Hà Nội:
Một phụ nữ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 42 tỷ đồng
Viện KSND TP Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố Lý Thị Trúc Quỳnh (SN 1978, nguyên Trưởng phòng KV 9 - Công ty cổ phần bảo hiểm Bảo Minh tại Hà Nội) về 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” với số tiền tới hơn 42 tỷ đồng.
Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng (từ tháng 12/2005 đến tháng 1/2006), Lý Thị Trúc Quỳnh đã lừa đảo hơn 20 cá nhân tin tưởng đưa tiền cho Quỳnh mua trái phiếu, cổ phiếu của các ngân hàng có tiếng tăm.
Lừa 4 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu Vietcombank
Khoảng tháng 12/2005, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) chuẩn bị phát hành trái phiếu để tăng vốn điều lệ. Lợi dụng việc đó, Lý Thị Trúc Quỳnh (gọi tắt là Lý Quỳnh) đã thông báo cho Lê Thị Trúc Quỳnh (gọi tắt là Lê Quỳnh, công tác tại Công ty cổ phần chuyển phát nhanh Bưu điện Hà Nội) với nội dung: Lý Quỳnh đang có nguồn mua 4 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu VCB với giá mua hấp dẫn bằng 80% mệnh giá.
Lý Quỳnh giải thích: vì đây là trái phiếu của cán bộ trong ngành ngân hàng được mua với giá ưu đãi, nếu có nhu cầu mua thì phải chuyển tiền ngay cho Lý Quỳnh để trả tiền cho người bán, ngày 26/12/2005 sẽ giao trái phiếu. Lê Quỳnh bàn bạc với anh Nguyễn Anh Dũng (cán bộ cùng công ty với Lê Quỳnh) rủ một số người quen có nhu cầu mua trái phiếu VCB cùng đóng góp tiền để mua.
Dũng và Lê Quỳnh đã thu gom được tổng số hơn 9 tỷ 327 triệu đồng đưa cho Lý Quỳnh để mua trái phiếu VCB. Khoảng giữa tháng 1/2006, không thấy Lý Quỳnh trả trái phiếu VCB, Dũng và Lê Quỳnh liên tục yêu cầu Lý Quỳnh phải có trách nhiệm giao trái phiếu mà Lý Quỳnh đã nhận tiền và hứa hẹn.
Lúc này, Lý Quỳnh mới mua được 1,3 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu VCB để trả cho Lê Quỳnh. Còn lại hơn 8 tỷ đồng, Lý Quỳnh chiếm đoạt luôn.
Lừa mua cổ phiếu của 2 Ngân hàng Phương Nam và Nhà Hà Nội
Trong cùng thời điểm mua bán trái phiếu VCB, mặc dù chưa hoàn tất “thương vụ” này, Lý Quỳnh lại thông báo với Lê Quỳnh đang có lô cổ phiếu của Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Nam có mệnh giá 11 tỷ đồng đang bán với giá ưu đãi (1.0), đồng thời đặt vấn đề với Lê Quỳnh, muốn mua phải chuyển ngay tiền cho Lý Quỳnh.
Lê Quỳnh báo lại cho Nguyễn Anh Dũng và anh Dũng nghe thấy giá hấp dẫn như vậy đã thông báo cho 2 người quen khác đồng ý góp được tổng số 14 tỷ 760 triệu đồng (trong đó có 2 tỷ đồng tiền mua cổ phiếu của Ngân hàng thương mại cổ phần nhà Hà Nội). Toàn bộ số tiền trên Nguyễn Anh Dũng đã giao cho Lý Quỳnh thông qua Lê Quỳnh.
Đợi mãi không thấy Lý Quỳnh giao cổ phiếu và trái phiếu VCB, Lê Quỳnh và Nguyễn Anh Dũng đã viết đơn tố cáo Lý Quỳnh đến cơ quan công an. Trước khi khởi tố vụ án, ngày 21/3/2006, Lý Quỳnh mới mua được 2.600 mệnh giá cổ phiếu Phương Nam với giá 1,7 triệu đồng (gấp 1,7 lần mệnh giá), tương đương 4 tỷ 420 triệu đồng để trả cho Lê Quỳnh và Dũng. Còn lại hơn 10 tỷ đồng, Lê Quỳnh chiếm đoạt.
Vẫn chưa dừng lại ở đó, mặc dù không có cổ phiếu trả cho Lê Quỳnh và anh Dũng, nhưng những ngày tiếp theo, Lý Quỳnh vẫn tiếp tục giao bán cổ phiếu của Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Nam và Ngân hàng thương mại cổ phần Nhà Hà Nội cho 1 loạt các bị hại khác nhằm chiếm đoạt gần 5,2 tỷ triệu đồng.
Chiếm đoạt hơn 13 tỷ 600 triệu đồng của FPT và nhiều cá nhân khác
Ngoài chức danh Trưởng phòng KV 9 - Công ty cổ phần bảo hiểm Bảo Minh tại Hà Nội, Lý Quỳnh còn thành lập Công ty TNHH phát triển viễn thông Phương Linh (trụ sở tại phố Lý Thường Kiệt) từ tháng 5/2005. Công ty Phương Linh chỉ hoạt động kinh doanh điện thoại Nokia (mua từ Công ty phân phối FPT), kinh doanh thẻ cào Vinacard (mua của anh Nguyễn Hồng Quang, cán bộ Trung tâm viễn thông khu vực I) và cửa hàng Cường (ở phố Điện Biên Phủ).
Với mục đích để có tiền trả nợ, Lý Quỳnh đã mua điện thoại di động của FPT trị giá hơn 26 tỷ đồng, nhưng chỉ bán với trị giá hơn 20 tỷ đồng (lỗ 6 tỷ đồng) và mua thẻ cào Vinacard trị giá hơn 33 tỷ đồng, nhưng chỉ bán với giá hơn 28 tỷ đồng (lỗ 5 tỷ đồng).
“Khát” tiền trả nợ, Lý Quỳnh còn dùng thủ đoạn thông báo giá bán điện thoại thấp hơn nhiều so với giá thị trường để người mua phải trả tiền trước mà không giao đủ hàng cho người mua. Hiện tại, Lý Quỳnh còn nợ người mua hàng hơn 2,7 tỷ đồng. Nợ Công ty FPT số tiền hơn 151 triệu đồng tiền mua điện thoại di động....
Tổng cộng, Lý Quỳnh đã lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt hơn 42 tỷ đồng và 36.100 USD của hơn 20 người bị hại cùng góp tiền đưa cho Lý Quỳnh. Quá trình điều tra, cơ quan công an thu giữ được của Quỳnh 1 tỷ 265 triệu đồng và đã trao trả cho 14 người bị hại. Hiện tại, số tiền Lý Quỳnh còn chiếm đoạt là hơn 41 tỷ đồng. Vụ án sẽ được TAND thành phố Hà Nội đưa ra xét xử trong thời gian tới.
Theo Tiền Phong/TTXVN