TPHCM:
Mùa khô đề phòng “bà hỏa”
(Dân trí) - Dự báo năm nay tình hình khô hạn tại TPHCM sẽ kéo dài, nguy cơ cháy nổ rất cao. Chỉ trong tháng 2/2009 - tháng giao mùa - mà TPHCM đã xảy ra 16 vụ cháy.
Theo báo cáo của Sở Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy TPHCM, trong tháng 2/2009, trên địa bàn TP đã xảy ra 16 vụ cháy, làm bị thương 4 người, thiệt hại khoảng 495 triệu đồng. So với tháng 1/2009, số vụ cháy và thiệt hại có phần gia tăng; đặc biệt là thiệt hại về vật chất tăng gấp đôi, số người bị thương tăng gấp 4. Điều đó thể hiện mức độ nghiêm trọng của các vụ cháy ngày càng tăng cao.
Nghiêm trọng nhất trong tháng 2/2009 là vụ cháy tại Công ty Vinablast (đường số 2, lô B, khu công nghiệp Bình Chiểu, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức) vào chiều tối ngày 1/2 thiêu rụi 60m2 nhà kho, 500 thùng sơn, ước tính thiệt hại vật chất khoảng 400 triệu đồng.
Sang tháng 3, số vụ cháy cũng không giảm, mức độ có chiều hướng tăng nặng hơn do nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời cao. Đặc biệt, trong vụ cháy tại lò bánh mì Văn Sơn (số 624, đường Lũy Bán Bích, phường Tân Thành, quận Tân Phú) vào sáng ngày 15/3 vừa qua đã có người chết. Nạn nhân là anh Tất Văn Sơn, chủ lò bánh. Trước đó, ngày 11/3 cũng xảy ra cháy tại một lò bánh mì ở quận Phú Nhuận.
Theo thống kê trong 2 tháng vừa qua của Sở CS PCCC thì khu vực thường xảy ra cháy nhiều nhất là các khu dân cư, nguyên nhân chủ yếu là do chập điện và bất cẩn trong sinh hoạt. Tất cả bắt nguồn từ sự thiếu ý thức trong việc sử dụng điện, hệ thống điện không được đảm bảo an toàn...
Do đó, UBND TP vừa có văn bản khuyến cáo người dân nâng cao ý thức phòng chống cháy nổ, tự bảo vệ tài sản, tính mạng gia đình và bản thân, hạn chế những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Ngoài ra, UBND TP cũng chỉ đạo các cấp ngành nhanh chóng chấn chỉnh hoạt động phòng chống cháy nổ, tăng cường tập huấn phòng cháy chữa cháy cho thanh niên tại các khu phố; tuyên truyền giáo dục về phòng chống cháy nổ, an toàn về điện và cách xử lý khi có sự cố cho nhân dân… để người dân có thể tự bảo vệ mình.
TP cũng cảnh báo các cấp ngành về nguy cơ hỏa hoạn có thể xảy ra từ việc đốt các loại pháo, múa lửa và đốt thả đèn trời. Hiện TPHCM chưa có quy định cấm đốt thả đèn trời, nhưng với nguy cơ hỏa hoạn cao như hiện nay, TP yêu cầu các đơn vị chức năng phải chủ động quản lý hoạt động sản xuất, mua bán, vận chuyển đèn trời trên địa bàn; vận động, thuyết phục người dân tự giác không đốt thả đèn trời vì lợi ích cộng đồng.
Trong thông báo này, UBND cũng khuyến cáo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… có hoạt động, kinh doanh, dịch vụ liên quan đến xăng dầu, khí đốt và các loại hóa chất, bông vải sợi, điện lực, bưu chính, viễn thông… cần tăng cường tổ chức công tác tự bảo vệ, tuần tra, canh gác. Nếu phát hiện có đèn trời, phải chủ động tổ chức ứng phó, ngăn chặn hiệu quả từ xa.
TP cũng yêu cầu các sở ngành phối hợp với nhau rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của TP, tham mưu cho UBND TP ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc đốt thả đèn trời cho an toàn.
Tùng Nguyên