Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Một số vấn đề trong công tác gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ở Lai Châu
(Dân trí) - Lai Châu là tỉnh biên giới phía Tây Bắc quy tụ 20 dân tộc cùng sinh sống. Mỗi dân tộc có những bản sắc văn hóa và lịch sử cư trú riêng, nhưng trong quá trình cộng cư đã hình thành lên ý thức đoàn kết để cùng đấu tranh, bảo vệ quê hương, đất nước.
Các dân tộc tỉnh Lai Châu có bản sắc văn hóa phong phú đa dạng: Người Thái tự hào với những món ăn truyền thống nổi tiếng, được khách du lịch khắp nơi yêu thích, với những cánh đồng phì nhiêu, màu mỡ.
Người Mông tự hào với nghề rèn đúc và những bộ váy thổ cẩm nhiều màu sắc được thêu dệt công phu, độc đáo. Người Lự với tục nhuộm răng đen đặc trưng. Người Hà Nhì khẳng định bản sắc của mình qua những bản trường ca dài hàng đêm kể…
Các dân tộc tỉnh Lai Châu có những quy định và chuẩn mực riêng trong văn hóa, ứng xử gia đình và quan hệ xã hội. Những quy định đó không hề khép kín mà luôn mang tính mở. Quá trình tiếp biến văn hóa ở nhiều tộc người diễn ra mạnh mẽ với xu hướng bản địa hóa hoặc bản tộc hóa những yếu tố ngoại lai.
Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra những yếu tố ngôn ngữ Hán, ngôn ngữ tiếng Việt trong tiếng nói, chữ viết của nhiều dân tộc hoặc những món ăn có nguồn gốc Hán, nguồn gốc người Việt trong mâm cơm của nhiều dân tộc. Đó là sự tiếp thu tự nguyện, có chọn lọc, phù hợp với tiến trình phát triển của cộng đồng và góp phần làm giàu thêm vốn văn hóa của các dân tộc.
Sự đột biến văn hóa chỉ diễn ra từ khi văn hóa phương Tây và văn minh công nghiệp ảnh hưởng trực tiếp tới Lai Châu.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, một mặt, qua các cuộc chiến đó, ý thức về quốc gia - dân tộc ở các cộng đồng tộc người được bồi đắp. Họ gắn bó chặt chẽ hơn với tộc người đa số của quốc gia là người Việt. Kế sau đó là những biến đổi sâu sắc trong đời sống văn hóa cộng đồng.
Để đảm bảo cho sự thắng lợi cuối cùng của các cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc, Đảng và Nhà nước ta vừa thực hiện chủ trương đoàn kết các dân tộc, vừa cố gắng thực hiện các cuộc vận động lớn nhằm ổn định hậu phương và tiết kiệm nhân tài, vật lực.
Thực tế đã chứng minh tính đúng đắn của các chủ trương chung mà Đảng và Nhà nước đã tiến hành ở vùng cao nói chung, Lai Châu nói riêng. Miền Bắc được giải phóng rồi đất nước thống nhất. Cuộc sống của người dân đã được cải thiện, mạng lưới mậu dịch, y tế, trường học được xây dựng và mở mang ở khắp các địa bàn cơ sở.
Các sản phẩm của nền văn hóa công nghiệp từng bước tham gia vào cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, việc di dân từ miền xuôi lên miền núi, ngoài mặt tích cực còn làm gia tăng sức ép về dân số, và đã có sự giao thoa văn hóa giữa cộng đồng các dân tộc thiểu số với người Việt và giữa cộng đồng các dân tộc với nhau.
Do vậy, nhiều bản sắc văn hóa mang màu sắc riêng của từng dân tộc đã mai một dần.
Từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, bộ mặt kinh tế - xã hội ở Lai Châu đã có thay đổi đáng kể. Đời sống của nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đều được nâng cao, đồng bào được tiếp xúc rộng rãi với thế giới bên ngoài.
Cũng chính vì thế mà văn hóa truyền thống của các cộng đồng tộc người trở nên mong manh trước sức ép của văn hóa công nghiệp mang tính toàn cầu. "Tự đánh mất bản sắc văn hóa của mình" đang là nguy cơ tiềm tàng ở nhiều dân tộc.
Cộng đồng các dân tộc ở Lai Châu bước và đời sống hiện đại với xuất phát điểm thấp. Đó là một diễn trình chông gai, vì rất khó để có thể kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại. Trước ảnh hưởng tất yếu của văn minh công nghiệp, những nét đặc trưng văn hóa mang bản sắc riêng của từng dân tộc dần bị quên lãng.
Một phần cũng do đồng bào dân tộc ngộ nhận rằng đó là yếu tố văn hóa lạc hậu. Một phần do sự phát triển quá mạnh của nền công nghiệp 4.0, thế hệ trẻ của các dân tộc đã du nhập văn hóa hiện đại, không còn gìn giữ những nét truyền thống của dân tộc mình.
