Một số đại biểu Quốc hội là F1, không thể dự kỳ họp thứ nhất khóa XV
(Dân trí) - Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội không có đủ 499 đại biểu dự họp. Một số đại biểu tại các địa phương dịch Covid-19 căng thẳng xin vắng mặt, ở lại chống dịch, số khác đã được xác định là F1, phải cách ly…
Chủ trì họp báo chiều 17/7, trao đổi về việc một số đại biểu Quốc hội ở các tỉnh phía Nam, nơi dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát nghiêm trọng, xin vắng mặt cả kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV để ở lại địa phương chống dịch, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường xác nhận, UB Thường vụ Quốc hội hiện đã tiếp nhận thông tin này.
Ông Cường cho biết, tinh thần Chủ tịch Quốc hội trao đổi về việc này là, dù việc dự họp, thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội rất quan trọng, nhất là tại kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ nhưng nhiệm vụ chống dịch để đảm bảo sức khỏe, an toàn tính mạng của người dân vẫn là cốt yếu nhất đối với các đại biểu là lãnh đạo địa phương tình hình dịch bệnh đang căng thẳng. Vậy nên, UB Thường vụ Quốc hội thống nhất quan điểm một số đại biểu là lãnh đạo các tỉnh thành ở lại địa phương chống dịch.
Ngoài ra, Tổng Thư ký Quốc hội thông tin thêm, hiện cũng đã có một số đại biểu được xác định là người tiếp xúc với người mắc Covid-19 (F1) phải thực hiện cách ly. UB Thường vụ Quốc hội thống nhất cho phép đại biểu thuộc trường hợp này được phép vắng mặt tại kỳ họp sắp diễn ra, để đảm bảo an toàn tại nghị trường.
Số lượng cụ thể đại biểu Quốc hội vắng mặt tại kỳ họp đến nay vẫn chưa có thống kê chính thức.
Về việc chuẩn bị cho kỳ họp trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ông Bùi Văn Cường cho biết, đại biểu Quốc hội đến từ địa phương có dịch sẽ được đưa đón riêng, ở nhà khách riêng và ngồi họp riêng một khu vực trong phòng họp Diên Hồng.
Ông Cường cho biết, nhiều khách sạn 5 sao nhưng tính giá dịch vụ phòng ở mức 2-3 sao như tiêu chuẩn trước nay vẫn áp dụng với các đại biểu đã được bố trí để các đại biểu Quốc hội thuộc nhóm này ở riêng.
Quốc hội có phương án bố trí phương tiện tối tân như máy phát hiện Covid-19 qua hơi thở tại Nhà Quốc hội. Lãnh đạo Bộ Y tế và Văn phòng Quốc hội sẽ trực ở Quốc hội để xử lý vấn đề phát sinh.
Theo báo cáo, hiện đã có 435/499 đại biểu Quốc hội được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Với 64 đại biểu Quốc hội chưa tiêm, Văn phòng Quốc hội đang tiếp tục rà soát, xác minh. Có một số đại biểu thuộc diện người không được chỉ định tiêm vắc xin vì có bệnh nền nguy hiểm.
Không hạ chỉ tiêu tăng trưởng năm 2021
Nội dung khác được trao đổi tại họp báo là về khả năng hạ chỉ tiêu tăng trưởng năm 2021. Phó chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, GDP 6 tháng năm nay đạt 5,64%. Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV khi giao nhiệm vụ cho Chính phủ cũng đã đánh giá tổng thể và lường trước các tác động của dịch Covid-19, kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV sẽ chưa điều chỉnh chỉ tiêu này mà giao Chính phủ phấn đấu đạt kết quả cao nhất.
Cũng liên quan đến tác động của dịch Covid-19, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn thông tin, ngay từ khi chuẩn bị đại hội Đảng XIII đã đánh giá tác động của đại dịch này. Vì thế chỉ tiêu tăng GDP của 2021 là từ 6-6,5% đã thấp hơn bình quân của cả giai đoạn 5 năm 2021-2025.
Quá trình thẩm tra các kế hoạch về ngân sách, đầu tư công, các ủy ban đều đã tính toán yếu tố của dịch Covid-19 để trình Quốc hội xem xét thông qua.
Theo dự kiến chương trình kỳ họp thứ nhất của Quốc hội, sáng 22/7 Quốc hội sẽ nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021.
Sau đó, Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung trên.
Cũng tại phiên họp này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Tiếp theo, Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra về kế hoạch này.
Các nội dung nói trên đều sẽ được Quốc hội thảo luận tại tổ và hội trường.
Cuối kỳ họp Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.