1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vĩnh Phúc:

Một xã có tỷ lệ không đăng ký kết hôn đến 30%

(Dân trí) - “Từ năm 1999 trở về trước, ở địa phương những cặp vợ chồng không đăng ký kết hôn chiếm hơn 50%. Hiện nay, tỷ lệ này là 30%” - ông Lưu Xuân Ba, Phó ban tư pháp xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo cho biết.

Không đăng ký kết hôn và hậu quả

Xã Đạo Trù với 87% dân số là người dân tộc Sán Dìu nên cuộc sống nặng về “luật tục”. Gặp và trò chuyện với người dân thôn Tân Phú (xã Đạo Trù) chúng tôi ngỡ ngàng vì họ không mấy quan tâm đến pháp luật về Hôn nhân và gia đình.

Người dân không hiểu hoặc là hiểu không đúng nên họ vẫn nghĩ rằng lấy nhau không cần phải đăng ký kết hôn. Mấy chục năm nay, từng cặp sống chung dưới một mái nhà, gọi nhau là vợ là chồng, có với nhau 3 - 4 mặt con… nhưng không đăng ký kết hôn.

Anh Diệp Văn Mói lấy vợ đã gần 20 năm nhưng chưa có đăng ký kết hôn cho biết: xã cũng vận động đăng ký kết hôn nhưng giờ già rồi, với lại thấy không cần thiết nên không đi đăng ký…

Còn chị Hoàng Thị Sáu lại có một suy nghĩ khác: “Nếu đăng ký kết hôn thì không bỏ nhau được, còn nếu không đăng ký kết hôn thì khi bị chồng đánh mình có thể bỏ đi luôn mà không cần phải bồi thường cho chồng”. Chị Sáu hồ hởi kể về một trường hợp trong xóm bị chồng đánh rất nhiều nhưng không bỏ đi được vì… có đăng ký kết hôn!

Tưởng rằng cưới xong là ổn, nhưng đến khi đẻ con rồi con cái đi học thì những phiền toái bắt đầu tới. Bác Bàng Thị Nghị kể: Lúc con trai tôi lấy vợ nó chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn nên thôi. Đến khi vợ đẻ, nó đi khai sinh cho con nhưng xã không làm vì không có đăng ký kết hôn. Giờ con đã đến tuổi đi học mà không có giấy khai sinh thế là vợ chồng phải ra xã đăng ký kết hôn và bị phạt.

Còn chị Diệp Thị Ba lại ở trong hoàn cảnh khác. Chị Ba lấy chồng có cưới hỏi đàng hoàng theo phong tục nhưng không đăng ký kết hôn. Khi có thai được 3 tháng thì chị bị chồng lấy hết tiền bạc, tài sản và “vô trách nhiệm” với đứa con. Hơn 10 năm qua, chị Ba phải vất vả kiếm sống và nuôi con một mình.

Chính quyền địa phương chưa sâu sát

Theo luật Hôn nhân và gia đình: từ sau ngày 1/1/2003, nam và nữ sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng. Vậy nhưng đến nay tỷ lệ vợ chồng không đăng ký kết hôn ở xã Đạo Trù vẫn chiếm hơn 30%.

Trao đổi với PV Dân trí, các cán bộ xã có những câu trả lời rất mâu thuẫn nhau trong công tác quản lý, kiểm tra và xử lý các đối tượng vi phạm luật Hôn nhân và gia đình.

Trong khi ông Nguyễn Đắc Vân, Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định rằng ở xã hiện rất ít trường hợp sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì ông Lưu Xuân Ba, Phó ban tư pháp lại cho biết tình trạng đó vẫn rất nhiều.

Khi chúng tôi thắc mắc tại sao nhiều năm qua việc phổ biến, tuyên truyền ý thức pháp luật cho người dân không có biến chuyển thì ông Ba giải thích: đây là xã miền núi lại không có hệ thông loa truyền thanh nên việc tuyên truyền gặp rất nhiều khó khăn.

“Xã nắm bắt tình hình thông qua các đoàn thể ở thôn, nếu các đoàn thể không báo cáo lên thì chúng tôi không thể biết được. Khoảng 5, 10 năm xã mới tiến hành điều tra về dân số, hôn nhân và gia đình 1 lần nên không nắm bắt được tình hình” - ông Ba cho biết thêm.

Như vậy là đã rõ, có 2 nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên: 1 là trình độ dân trí ở đây còn thấp (nhất là ở các thôn, bản vùng sâu), họ sống chủ yếu bằng những tục lệ của người dân tộc và 2 là chính quyền nắm tình hình theo thông tin 1 chiều nên công tác quản lý chỉ “dậm chân tại chỗ”.

Châu Như Quỳnh