1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Một thương binh 30 năm đi tìm đồng đội

(Dân trí) - Hơn 30 năm qua, người thương binh già Mai Xuân Lụa cứ âm thầm leo đèo lội suối, đến những nơi rừng hoang núi thẳm để tìm và đưa hài cốt những người đồng đội xấu số về nơi an nghỉ cuối cùng.

Chúng tôi gặp ông Lụa trong một chuyến đi cất bốc hài cốt liệt sĩ ở Cồn Bàu Đưng, xã Hương Chữ, huyện Hương Trà (Thừa Thiên-Huế). Ông tâm sự, không ngày nào không nhớ về đồng đội, những người đã từng cùng ông chung chiến hào, những người đã anh dũng chiến đầu và hy sinh trên mảnh đất này.

 

Ban đầu, ông tìm mộ đồng đội dựa vào trí nhớ. Ông khăn gói lặn lội vào chiến trường xưa, nhớ nơi nào đã từng có đồng đội ngã xuống là ông đào đất, xới cỏ, tìm hài cốt đưa về quy tập tại nghĩa trang liệt sĩ xã Hương Chữ. Sau này, ông nhờ đến thông tin cung cấp từ các cơ sở hoạt động cách mạng cũ, các đồng chí cùng tham gia chiến đấu trên địa bàn và quần chúng nhân dân...

 

Hơn 30 năm nay, chẳng kể gần xa, mỗi lần phát hiện dấu tích mộ liệt sĩ hay có người nhờ giúp đỡ là ông sẵn sàng lên đường. Ông đã tìm thấy nhiều mộ chôn tập thể: Năm 1980, hơn 250 chiến sĩ hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân đã được phát hiện và tìm thấy tại khu vực chân Dốc Đốt, Miếu Khe Nước, cồn Bầu Đưng; hay hơn 100 hài cốt liệt sĩ đã được ông tìm thấy vào năm 1982 tại khu vực làng Quê Chữ, Phú Ổ, chòi Ông Cồn, xã Hương Chữ.

 

Trong một đợt mở đường giao thông liên thôn, liên xã cách đây vài năm, nhờ sự giúp sức của một số người, ông đã tìm ra hài cốt của 16 chiến sĩ bị địch dùng xăng đốt cháy thi thể rồi lấp trong một hố chôn tập thể.

 

Tính từ năm 1982 đến nay, ông Mai Xuân Lụa đã cất bốc, đưa được gần 100 hài cốt (không kể những mộ chôn tập thể) về nghĩa trang của xã hoặc về quê nhà an nghỉ. Đến nay, điều làm ông trăn trở nhất là nhiều anh em tuy đã đưa được đoàn tụ tại nghĩa trang nhưng vẫn còn khuyết danh, chưa tìm ra quê quán. Nghĩa trang liệt sĩ xã Hương Chữ có hơn 350 mộ liệt sĩ được cất bốc về thì 2/3 trong số đó là liệt sĩ vô danh.

 

Ông Lụa tham gia cách mạng từ những năm 60 của thế kỷ trước, là một đội phó đội công tác vũ trang của xã có nhiệm vụ trinh sát, dẫn đường trong các trận đánh. Tháng 4/1968, ông bị thương ở đầu và gãy chân phải trong một trận đánh giáp lá cà. Tháng 3/1975, trong một lần hành quân đi đánh Chi khu Hương Trà, đội của ông bị địch phục kích bắn tỉa, một viên đạn đã xé rách cánh tay trái của ông.

 

Hoà bình lập lại, ông được điều về làm xã đội trưởng xã Hương Chữ, về sau là cán bộ chính sách của xã. Nay đã 60 tuổi, ông Lụa vẫn không mệt mỏi trong những chuyến đi tìm đồng đội. Hạnh phúc hơn, bên cạnh ông luôn có người vợ tảo tần sớm hôm, ủng hộ ông và chăm lo cho ông trong mọi chuyến đi.

 

Anh Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm