Quảng Bình:
Mua cây cảnh dạo, trúng… quả lừa
(Dân trí) - Khoảng chục ngày nay, nhiều người ở tỉnh Quảng Bình không hẹn mà cùng ca thán khi trót mua cây cảnh bán rong. Cây mua được vài ngày, quả rụng đằng quả, cây tàn đằng cây.
Cận Tết, biết nhu cầu mua cây cảnh để chơi và tặng biếu tăng cao nên lượng người bán cây cảnh dạo cũng trở nên đông đúc, đặc biệt ở các vùng đô thị như TP Đồng Hới, Thị trấn Ba Đồn, Thị trấn Hoàn Lão. Những người bán dạo này thường chở cây cảnh bằng xe máy hoặc các xe đẩy tự chế đi bán rong, chỉ một số ít tập trung ở các ngã ba, ngã tư đông người hoặc trước các cổng chợ.
Loại cây cảnh được bày bán cũng khá phong phú, đa dạng: từ sanh, si, đa, cừa, sung đến tùng, trắc bạch diệp, cau cảnh, lộc vừng… Theo một số người sành cây cảnh, loại bán chạy nhất là các loại cây thế dáng cổ thụ trồng chậu theo kiểu Bonsai của Nhật Bản. Các loại cây này có thể đặt trong sân vườn, cũng có thể bày trong phòng khách, cầu thang. Đặc biệt, đây được coi là những món quà “độc” dành cho người thân hoặc các mối quan hệ xã hội.
Anh Q. "há mồm" chờ... gặp lại người bán sung.
“Cách đây mấy hôm, tôi đi trên đường thấy có một nhóm bán cây sung cảnh đẹp, chi chít quả mà giá rất rẻ, chỉ 400-500 nghìn đồng/gốc. Thấy thích, tôi mua 5 cây định biếu anh em bạn bè, nhưng mua về chỉ được vài ngày thì quả cứ rụng lả tả, cây thì héo hon dần. Cũng may là chưa mang đi biếu, chứ không anh em lại chửi cho, tưởng mình cầu mạt đầu năm” - anh Q. cho biết.
Các cành cây được dán chi chít quả, rồi vót nhọn đính vào gốc một cách tinh vi.
Dù sao, so với anh T. ở thị trấn Ba Đồn thì anh Q. còn may mắn chán, vì dù sao sau khi quả rụng, cành rơi thì gốc sung vẫn còn. Anh T. ngao ngán: “Đám bán rong này cao cơ lắm. Cách đây độ một tuần, tôi mua hai cây lộc vừng dáng đẹp, chồi non mơn mởn với giá 1,5 triệu đồng. Tưởng có lộc đón xuân, ai dè về nhà được hai hôm thì lộc non cứ thế héo quắt, đến giờ thì cả cây cũng chết rồi”.
“Phẫu thuật” cây lộc vừng của mình, anh T. mới té ngửa khi biết rằng thân cây và gốc cây được ghép với nhau bằng… keo. “Họ làm tinh vi lắm, tôi đã khá cẩn thận nhìn tới nhìn lui khi mua nhưng không sao phát hiện được, các vết ghép kín đáo, lại được chôn hờ dưới đất nên rất khó phát hiện”, anh T. cho biết.
Anh T. và anh Q. Chỉ là hai trường hợp điển hình trong số không ít người bị lừa vì cây cảnh dạo. Mất tiền ai cũng tiếc, nhưng hầu hết những người mắc lừa đều phải ngậm bồ hòn làm ngọt vì kể ra sợ “xấu mặt”. Có người ngay sau khi phát hiện cây giả đã chạy đến chỗ vừa mua để “nói chuyện phải quấy” với nhóm người bán rong nọ nhưng họ đã đi từ bao giờ.
Theo một số “nạn nhân” mê cây cảnh, nhóm bán rong này gồm khoảng chục người, nói giọng miền Bắc, thường chở cây bằng xe máy. Họ ít khi bán chỗ cố định và chỉ bán ở mỗi vùng một thời gian ngắn rồi “rút êm”, chính vì vậy những người bị lừa khi phát hiện ra thì đã quá muộn. Các kỹ thuật ghép cây, ghép cành, dán quả… thường rất tinh vi, nên nếu không quan sát kỹ lưỡng thì không thể phát hiện. Còn nguồn gốc cụ thể của số cây này và “bí quyết” để giữ cho các cây ghép được tươi cho đến khi bán được thì vẫn là một dấu hỏi.
Chính nhiều người bán cây cảnh dạo cũng rất bức xúc trước việc làm của nhóm người trên. Anh Hưng - một người bán cây cảnh lâu nay ở khu vực cầu vượt đường sắt Thuận Lý (Đồng Hới) cho biết: “Cây của nhóm này được cắt ghép, tỉa tót rất kỹ nên nhìn bắt mắt lắm. Nhiều người mua phải, đến khi phát hiện thì chạy xuống hỏi chúng tôi nhưng chúng tôi cũng đâu có biết. Chính việc làm này khiến những người bán cây chân chính như chúng tôi bị ảnh hưởng mạnh, bởi cứ truyền miệng nhau chuyện mắc lừa dần dần khách hàng mất hết niềm tin vào những người bán dạo như tôi”.
Hồng Kỹ