Đống Đa (TP Quy Nhơn).

Đắk Lắk: Mưa lũ gây ngập hàng trăm nhà dân, chia cắt nhiều tuyến giao thông

Ảnh hưởng của mưa lớn, liên tục từ nhiều ngày qua trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã khiến một số địa phương vùng trũng đã bị ngập lụt phải sơ tán dân, nhiều tuyến đường hiện vẫn đang bị chia cắt cục bộ.

Mưa lốc, nước ngập băng đường, người dân chật vật chống đỡ - 18

Mưa lớn liên tục trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk khiến nhiều nơi bị ngập úng. Nước ngập tràn qua mặt đường.

Sáng 17/10, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vẫn có mưa kéo dài trên nhiều địa bàn, do ảnh hưởng của những trận mưa vừa đến to, có nơi rất to và giông.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển thôn Đắk Lắk, mưa từ ngày 12/10 đến nay đã gây ngập ở huyện Ea Súp, Ea H'leo.

Tại huyện Ea Súp, có 124 hộ dân của xã Cư Kbang, Ea Rốc và thị trấn Ea Súp bị ngập và phải di dời, sơ tán đến nơi an toàn.

Mưa lũ làm khoảng 1.400 cây trồng bị ngập. Trong đó, xã Cư M'lan 239 ha, xã Ya Tờ Mốt khoảng 700 ha; xã Ea Rốk 469 ha.

Mưa lốc, nước ngập băng đường, người dân chật vật chống đỡ - 19

Người dân di dời tài sản lên nơi cao ráo.

Bên cạnh đó, mưa lũ còn khiến xã Ya Tờ Mốt đã bị cô lập, chia cắt hoàn toàn; xã Cư Kbang đường liên xã Cư Kbang - Ea Rốk đoạn thôn 6 nước ngập sâu, nước chảy xiết làm xói mòn, đứt gãy hoàn toàn; xã Ea Rốk nhiều đoạn đường tỉnh lộ 1 qua thôn 17 của xã nước đã bắt đầu tràn qua đường, đường liên xã Ea Rốk đi xã Ia Rvê ngập sâu 1m- 2m nhiều tuyến đường liên thôn cũng ngập sâu.

Còn tại huyện Ea H'leo, có 27 nhà bị ngập đã và đang được sơ tán tại chỗ đảm bảo an toàn. Có khoảng 60 ha cây trồng các loại bị ngập, nhiều cầu nối các thôn bị ngập sâu, chia cắt như cầu Bằng Lăng, cầu Ea Đen…

Trước tình hình mưa lũ, UBND các huyện đã chủ động triển khai, thực hiện phương án ứng phó thiên tai năm 2021 được UBND tỉnh ban hành. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan thường trực phòng chống thiên tai tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h để chỉ đạo UBND các xã công tác phòng, tránh và khắc phục thiên tai.

UBND cấp xã được yêu cầu phải kịp thời vận động nhân dân khắc phục khó khăn, ổn định tình hình để ứng phó mọi tình huống có thể xảy ra; thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở nhân dân chú ý, đảm bảo an toàn cho người và tài sản.

Kon Tum: Hơn 400 hộ dân của một xã bị cô lập do mưa bão

Mưa lốc, nước ngập băng đường, người dân chật vật chống đỡ - 20

Hiện nay, nhiều hộ dân nằm trong vùng ngập lụt đã được chính quyền xã Đăk Pét giúp di chuyển đến nơi an toàn (Ảnh: UBND xã Đăk Pét).

Từ tối qua (16/10) đến nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có mưa rất to. Đặc biệt, các huyện miền núi như Kon Plong, Đăk Glei, Đăk Tô đang diễn ra tình trạng sạt lở.

Mưa lốc, nước ngập băng đường, người dân chật vật chống đỡ - 21

Mưa lớn khiến nước từ vùng thượng nguồn đổ về nhiều nên nhiều tuyến đường, cầu treo của xã bị cuốn trôi, sạt lở (Ảnh: UBND xã Đăk Pét).

Hiện chính quyền địa phương đang phối hợp cùng bộ đội, công an giúp đưa người dân ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm.

Đại diện xã Đăk Pét (huyện Đăk Glei, Kon Tum) cho biết, ngay trong đêm và sáng nay, lực lượng đã di chuyển hơn 50 hộ dân ra khỏi vùng ngập lụt đến điểm trú ẩn an toàn.

Mưa lốc, nước ngập băng đường, người dân chật vật chống đỡ - 22

Hiện đang còn khoảng 400 hộ dân với 1.500 nhân khẩu của xã Đăk Pét đang bị cô lập (Ảnh: UBND xã Đăk Pét).

Hiện nay, trên địa bàn xã còn khoảng 400 hộ dân với khoảng 1.500 hộ dân thuộc 2 làng đang bị cô lập nên lực lượng chưa thể tiếp cận được.

Mưa bão cũng khiến cho các tuyến đường liên xã, cầu treo trên địa bàn xã bị sạt lở nghiêm trọng. Chính quyền địa phương đang cho lực lượng chốt chặn tại vị trí nguy hiểm ngăn cấm bà con di chuyển qua lại.