1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Mưa do bão số 10 có thể là "giọt nước tràn ly" gây thiệt hại nặng

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Bão số 10 (bão Goni) khi vào Biển Đông đã giảm cường độ và dự báo sẽ tiếp tục suy yếu khi vào gần đất liền. Tuy nhiên, các tỉnh Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên sẽ có mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão này.

Sáng nay (2/11), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với bão số 10 (bão Goni). Cuộc họp do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì.

Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: Hồi 10h ngày 2/11, vị trí tâm bão ở khoảng 14,6 độ Vĩ Bắc; 118,5 độ Kinh Đông, cách Quần đảo Hoàng Sa khoảng 700km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 140km tính từ tâm bão.

Mưa do bão số 10 có thể là giọt nước tràn ly gây thiệt hại nặng - 1

Ông Mai Văn Khiêm thông tin về cơn bão số 10.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 10h ngày 3/11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 114,3 độ Kinh Đông, cách Quần đảo Hoàng Sa khoảng 290km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Ông Khiêm đánh giá, bão số 10 khi vào Biển Đông không có các điều kiện thuận lợi cho bão tăng cường độ như khi còn ở phía Đông của Philippines. Bão số 10 suy yếu nên công tác dự báo về cường độ, hướng di chuyển rất phức tạp, bão "không tự quyết định" mà phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài.

"Khi vào Biển Đông bão số 10 sẽ chịu tác động các yếu tố như không khí lạnh, nhiệt độ mặt nước biển. Khoảng ngày 3/11, bão sẽ chịu tác động bởi không khí lạnh nên bão sẽ tăng cường độ, lên cấp 9. Nhưng sau đó, bão đi vào vùng biển phía trong, nhiệt độ nước biển giảm nên bão sẽ tiếp tục suy yếu. Khi vào gần bờ bão sẽ suy yếu còn ở cường độ cấp 7-8", ông Khiêm nói.

Mặc dù bão dự báo suy yếu, nhưng theo ông Khiêm, bão vẫn có khả năng gây ra mưa, lũ quét, sạt lở đất ở nhiều tỉnh miền Trung và phía Bắc Tây Nguyên.

Cụ thể, từ ngày 4-6/11, ở Bình Định, Phú Yên và Bắc Tây Nguyên có mưa 100-200mm/đợt; từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi có mưa từ 300-400mm/đợt.

Từ ngày 5-7/11, ở các tỉnh Nghệ An đến Quảng Trị có mưa từ 150-300mm/đợt.

Ông Khiêm đưa ra cảnh báo, các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi lên mức báo động 2 đến báo động 3, có sông trên báo động 3. Các sông chính từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế và Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum lên mức báo động 1-báo động 2, trên báo động 2. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp tại các tỉnh trên.

Theo báo cáo của Bộ đội biên phòng, hiện vẫn còn 5 tàu của lực lượng cứu hộ 2 tàu bị chìm do cơn bão số 9 đang ở vùng nguy hiểm của bão số 10. Sáng nay đã thông báo cho gần 50.000 tàu thuyền với hơn 230.000 lao động biết về diễn biến bão số 10. Hiện các tàu thuyền đang di chuyển vào nơi tránh trú bão an toàn.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, mặc dù bão số 10 giảm cường độ nhưng vẫn gây gió mạnh, sóng lớn trên biển. Do đó, toàn bộ tàu thuyền nằm trong vùng ảnh hưởng của bão phải khẩn trương ra khỏi khu vực nguy hiểm, di chuyển vào nơi tránh trú an toàn.

Mưa do bão số 10 có thể là giọt nước tràn ly gây thiệt hại nặng - 2

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

Ông Cường cũng lưu ý tới hoạt động kinh tế trên biển như khu vực nuôi trồng thủy hải sản, lồng bè, chòi canh trên biển phải hết sức chú ý tới diễn biến của bão số 10, tránh thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.

"Khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, nhất là các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa... thời gian qua chưa được thử thách ứng phó nhiều với mưa bão nên kỳ này phải hết sức chú ý với bão số 10. Hiện một số địa phương ngư dân đã nóng ruột được ra khơi khai thác hải sản, vì hơn 1 tháng qua phải nằm bờ. Chính quyền cần động viên ngư dân tiếp tục kiên trì chờ khi biển thật an toàn mới ra khơi", ông Cường nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp Việt Nam lưu ý thêm, bão số 10 dự báo sẽ ảnh hưởng đến khu vực mà bão số 9 vừa đổ bộ. Do đó, nếu chỉ xuất hiện mưa từ 100-200mm ở khu vực này cũng dễ xảy ra "giọt nước tràn ly" và tiếp tục gây thiệt hại.

Cuối cùng, ông Cường đề nghị cơ quan khí tượng liên tục cập nhật diễn biến bão số 10 để kịp thời đưa ra cảnh báo. 

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý bão giảm cấp nhưng diễn biến vẫn phức tạp. Ông yêu cầu không được chủ quan, cần theo dõi sát sao diễn biến cơn bão để kịp thời ứng phó cho phù hợp.

Mưa do bão số 10 có thể là giọt nước tràn ly gây thiệt hại nặng - 3

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu kết luận cuộc họp.

Phó Thủ tướng đề nghị tập trung rà soát tàu thuyền trên biển để đưa về nơi tránh trú an toàn, ra khỏi khu vực nguy hiểm; sơ tán người dân ra khỏi lồng bè và chòi canh. Đảm bảo an toàn cho những tàu đang tìm kiếm cứu nạn ở khu vực 2 tàu của Bình Định bị chìm.

Theo dõi chặt chẽ cơn bão khi đổ bộ để chủ động sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm, đặc biệt là khu vực dễ sạt lở đất.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương vừa khắc phục hậu quả thiên tai vừa tập trung ứng phó với bão để bảo vệ các công trình hạ tầng, bảo vệ an toàn hồ đập, đê điều. Đồng thời tiếp tục tập trung tìm kiếm những người bị nạn trong các vụ sạt lở…