1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Mua bán súng đạn qua biên giới

"Nó đi mua súng mà như đi chợ vậy, lên đây hỏi người này biết ai bán súng không, hỏi người kia có súng bán không? Dân họ biết họ báo cho mình", Thượng tá Phan Văn Chở, Trưởng phòng PC14, Công an Tây Ninh nói.

Hai huyện Bến Cầu và Châu Thành thuộc địa bàn tỉnh Tây Ninh từ lâu đã được coi như "trạm trung chuyển" của những phi vụ phạm pháp giữa các đối tượng từ nhiều nơi đổ về móc nối với các đường dây bên kia biên giới. Đặc biệt đáng nói là trong đó có những thương vụ mua bán vũ khí từ Campuchia sang Việt Nam để cung cấp cho những băng cướp chuyên nghiệp hoặc thậm chí những kẻ... amateur đang toan tính giết người.

 

Từ ông bác sĩ đi mua súng bắn... người yêu

 

Những trinh sát ở Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC14), Công an Tây Ninh thậm chí không nhớ nổi mình đã tham gia bắt bao nhiêu vụ mua bán vũ khí. 

 

Vậy mà có một người, bị bắt cách nay đã hơn 2 năm nhưng những cán bộ chiến sĩ ở PC14 Công an Tây Ninh đến giờ vẫn còn nhắc. Anh ta tên Trịnh Minh Thoại, sinh năm 1972, nghề nghiệp là bác sĩ, hộ khẩu thường trú tại ký túc xá Ngô Gia Tự, quận 5, TPHCM. Trong hồ sơ công an, Thoại khai lúc bị bắt đang công tác tại một bệnh viện lớn trên địa bàn TPHCM, phóng xe gắn máy lên thuê phòng trọ tá túc tại huyện Bến Cầu để tìm mua súng. Và qua nhiều ngày kiên nhẫn, ông bác sĩ này mua được một khẩu K54 cùng 12 viên đạn tại một địa điểm giáp biên giới Campuchia, đang trên đường trở về thì bị bắt giữ. Trước cơ quan công an, anh ta khai tỉnh rụi: mua súng về Sài Gòn bắn... người yêu!

 

...đến những kẻ nuôi mộng làm cướp

 

Thực ra chuyện những kẻ do thù tức cá nhân hay ghen tuông mù quáng "chịu khó" lặn lội lên biên giới Tây Nam mua súng về "khử" đối phương như trường hợp ông bác sĩ nói trên chỉ là cá biệt. Phần lớn những vụ mua bán súng mà lực lượng PC14 Công an Tây Ninh phối hợp với công an các huyện biên giới bắt được trong thời gian qua đều là cuộc "săn hàng nóng" của những đối tượng hình sự để sử dụng vào việc tổ chức đi cướp tài sản.

 

Phún Cá Lỳ, bị bắt tại địa bàn huyện Châu Thành (Tây Ninh) sau khi mua được khẩu K54 cùng 3 viên đạn của một người Campuchia là một điển hình của kiểu "săn hàng nóng" nhằm mục đích như vậy. Lỳ sinh năm 1963, ngụ tại phố Hàng Mai, phường Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội, từng lãnh án 20 năm tù về các tội cướp tài sản và tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép... nhưng mới ra tù chưa đầy 2 tháng đã "mò" vào TPHCM rồi tìm đường lên khu vực cửa khẩu Mộc Bài mua súng về chuẩn bị cướp. "Chúng nó hẹn nhau giao hàng ở một ngôi nhà giữa đồng trống, lúc 13 giờ nắng chang chang như vậy để dễ phát hiện ra công an từ xa. Khi các trinh sát mình xuất hiện, nó tháo chạy, nổ súng cảnh cáo rầm rầm vẫn không chịu đứng lại" - thượng tá Chở kể "pha" vây bắt phi vụ mua bán súng của Phún Cá Lỳ với chúng tôi như vậy.

 

Một vụ khác, Nguyễn Văn Thảo (sinh năm 1975, ngụ ấp Cầu Xe, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh) đi xe gắn máy lên mua khẩu K59 và 3 viên đạn, bị Công an huyện Bến Cầu phục kích bắt quả tang. Từ lời khai ban đầu của y, các lực lượng phối hợp của Công an Tây Ninh nhanh chóng mở rộng vụ án, bắt tiếp Lê Thanh Phong (sinh năm 1978), Phan Văn Tâm (sinh năm 1984) và Nguyễn Văn Hải (sinh năm 1982), cả 3 cùng là "hàng xóm" với Thảo. Và thật "hú vía" vì những tài liệu mà lực lượng công an thu giữ được trong quá trình khám xét cho thấy các "ông tướng" này đã lên kế hoạch chuẩn bị cướp một số nơi, chỉ chờ đồng bọn của y mua "hàng nóng" mang về là lên đường đi gây án.

 

Tương tự, hai gã Phạm Thành Tân (sinh năm 1977, ngụ ấp 5, xã An Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai) và Nguyễn Hữu Phước (sinh năm 1968, ngụ ấp 5, xã Tam An, huyện Long Thành, Đồng Nai) đi xe hơi lên "đặt hàng" mua 1 khẩu K59 và 5 viên đạn, định mang về hình thành "băng cướp 2 tên" chuyên "ăn hàng" khu vực các tỉnh miền Đông Nam Bộ và tuyến Quốc lộ 51. Nhưng kiểu "mua súng như mua gà vịt" của chúng không qua khỏi được tai mắt của người dân huyện Bến Cầu. Và trước khi những ý đồ đen tối của chúng trở thành hiện thực thì lực lượng công an đã kịp thời chặn đứng.

 

Riêng Nguyễn Anh Sơn (ngụ khu phố 3, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức) và Lương Thanh Bình (ngụ phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TP.HCM) thì lúc đi mua súng chỉ là hai cậu nhóc chưa đủ tuổi 18, song cũng nuôi dưỡng một "giấc mộng" về việc hình thành một "song cướp" táo tợn chuyên sử dụng "hàng nóng" khống chế các nạn nhân. Và cũng rất may là ngay sau khi chúng móc nối mua được khẩu K54 cùng 5 viên đạn thì đã rơi ngay vào "ổ phục kích" của Công an huyện Bến Cầu trên đường về.

 

Theo thượng tá Phan Văn Chở thì... "thị trường súng" vùng biên giới Tây Nam không có giá nhất định. Thông thường là 200 USD có thể mua được 1 khẩu K59 và 3 viên đạn "theo súng" nhưng cũng có khi "bên bán" đẩy lên 300 USD hoặc hạ xuống còn 100 USD để lấy được tiền. Toàn bộ hoạt động mua bán đều diễn ra bên kia biên giới, sau đó "bên mua" tự mang hàng về theo "đường cánh gà" chứ chẳng dại gì theo đường cửa khẩu chính ngạch nên lực lượng hải quan không bao giờ biết. Và trong thực tế đã có không ít trường hợp "bên mua" vận chuyển trót lọt súng vào sâu trong nội địa Việt Nam, gây ra những vụ án kinh hoàng.

 

Theo Võ Khối
Thanh Niên