1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Qua Đường dây nóng:

Một quyết định bắt tạm giam bị can gây bức xúc

(Dân trí) - Sáng 27/3, công an huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) đã khởi tổ, bắt tạm giam 2 mẹ con bị can Nguyễn Thị Tám và Mai Đức Hoàng Anh về tội chống người thi hành công vụ. Gia đình 2 bị can và dư luận đã phản ứng rất quyết liệt quyết định này.

Hai bị can Nguyễn Thị Tám và Mai Đức Hoàng Anh là vợ và con trai của ông Mai Đức Đức, Giám đốc Công ty TNHH Anh Trung (trụ sở tại xã Hợp Lý, huyện Lập Thạch). Trước đó, ngày 25/3, ông Đức đã có đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng về việc 1 số cán bộ công an huyện Lập Thạch giả mạo chức danh, lợi dụng chức vụ quyền hạn.

Sự việc được ông Đức giải trình: sáng 18/3, ông Nguyễn Thế Vinh, Phó công an xã Hợp Lý dẫn 4 chiến sĩ đến xưởng chế biến gỗ của công ty. Một người trong số đó được ông Vinh giới thiệu là Hà Tuấn Long, đội trưởng đội kinh tế, Công an huyện Lập Thạch.

Tại đây, ông Long yêu cầu ông Đức tạm ngừng sản xuất để công an tiến hành kiểm tra gỗ. Ông Đức đã yêu cầu ông Long xuất trình thẻ ngành và tuyên bố lý do thực hiện việc kiểm tra doanh nghiệp nhưng ông Long không đưa ra giấy tờ nào.

Việc kiểm tra được tiến hành từ 8h30 - 13h, ông Đức khẳng định với tổ kiểm tra là số gỗ tại xưởng có hồ sơ gốc và dấu búa kiểm lâm nhưng ngay lập tức chưa thể xuất trình vì không biết tính pháp lý của công an khi kiểm tra doanh nghiệp. Sau khi kiểm tra, ông Long lập biên bản tạm giữ số gỗ nghi vấn để đưa về huyện.

Đến 14h, một cán bộ công an huyện Lập Thạch khác là ông Đỗ Hữu Chữ đưa ô tô chở lực lượng tăng cường đến xưởng gỗ. Ông Chữ yêu cầu ông Đức ký vào biên bản nhưng khi đọc thấy chức danh ông Long là đội điều tra hình sự (khác với giới thiệu lúc sáng) nên ông Đức không ký và cho là ông Long đã giả mạo chức danh.

Ông Đức đề xuất nếu tổ kiểm tra chưa xuất trình các văn bản cần thiết khi khám xét doanh nghiệp đang sản xuất thì xử lý số gỗ nghi vấn bằng cách lập biên bản niêm phong tại xưởng. Tuy nhiên lực lượng công an không đồng ý.

Từ việc bất đồng quan điểm, đã xảy ra “đấu khẩu” giữa vợ con ông Đức với ông Chữ. Ông Đức khẳng định là cả bà Tám và ông Chữ đều có những lời lẽ thiếu văn hoá. Trước sự cương quyết của gia đình, đến 16h30 lực lượng công an đã rời xưởng gỗ mà không thể thu giữ được gỗ nghi vấn…

Phó trưởng công an huyện Lập Thạch Nguyễn Đặng Toàn (ngày 27/3) khẳng định, việc khởi tố và ra lệnh bắt tạm giam đối với 2 bị can Nguyễn Thị Tám và Mai Đức Hoàng Anh về tội chống người thi hành công vụ là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật.

Ông Toàn cho biết, hôm đó đội kiểm tra không phải là kiểm tra hành chính mà nhận được nguồn tin báo của quần chúng nên Trung uý Hà Tuấn Long và một tổ công tác gồm 6 chiến sĩ công an đến kiểm tra và đã phát hiện lượng gỗ không rõ nguồn gốc. Khi tổ công tác yêu cầu tạm giữ gỗ, thì vợ con ông Đức ngăn cản và có những hành vi dùng dao, xẻng đe doạ.

Để có tiếng nói 2 chiều về vụ việc, sáng 4/4, theo lịch hẹn, chúng tôi đến trụ sở công an huyện Lập Thạch làm việc. Tuy nhiên Phó trưởng công an huyện Nguyễn Đặng Toàn nói bận họp và cử Thiếu tá Trần Đức Khanh, điều tra viên, ra tiếp.

Trao đổi với chúng tôi, ông Khanh lại khẳng định buổi làm việc giữa công an huyện tại xưởng chế biến gỗ của Công ty TNHH Anh Trung vào ngày 18/3 không phải là kiểm tra mà chỉ đến xác minh nguồn tin tố giác tội phạm của quần chúng nhân dân.

Ông Khanh nói: “Điểm khác nhau giữa kiểm tra với xác minh là: Kiểm tra thì phải có quyết định. Có quyết định thì các ông (Doanh nghiệp - PV) phải xuất trình nhưng trong xác minh nếu các ông chả đồng ý thì chúng tôi đi về”. Ông Khanh thừa nhận việc “xác minh” hôm đó không có quyết định mà chỉ tiến hành theo kế hoạch xác minh nguồn tin tố giác tội phạm.

Trả lời câu hỏi, khi không có quyết định kiểm tra, việc vợ con ông Đức không đồng ý cho tạm thu giữ gỗ có phải là hành vi chống người thi hành công vụ không? Ông Khanh trả lời: “Có chứ, bây giờ tôi nói với các ông, gỗ không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc khi kiểm tra, chúng tôi phải tạm giữ để chứng minh bằng được cái việc đó. Báo cáo với hai thầy như thế”.

Điều 29, Nghị định 61/1998/NĐ-CP ngày 15/8/1998 về công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp nêu rõ: Việc kiểm tra phải có quyết định bằng văn bản của Giám đốc, Phó Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trưởng hoặc Phó trưởng Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Thủ trưởng các Cục Cảnh sát kinh tế, An ninh kinh tế, An ninh văn hóa, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma tuý. Quyết định phải ghi rõ căn cứ, nội dung, thời hạn kiểm tra, người thực hiện nhiệm vụ.

Chỉ của Thủ tướng Chính phủ số 22/2001/CT-TTG ngày 11/9/2001 về chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra Doanh nghiệp: “Việc kiểm tra doanh nghiệp chỉ được thực hiện khi có quyết định của thủ trưởng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; không được tiến hành trùng lặp, không quá một lần về cùng một nội dung trong một năm đối với một doanh nghiệp (trừ trường hợp bất thường); khi kết thúc việc thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp phải có kết luận bằng văn bản về nội dung đã thanh tra, kiểm tra".

Thái Bình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm