Mướt mồ hôi với hội Chùa Hương
(Dân trí) - Năm nào khâu tổ chức Lễ hội Chùa Hương cũng ít nhiều bị “phê”, nhưng không thể phủ nhận lễ hội này vẫn luôn có sức hút rất lớn. “Bỏ qua” những gì chưa hài lòng, du khách năm nay lại ùn ùn đổ về đây để không chỉ cầu lộc, cầu tài, cầu duyên...
Đổ mồ hôi giữa trời giá rét
Mặc dù trời rét đậm, nhưng số lượng người đi chùa Hương so với năm trước không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, cái rét đã “điều tiết” thành phần người đi hội theo hướng giảm đi rất nhiều người già và trẻ nhỏ.
Bà Nguyễn Thị Thu (ở Đa Chất, Phú Xuyên, Hà Tây) tuổi gần 80 cho biết, cái rét tê tái đã khiến bà hoãn đến mấy lần việc xuất hành. Cho đến hôm qua (15/2), chờ đến giữa buổi, thấy thời tiết khả quan hơn, bà nhanh chóng đưa ra quyết định lên đường.
Thời tiết lạnh cũng khiến không khí vào hội thay đổi phần nào. Suối Yến vẫn rất nên thơ, thuyền ra vào tấp nập, nhưng người ta không thể thấy được cảnh nam nữ té nước trêu nhau, cười nghiêng ngả. Thậm chí, trời đã có lúc hửng nắng vào trưa qua, nhưng đặt tay xuống nước là điều khiến nhiều người quá... e ngại.
Dẫu vậy, hành trình lên động Hương Tích quả thực vẫn là một thử thách ấn tượng, có thể xua đi giá lạnh. Rất nhiều du khách đã phải cởi áo giữa đường cùng lời than... “người toàn mồ hôi”. Có sự trợ giúp của nước, của những chiếc gậy, nhưng vẫn có những người trẻ phải thừa nhận: tai có thêm chức năng... hô hấp!
Cảnh chen chúc không diễn ra trên lối đi truyền thống lên động Hương Tích, nhưng lại chuyển vào nhà ga lên và xuống của hệ thống cáp treo. Khoảng thời gian chờ đợi khoảng 30 phút được coi là may mắn. Cảnh chen lấn, xô đẩy, lời qua tiếng lại là không tránh khỏi trong bối cảnh xếp hàng khó chịu như vậy.
Nhưng gian nan nhất là đoạn cuối cùng xuống động Hương Tích. Cả biển người từ hai đường lên khác nhau đều dồn vào lối nhỏ xuống động (cũng là lối lên). Động như một túi chứa nhỏ, trong khi lượng người quá lớn khiến cho ai cũng cảm nhận thiếu... không khí.
Tuy nhiên, với những người trẻ đi hội, động Hương Tích vẫn là nơi mang nhiều sức hút nhất. Từng đám thanh niên chen chúc nhau đứng dưới dòng sữa mẹ giơ tay lên hứng... may mắn. Dường như sự chen lấn, xô xô đẩy đã bị sự đua tranh, cảm giác hứng khởi làm cho lu mờ. Không ít người đã không thể kìm nén, bộc lộ cao nhất cảm xúc sung sướng khi giọt nước rơi trúng tay mình.
Nhiều bạn trẻ có thể không hiểu việc cầu tài, cầu lộc tại đụn Gạo, nhưng việc xoa tay, xoa tiền vào đây vẫn được thực hiện rất hứng thú. Dường như động tác này có phản ứng dây chuyền và nhiều người thực hiện mà không giấu được sự ngượng ngùng và cả... vụng về.
Giá dễ chịu nhưng hàng khó “xơi”
Lái đò chặn đường ôtô, lên mời chào khách từ cách Bến Đục 4-5 cây số. Khách phải mua vé đò, vé thăm quan du lịch từ cổng (tổng cộng 55.000đ/người) nhưng để nhanh chóng lên được đò, tránh cảnh chờ đợi xếp chỗ, suất bồi dưỡng riêng cho nhà đò dôi thêm không dưới 30.000đ/suất.
Bánh mỳ và xúc xích nhiều vô kể, 2.000đ/chiếc bánh, 9.000đ/xúc xích nướng nhỏ, 12.000đ/cái to, giá không khác phủ Tây Hồ những ngày sau tết. Chỉ các loại đồ ăn vặt là thấy rõ không khí lễ hội. Quả xoài, khúc mía, củ mài, củ sắn đều đứng ở mức 15.000-23.000đ/kg.
Nhiều bà, nhiều cô vừa xuống được bến thuyền đã kêu trời vì vui miệng ăn một quả trứng vịt lộn giữa đường lên động Hương Tích với giá 15.000đ. Một lon nước tăng lực bò húc ở những quán hàng bên đường leo núi cũng giữ mức giá tương đương.
Vào đến cửa động Hương Tích, dịch vụ sắp lễ, viết sớ có trội lên chừng 30% so với mức ở đền Trình. Một lễ đơn giản với 3 quả quýt, nắm vàng hương, quả cau, đĩa hoa cúng giá 50.000đ. Không ít du khách kỳ công đội, xách cả xôi, gà, bia, oản vào tận động để làm lễ, cầu cúng.