Trên thực tế, đồng bào các dân tộc tiếp thu rất nhanh các văn hóa hiện đại. Nhưng cùng với đó là sự mai một các giá trị văn hóa phi vật thể. Hiện nay, ở Lai Châu đã mất đi nhiều lễ hội văn hóa truyền thống mang tính cộng đồng mà ở đó có những giá trị văn hóa - xã hội truyền thống được nuôi dưỡng và tiếp sức.
Các cộng đồng người dân tộc thiểu số đã vắng dần những pho sử sống, lớp người cũ ra đi, thiếu vắng lớp kế cận. Lớp trẻ ngày nay thích sử dụng mạng xã hội, thích nghe nhạc hiện đại hơn là nghe những câu chuyện cổ của dân tộc mình.
Những nghệ nhân dân gian cứ thưa vắng dần, những làn điệu dân ca, dân vũ chỉ còn là ký ức xa mờ của lớp người cao tuổi. Các mối liên kết cộng đồng với những tiêu chí truyền thống đã và đang bị thay thế bởi xu hướng văn hóa hiện đại. Tình hình đó khiến các nhà khoa học lúng túng, các nhà quản lý văn hóa lo ngại.
Lai Châu là một trong những tỉnh miền núi còn khó khăn, vì thế các nhà quản lý ở địa phương và cơ sở thường cố gắng và tập trung cho đồng bào nâng cao đời sống vật chất. Câu hỏi thường trực của họ là làm thế nào để đời sống của đồng bào được nâng cao, xóa đói, giảm nghèo, nên việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống có phần bị xem nhẹ.
Mong muốn quay trở về với những giá trị cổ truyền đã xuất hiện ở những địa bàn cơ sở có đời sống vật chất và cơ sở hạ tầng tương đối khá. Ở Mường So, Dào San (huyện Phong Thổ), Hồ Thầu (huyện Tam Đường), người dân đã tích cực hưởng ứng và tham gia những lễ hội cổ truyền còn được duy trì hoặc mới được phục dựng lại như Lễ hội Nàng Han, Lễ hội Kin Pang Then (dân tộc Thái), Lễ hội Gầu Tào (dân tộc Mông) Lễ Tủ Cải (dân tộc Dao),…
Mặc dù có nhiều nét mới như có sự tham gia của chính quyền và các đoàn thể quần chúng nhưng các sinh hoạt đó về cơ bản vẫn giữ được những nét cổ truyền. Nó hoàn toàn phù hợp với ý nguyện của người dân và do người dân làm chủ, dưới sự hỗ trợ của chính quyền và các tổ chức đoàn thể.
Bên cạnh đó, những năm qua, các ngành chức năng và chính quyền địa phương đã quan tâm tổ chức các cuộc thi, các liên hoan văn nghệ quần chúng lấy vốn cổ của các tộc người thiểu số làm mục tiêu khai thác thu hút nhiều nghệ nhân và diễn viên quần chúng tham gia. Điều này chứng tỏ đồng bào vẫn tha thiết mong muốn có một "sân chơi" lành mạnh để tự thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc mình.
Mặc dù, các cuộc thi, liên hoan như vậy vẫn còn nhiều khiếm khuyết, nhất là ở sự "cải biên" và "sân khấu hóa" các loại hình văn nghệ dân gian. Nhưng ít nhất, chúng đã tạo nên một phong trào "ôn cố" tương đối sâu rộng.
Nếu có sự kết hợp chặt chẽ hơn với với công tác điều tra, nghiên cứu cơ bản, sưu tầm và có biện pháp bảo tồn trong cộng đồng thì những phong trào này ắt hẳn sẽ có nhiều ý nghĩa thực tế hơn. Đó cũng là việc làm thiết thực để các yếu tố văn hóa phi vật thể của các tộc người thiểu số ở Lai Châu có thể trở thành động lực của sự phát triển.
Khái niệm gìn giữ (hay bảo tổn) phải được hiểu như một thực thể sống, có ý nghĩa tích cực đối với đời sống cộng đồng chứ không chỉ được đóng khung trong các bảo tàng.
Nói cách khác là phải làm sao hiện đại hóa những giá trị văn hóa truyền thống như một dòng chảy liên tục. Sự lựa chọn mô hình và con đường phát triển của mỗi tộc người cần phải dựa trên những nhu cầu của cộng đồng, do cộng đồng quyết định.
Sự lựa chọn đó sẽ đúng đắn hơn khi có sự định hướng của các nhà khoa học, văn hóa học dưới sự đảm bảo của thể chế chính trị và sự trợ giúp một cách có hiệu quả về y tế và giáo dục.
Việc hoạch định các chính sách hay thực thi dự án phát triển đối với đồng bào các dân tộc ở Lai Châu như Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 cần chú trọng gìn giữ các yếu tố văn hóa phi vật thể trên nền tảng cộng đồng.
Sự can thiệp sẽ chỉ có ý nghĩa tích cực khi văn hóa truyền thống của người dan được tôn trọng và phát huy. Sự phát triển bền vững chỉ có thể có được khi chúng ta biết kết nối truyền thống với hiện đại và giữ được sự đa dạng văn hóa của các tộc người.