1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Một số vụ nổ súng đau lòng xuất phát từ thu hồi đất

(Dân trí) - “Mâu thuẫn, xung đột lợi ích gay gắt, thất thoát nguồn thu cho nhà nước và tham nhũng khiếu kiện; những vụ việc đau lòng như vụ Đoàn Văn Vươn, vụ Đặng Ngọc Viết… có nguyên nhân sâu xa từ thu hồi đất” - Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu.

Ngày làm việc thứ 2 Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6, đối mặt với ngổn ngang những vấn đề chưa thống nhất được về sửa luật đất đai. Thu hồi đất đối với dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vẫn là câu chuyện nan giải nhất.
 
Khu đô thị có bệnh viện, trường học cũng không được thu hồi đất?

Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) nhận định, vấn đề vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc thu hồi để phát triển kinh tế (như ghi trong luật chứ không phải là phát triển kinh tế - xã hội như thể hiện trong dự thảo Hiến pháp).

Bà Nga cho biết, nhiều chuyên gia pháp lý lập luận, bằng quyền lực của nhà nước, thông qua bàn tay của nhà nước để thực hiện việc lấy quyền sử dụng đất, tức là lấy tài sản của chủ thể này mà phục vụ cho mục đích kinh doanh của một chủ thể khác là việc hiếm có quốc gia trên thế giới nào cho phép.
Dự thảo luật Đất đai sửa đổi đến thời điểm này vẫn làm nóng Hội nghị đại biểu QH chuyên trách.
Dự thảo luật Đất đai sửa đổi đến thời điểm này vẫn làm nóng Hội nghị đại biểu QH chuyên trách.

Dẫn chứng cụ thể, bà Nga kể chuyện đi thực tế tại Chilê và Achentina vừa qua, các thành viên trong đoàn công tác đặt giả thiết xin đầu tư vào đây, xây dựng một khu đô thị, trong khu đô thị đó có bệnh viện, có trường học (như vậy là cũng có mục đích xã hội) thì có được thu hồi đất không. Câu trả lời của cán bộ nước bạn, đầu tư khu đô thị mà có trường học, bệnh viện thì việc đó cũng làm tăng mức độ hấp dẫn của dự án nên nhà nước vẫn không dùng bàn tay của mình để can thiệp vào việc lấy quyền sử dụng đất của người dân mà khuyến khích nhà đầu tư bằng các cách khác.

Trở lại câu chuyện tại Việt Nam, Điều 40 luật Đất đai hiện hành có quy định nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế trong trường hợp đầu tư khu công nghệ cao, khu kinh tế và các dự án đầu tư lớn theo quy định của Chính phủ. Nhưng trong thực tế có những nơi thu hồi đất để đầu tư sân golf cũng được coi là để mục đích phát triển kinh tế.

Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp phân tích, các nhà đầu tư có xu hướng tìm mọi cách, kể cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp, tiêu cực, lách luật để được lọt vào diện áp dụng cơ chế thu hồi đất vì sự hấp dẫn của mức chênh lệch quá xa giữa giá nhà nước quy định và giá thị trường. Thực tế, trong nhiều trường hợp thu hồi đất nông nghiệp, cán cân lợi ích nghiêng hẳn về phía nhà đầu tư, người được lợi ít hơn là nhà nước còn người thiệt thòi nhất vẫn là nông dân.

“Mâu thuẫn, xung đột lợi ích gay gắt, thất thoát nguồn thu cho nhà nước và tham nhũng khiếu kiện cũng có nguyên nhân không nhỏ từ cách thu hồi này. Những vụ việc đau lòng như vụ Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, vụ Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình vừa qua cũng có nguyên nhân sâu xa từ thu hồi đất” - bà Nga nhấn mạnh.

Đối chiếu với dự thảo Hiến pháp sửa đổi, Điều 62 (sửa Điều 40 nói trên) theo bà Nga, quy định cụ thể 12 trường hợp được thu hồi đất phục vụ dự án phát triển kinh tế - xã hội xét ra còn rộng hơn luật hiện hành. Trong 12 khoản này có rất nhiều trường hợp chính là dự án kinh doanh vì lợi nhuận của nhà đầu tư, như dự án khai thác khoáng sản, xăng dầu, khí đốt, khu đô thị, khu du lịch, khu vui chơi, giải trí.

Khái niệm dự án phát triển “kinh tế - xã hội” thể hiện tại điều này, theo bà Nga, cũng cần giải thích những trường hợp cụ thể nào gọi là kinh tế và kinh tế - xã hội. Nữ đại biểu kiến nghị chỉ thu hẹp trong diện thu hồi “để phát triển kinh tế đối với những dự án đầu tư công”.

