1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Mùa “chăn” ong ở Tây Nguyên

(Dân trí) - Tây Nguyên được xem là thủ phủ cà phê và được nhiều người nuôi ong ví là “vựa mật” dồi dào, hấp dẫn nên vào mùa hoa cà phê, nhiều người nuôi ong mật từ khắp các tỉnh lân cận đều đổ về đây “chăn” ong.

“Mùa con ong đi lấy mật…”

 

Dọc quốc lộ 14 đoạn đi qua tỉnh Đăk Nông, Đăk Lăk giữa những đồi cao su, cà phê bạt ngàn xuất hiện những chiếc trại di động được mắc tạm, xung quanh là những thùng ong. Đó là bãi đáp của những người “chăn” ong.

 

Vào mùa hoa cà phê nở, không chỉ người địa phương mà người nuôi ong tứ xứ cũng có những cuộc di cư cho đàn ong mình đến đây để thừa hưởng nguồn mật lý tưởng từ hoa cà phê.
 
Mùa “chăn” ong ở Tây Nguyên - 1

Bãi ong “tạm cư” của anh Tiến giữa rừng

 

Mùa “chăn” ong trùng với những mùa hoa trong năm, mùa điều, mùa cao su và mùa cà phê… Vào những mùa này, người “chăn” ong thường có những cuộc di chuyển dài ngày cho ong thỏa thê lấy mật.

 

Quy trình di dời đàn ong khá phức tạp, chỉ có thể di chuyển vào ban đêm để không làm ảnh hướng đến ong và đảm bảo ong đã về hết tổ. Đêm đến, khi đàn ong đã về tổ, người nuôi phải cẩn thận đóng kín thùng và chở bằng xe tải đến những địa điểm đã chọn sẵn.

 

Anh Nguyễn Văn Tân (Xuân Bình, Đăk Mol, Đăk Mil, Đăk Nông) chia sẻ: “Mỗi lần di chuyển, người “chăn” ong phải tính toán sao cho hợp lý quảng đường đi, vì chỉ có thể di chuyển vào ban đêm, ổn định vị trí trong đêm để tránh làm xáo trộn, thất lạc ong. Nếu làm “động” đàn ong thì có nguy cơ mất, thất thoát số lượng đàn rất cao, hoặc sau mỗi lần di chuyển lượng ong trong đàn có thể giảm mạnh”.

 

Từ đầu tháng 2 đến nay, hơn 300 thùng ong anh Tân nằm “tạm cư” giữa vườn cà phê dọc quốc lộ 14 đoạn đi qua huyện Đăk Mil. Vào mùa cà phê anh phải liên tục làm việc để chăm sóc cho đàn ong của mình. Không phải cho ong ăn nhưng cứ ba ngày anh lại phải đảo cầu trong thùng ong một lần để kiểm tra, làm vệ sinh tổ.

 

“Mỗi người nuôi ong cũng phải cần mẫn như con ong - anh Tân tâm sự - Nuôi ong, công sức và thời gian chỉ bằng nửa làm rẫy và ít hao phí sức lực nhưng lại đòi hỏi sự tỉ mẩn, chi tiết trong từng việc, vừa phải nhẹ nhàng, vừa khéo léo như chăm bẵm trẻ nhỏ”.

 

Mỗi tuần anh Tân lại quay mật một lần, với 300 thùng anh cho biết mỗi lần quay anh thu được 1 tấn mật. Với giá tiêu thụ hiện nay khoảng 30 ngàn đồng/kg, anh khoe mùa hoa cà phê năm nay anh bội thu. “Mùa hoa cà phê được coi là mua thu hoạch chính của những người nuôi ong, mật vừa tốt, thu được nhiều, loại mật từ hoa cà phê thị trường rất chuộng”, anh nói.
 
Mùa “chăn” ong ở Tây Nguyên - 2
Những thùng ong được nuôi giữa bạt ngàn cao su, cà phê

 

Và vì thế, dọc quốc lộ 14 cứ một đoạn lại có một lán trại của người chăn ong.

 

“Chăn” ong ở thủ phủ cà phê

 

Vào mùa này, ở đâu có cà phê là ở đó có những lán trại của người “chăn” ong. Nhiều chủ ong ở các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai… cũng chuyển hàng trăm thùng ong đến thủ phủ cà phê “tạm trú” để “chăn” ong. Anh Nguyễn Phước Tiến mang theo 250 thùng ong từ Đồng Nai lên với 4 người làm tạm trú tại xã Đăk Mol, Đăk Nông. Khi chúng tôi đến, anh Tiến cùng những người làm đang thu hoạch đợt mật đầu tiên kể từ khi di chuyển đàn ong. Những sáp ong đầy mật, vàng rực, mùi thơm tỏa ra… khiến ai nhìn thấy cũng muốn nếm. “Khi mật như thế này thì mình bắt  đầu thu hoạch - anh Tiến đưa mật cho khách xem và giải thích - cách thu hoạch cũng phải chậm rãi, vừa để an toàn cho mình, vừa tránh làm tổn thương ong chúa, dễ mất đàn ong”.

 

Một năm những người nuôi ong như anh Tiến phải di chuyển đàn ong từ 5 đến 7 lần. Và cứ theo thời vụ, để có những chuyến đi không ngại đường xa, đi Đắk Lắk đón mùa hoa cà phê hay về Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh đón mùa cây ăn trái nở hoa...

 

Anh Tiến nói: “Nuôi ong vất vả ở chỗ phải tìm nguồn thức ăn thiên nhiên cho ong, càng nhiều càng tốt. Vì thế, đến mùa vụ, muốn ong lấy được nhiều mật thì phải chịu khó di chuyển đàn ong tới các vùng trồng cây công nghiệp như cà phê, cao su, điều... có quy mô lớn”.
 
Mùa “chăn” ong ở Tây Nguyên - 3
Thu hoạch mật cà phê thơm ngon

 

Những người nuôi ong có kinh nghiệm không chỉ nuôi ong lấy mật mà còn biết cách san ong để nhân rộng đàn ong nuôi. Bên cạnh đó họ còn thu được các vật phẩm quý giá khác như sữa ong chúa, keo ong... dùng trong mỹ phẩm, y học...

 

Những người “chăn” ong luôn phải mang lỉnh kỉnh đồ đạc, ngoài đồ dùng sinh hoạt còn có đồ bảo hộ lao động để khỏi ong chích khi làm việc, máy quay mật, vật dụng để chứa mật… Những người đi từ tỉnh khác đến thường “chăn” ong gần nhau để tạo thành liên minh, cùng học hỏi cách chăm sóc và bảo vệ đàn ong.

 

“Tháng 3 mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông hút nước…” - câu hát đã trở thành lời mời gọi, chỉ điểm cho một “vựa mật” lớn giữa đại ngàn.

 

Trọng Bình