1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Một sản phụ phải tự sinh con trong bệnh viện

Sản phụ Đ.T.T, 20 tuổi, trú ở ấp Phước Thới, Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, Bà Rịa - Vũng Tàu, được mẹ chồng đưa vào Bệnh viện Bà Rịa để dưỡng thai. Bất ngờ sản phụ có triệu chứng sinh non (thai hơn 6 tháng tuổi).

Khoảng 21h ngày 10/8, thai phụ T bị đau bụng và được đưa đến Bệnh viện Bà Rịa khám bệnh. Tại đây, bác sĩ khám và chẩn đoán "có biểu hiện sinh non", sau đó thông báo với gia đình và hai bên chấp nhận bảo vệ tính mạng người mẹ là trên hết. Đến khoảng 3h sáng hôm sau, chị T chuyển dạ nên gọi bác sĩ đến giúp đỡ nhưng không có bác sĩ trực. Lúc này chỉ có hộ lý nhưng cũng không ai quan tâm giúp đỡ hay thông báo đến bác sĩ.

Chị T cho biết: "Lúc tôi bị đau bụng dữ dội thì 4-5 cô hộ lý, bác sĩ gì đó bảo tự leo lên bàn sanh. Lúc này tôi khát nước quá xin uống nước nhưng cũng chẳng ai cho. Người nằm kế bên nói đứa bé lòi hai chân ra rồi kìa. Tôi kêu bác sĩ đến nhưng không ai giúp, mấy cô hộ sinh ngồi ở ngoài trò chuyện, ăn uống rất bình thường.

Tôi đau đớn, khó chịu nên ngồi dậy tự kéo chân đứa bé ra, khi đến tới vai thì nó bị kẹt lại. Tôi mệt quá thì có một cô tới dùng kéo cắt cửa mình cho em bé ra. Có một cô nói là đứa bé chết rồi nha...". Chị T nghẹn ngào: "Nghe họ nói như vậy tôi buồn lắm!".

Sự việc xảy ra, bà Trần Thị Sáu (mẹ chồng) có làm đơn khiếu nại lên Bệnh viện Bà Rịa nhưng gần 10 ngày bệnh viện vẫn không chịu giải quyết. Bà Sáu tiếp tục làm đơn lên Sở Y tế để khiếu nại. Sau đó, Bệnh viện Bà Rịa đã đến nhà bà Sáu năn nỉ và nhận có thiếu sót. Bà Sáu cho biết: "Thấy họ kéo đến từng đoàn xin lỗi nên thấy cũng tội nghiệp. Tôi chỉ mong sao sau này họ làm việc có trách nhiệm hơn với những bệnh nhân khác thôi".

Đến ngày 6/9, Bệnh viện Bà Rịa đã có công văn giải trình với nội dung: "Qua phân tích, bác sĩ và các nữ hộ sinh đã nhận thấy thiếu sót của mình trong quá trình chăm sóc sản phụ, khi sản phụ sanh lần đầu, sanh thiếu tháng (cực non), từ những thiếu sót trên dẫn đến sự phẫn nộ lo âu của gia đình. Các nữ hộ sinh đã tự nhận thấy khuyết điểm là chưa làm tròn nhiệm vụ chăm sóc và chưa giải thích cặn kẽ cho sản phụ và thân nhân về tình trạng bệnh để ảnh hưởng đến bệnh viện và mọi người.

Sau khi họp, bác sĩ và các nữ hộ sinh tự hứa sẽ sửa chữa không lặp lại các khuyết điểm trên và đây cũng là bài học kinh nghiệm cho toàn thể nhân viên khoa sản cũng như nhân viên bệnh viện". Từ những thiếu sót trong giải trình, Bệnh viện Bà Rịa đã ra quyết định "nghiêm khắc kiểm điểm toàn kíp trực (bác sĩ và nữ hộ sinh) hình thức phê bình trước toàn bệnh viện". Theo đó, bác sĩ Nguyễn Văn Tích và nữ hộ sinh trưởng kíp trực bị hạ điểm hạnh kiểm trong tháng xuống loại B. Nữ hộ sinh trực tiếp theo dõi hạ điểm hạnh kiểm trong tháng xuống loại C và loại C cả năm.

Tiếp đó, đến ngày 10/9, Sở Y tế tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã có đơn trả lời, và "xin chia sẻ cùng gia đình và sản phụ T những tổn thương về mặt thể chất và tinh thần; chân thành cảm ơn sự đóng góp ý kiến chân tình, sâu sắc với tinh thần xây dựng của gia đình". Có lẽ với những ghi nhận của Sở Y tế như trên mà đến nay, gia đình chị T vẫn không được sự hỗ trợ gì từ Bệnh viện Bà Rịa.

Sự việc xảy ra hơn một tháng nay nhưng chị T vẫn chưa hết bàng hoàng, sợ sệt: "Mấy hôm nay trong người hơi yếu, muốn đi tái khám nhưng vẫn không dám xuống Bệnh viện Bà Rịa nữa".

Theo Nguyễn Long
Thanh Niên