Một số chức danh chủ chốt sẽ tuyên thệ khi nhậm chức
(Dân trí) - Dự thảo Hiến pháp được bổ sung quy định này nhằm nâng cao vai trò, vị trí và trách nhiệm trước nhân dân của những người giữ chức vụ quan trọng được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Tiếp thu, giải trình những nội dung cơ bản còn có ý kiến khác nhau để chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, UB Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho biết, có nhiều hướng thay đổi, điều chỉnh được thể hiện trong chế định về Chủ tịch nước.
Về thẩm quyền của Chủ tịch nước trong hoạt động lập pháp, UB Dự thảo sửa đổi Hiến pháp khái quát có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước trong lĩnh vực này như dự thảo luật hiện tại.
Loại ý kiến thứ 2 đề nghị bổ sung quy định, trước khi công bố luật, Chủ tịch nước tự mình hoặc theo đề nghị của Chính phủ, đề nghị của Quốc hội xem xét lại luật đã được Quốc hội thông qua.
Cơ quan biên tập nhận định, việc trao cho Chủ tịch nước thẩm quyền đề nghị Quốc hội xem xét lại luật đã được Quốc hội thông qua là sự cụ thể hóa nguyên tắc kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Cụ thể ở đây là việc kiểm soát của Chủ tịch nước, Chính phủ với hoạt động lập pháp của Quốc hội.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại đề nghị không quy định nội dung này để bảo đảm phù hợp với nguyên tắc tổ chức quyền lực ở Việt Nam (quyền lực nhà nước là thống nhất, tập trung ở Quốc hội)..
Mặt khác, UB Dự thảo lập luận, với tư cách một đại biểu, chính Chủ tịch nước đã tham gia vào quy trình xây dựng luật. Trong điều kiện Quốc hội hoạt động không thường xuyên như hiện nay, thủ tục thảo luận lại những luật đã được Quốc hội thông qua có thể làm chậm lại quy trình ban hành luật, không đáp ứng được kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước.
Phân tích ở nhiều góc độ thấy còn những vấn đề khác nhau, cơ quan soạn thảo nêu 2 phương án quy định theo hướng quy định Chủ tịch nước không có quyền xem xét lại luật trước khi công bố hoặc bổ sung thẩm quyền này đối với Chủ tịch nước. Khi đó, nếu luật vẫn được 2/3 tổng số đại biểu tán thành thì Chủ tịch nước buộc phải công bố luật.
Đối với hoạt động hành pháp, các ý kiến góp ý gửi tới cũng chia làm 2 nhóm – một nhóm tán thành quy định Chủ tịch nước yêu cầu Chính phủ họp bàn về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước; một nhóm đề nghị “nới” phạm vi vấn đề Chủ tịch nước có thể triệu tập họp bao gồm tất cả những vấn đề mà Chủ tịch nước quan tâm.
UB Dự thảo cho rằng, việc bổ sung thẩm quyền của Chủ tịch nước trong lĩnh vực này là cần thiết nhằm thể chế hóa nguyên tắc kiểm soát hoạt động của cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Quy định này cũng phù hợp với vị trí, trọng trách mà Chủ tịch nước đảm nhiệm, với tư cách là người đứng đầu nhà nước; đồng thời cũng phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước trong lĩnh vực quốc phòng – an ninh và đối ngoại.
Vì việc xác định vai trò của Chủ tịch nước khi tham gia các cuộc họp của Chính phủ cũng như nội dung các cuộc họp Chính phủ do Chủ tịch nước đề xuất hoặc chủ tọa còn có ý kiến khác nhau nên UB Dự thảo cũng trình 2 phương án thiết kế như đã phân tích.
Giới hạn vấn đề cần trưng cầu ý dân làm bó hẹp quyền người dân
Chương quy định về Quốc hội, UB Dự thảo đã thống nhất bổ sung quy định (vào khoản 7 Điều 75) buộc tuyên thệ đối với một số chức danh chủ chốt trong bộ máy nhà nước khi nhậm chức. Quy định này nhằm nâng cao vai trò, vị trí và trách nhiệm trước nhân dân của những người giữ chức vụ quan trọng được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Điều chỉnh dự thảo lần này trên tinh thần tiếp thu 26 triệu ý kiến góp ý lần này, nhóm biên tập cũng đưa ra 2 phương án, hoặc chỉ quy định về việc bỏ phiếu tín nhiệm hoặc quy định cả 2 hình thức lấy phiếu, bỏ phiếu trong Hiến pháp.
Đối với việc trưng cầu ý dân, có ý kiến tán thành với quy định như trong dự thảo hiện tại về thẩm quyền của Quốc hội quyết định việc trưng cầu dân ý. Luồng ý kiến khác lại đề nghị cần quy định rõ những nội dung cần tiến hành trưng cầu ý dân, chủ thể đề xuất việc trưng cầu ý dân ra trước Quốc hội.
“Nếu theo phương án như hiện tại thì có thể dẫn đến băn khoăn cho rằng một quyền dân chủ trực tiếp rất quan trọng của nhân dân lại không được Hiến pháp nêu cụ thể, dẫn đến việc khó thực thi trên thực tế” – báo cáo tiếp thu giải trình nêu rõ.
Còn việc nêu cụ thể trong Hiến pháp những nội dung cần trưng cầu ý dân và chủ thể đề xuất việc trưng cầu ý dân sẽ làm rõ cơ chế thực hiện quyền lực trực tiếp của nhân dân. Tuy nhiên, nhóm biên tập cũng lưu ý, về mặt kỹ thuật lập hiến, việc khái quát hóa để quy định những vấn đề cần tiến hành trưng cầu ý dân trong Hiến pháp có thể dẫn tới tình trạng thiếu sót, làm bó hẹp quyền được trưng cầu ý dân của nhân dân.
Do đó, UB Dự thảo đưa ra một phương án khác hướng thể hiện tại bản dự thảo đầu tiên, quy định “quyết định trưng cầu ý dân về Hiến pháp và các vấn đề quan trọng của đất nước theo đề nghị của Chủ tịch nước, UB Thường vụ QH, Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội”.
Vấn đề phúc quyết hiến pháp (tức dự thảo sửa đổi Hiến pháp sau khi được Quốc hội thông qua thì phải được trưng cầu ý dân trước khi có hiệu lực), do còn ý kiến khác nhau, Ban Biên tập đề xuất 2 phương án sửa đổi Điều 124: Phương án 1: Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành và phải được trưng cầu ý dân. Phương án 2: Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định. |
P. Thảo