Bức xúc nhất là sân golf

“Người dân sẽ không quan tâm đến khái niệm trả đất hay thu hồi đất mà quan tâm là được trả bao tiền, bị lấy hết đất thì có được lo việc làm, lo tái định cư không? Nhà cửa sau đó ở thế nào, đời sống ra sao? Luật lần này phải thể hiện được tinh thần là nếu nhà nước đã thu hồi đất thì ngoài đảm bảo lợi ích quốc gia, lợi ích quốc phòng hay lợi ích công cộng, lợi ích kinh tế - xã hội thì người dân cũng phải có lợi ích, có được điều kiện bằng và sống tốt hơn” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp phân tích thêm, tháng 3/2003, trước khi Quốc hội ban hành luật Đất đai sửa đổi năm 2003, Ban chấp hành TƯ đã có những nhận định cho đến nay vẫn nguyên tính thời sự. Nghị quyết của Hội nghị TƯ 7 khi đó đánh giá tình hình khiếu kiện về đất đai diễn biến nghiêm trọng và phổ biến. Việc nhà nước thu hồi, đền bù, giải tỏa mặt bằng hết sức khó khăn, tình trạng đầu cơ về đất đai và bất động sản gắn liền với đất rất nghiêm trọng, đẩy giá đất lên cao, đặc biệt ở đô thị. Một bộ phận cán bộ đảng viên lợi dụng chức quyền để trục lợi tham nhũng.

“Tôi muốn đặt một câu hỏi, Chính phủ có đảm bảo được rằng những quy định hiện nay có giải quyết được tình trạng mà chúng ta đã đánh giá từ năm 2003 không?” - đại biểu Lê Thị Nga chốt hạ.

Tán thành hướng phân tích của bà Nga, đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) nêu cụ thể, Khoản 1, Điều 62 của dự thảo quy định thu hồi đất cho xây dựng khu du lịch, khu vui chơi giải trí ngoài trời. Theo ông Hương, trường hợp này cũng đưa vào diện thu hồi đất để phục vụ phát triển không phù hợp vì xét về góc độ kinh tế, dễ thấy mối lợi đem lại cho nhà đầu tư lớn hơn rất nhiều.

Còn xét từ góc độ phục vụ cho lợi ích quốc gia hoặc lợi ích cộng đồng, theo ông Hương, yếu tố thể hiện tính chất công ích hầu như không có vì đối tượng phục vụ của khu du lịch, khu vui chơi giải trí thường là người có tiền, chứ không phải vì những nhu cầu vật chất, tinh thần phổ biến bình thường của cộng đồng.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) tiếp lời: “Liên quan đến chuyện khu vui chơi, giải trí ngoài trời, bức xúc nhất là sân golf, nhà nước thu hồi sau đó giao cho ông trong nước, ngoài nước, rất không thuyết phục”.

Ông Sinh tán thành đề xuất thu gọn và làm rõ các dự án, các loại đất mà nhà nước phải thu hồi, còn lại áp dụng cơ chế thỏa thuận, nhà nước là trọng tài, trong điều kiện tạo được sự đồng thuận có thể áp dụng cơ chế cưỡng chế đối với một số người có yêu sách không phù hợp.

Giải trình thêm trước những ý kiến nêu ra, Bộ trưởng TN-MT Nguyễn Minh Quang đại diện cơ quan soạn thảo dự luật nhất trí tiếp thu góp ý, rà soát lại các khoản mục trong Điều 62 trên tinh thần hạn chế vấn đề thu hồi một cách tuỳ tiện và cho nhiều mục tiêu.

Tuy nhiên, ông Quang giữ quan điểm đề nghị áp dụng thu hồi đất cho các dự án được HDND cấp tỉnh phê duyệt đầu tư. Điều kiện ràng buộc là không phải UBND có thể dễ dàng thu hồi đất trong 12 trường hợp đã nêu tại Điều 62.

Ông Quang cũng chia sẻ việc nhiều người kỳ vọng qua việc sửa Luật Đất đai lần này thì mọi vấn đề tồn tại trong thời gian vừa qua sẽ được giải quyết cơ bản. Trả lời câu hỏi của bà Nga, Bộ trưởng Quang lấp lửng: “Chính phủ được giao chuẩn bị như vậy nhưng quyết định cuối cùng là Quốc hội”.

“Chúng tôi cũng rất mong muốn việc như vậy nhưng những tồn tại trong quản lý đất đai vừa qua có các nguyên nhân khác nhau một phần do luật, do các nghị định, nhưng có một lý do rất quan trọng là quá trình tổ chức thực hiện có rất nhiều vấn đề. Tồn tại lớn nhất ở đó chứ không phải do luật 2003 có quá nhiều sai. Chúng tôi đã tập trung nghiên cứu nhiều vấn đề, tất nhiên không thể giải quyết hết được tất cả, nhưng với luật mới, tình trạng thu hồi đất một cách tùy tiện chắc chắn sẽ được hạn chế đi rất nhiều” – ông Quang khẳng định.

P.Thảo