1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Một người Việt ở Liên Hợp quốc

Tiến sĩ Vũ Quang Việt, Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia thuộc Cục Thống kê Liên Hợp Quốc, là chuyên gia cao cấp người Việt Nam duy nhất hiện làm việc tại trụ sở chính của tổ chức toàn cầu này.

Nhưng ít người biết rằng ông Việt chính là người đã tham gia xây dựng và đang tiếp tục hoàn chỉnh Hệ thống Tài khoản Quốc gia của Liên Hợp Quốc, hệ thống được tất cả các nước công nhận là chuẩn thế giới…

Trong một dịp tình cờ, chúng tôi đã được nghe Giám đốc Trung tâm Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương Võ Đại Lược (nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ) đề cập đến câu chuyện thú vị về hành trình của kinh tế gia Vũ Quang Việt, rằng tấm bằng tiến sĩ kinh tế và những chuyến trở về với mong muốn đóng góp sở học của mình cho quê hương của TS Vũ Quang Việt, có cơ duyên từ mối quan hệ của TS với nhà ngoại giao tài năng Nguyễn Cơ Thạch.

Vào một ngày cuối năm, khi những người Việt sống xa Tổ quốc đang hướng về cái Tết cổ truyền của dân tộc, chúng tôi đã được nghe chính TS. Vũ Quang Việt kể về câu chuyện nói trên.

“Khi sang Mỹ, tôi không có ý định học kinh tế vì thấy ngành tâm lý học rất lôi cuốn, nên tôi quyết định theo học ngành tâm lý và hoàn thành nó. Sau khi đất nước thống nhất, vì muốn trở về Việt Nam thành người hữu dụng, tôi quyết định theo học ngành kinh tế chuyên về toán ở bậc sau đại học…

Tôi nhớ lần đầu gặp ông Nguyễn Cơ Thạch là vào năm 1977, năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc. Vì ông Thạch có hỏi han, tham vấn tôi về kinh tế.

Do đó, tôi đã chuyên chú đọc và nghiên cứu các vấn đề kinh tế có tính thực dụng, nhất là về kinh tế phát triển, kinh tế tiền tệ mà tôi hoàn toàn không để ý khi đi học. Việc tự học của tôi là nhằm giải đáp các câu hỏi ông Thạch đặt ra”.

Hàng ngày, tại một văn phòng nhỏ nằm trong toà nhà Liên Hợp Quốc tại thành phố New York (Hoa Kỳ), công việc chuyên môn của TS Vũ Quang Việt là nghiên cứu hệ thống ý niệm và cấu trúc thống kê kinh tế, điều hành việc ước tính một số thống kê kinh tế cho 191 nước thành viên của Liên Hợp Quốc.

Hệ thống Tài khoản Quốc gia 1993 (TKQG93) của Liên Hợp Quốc do TS Vũ Quang Việt tham gia xây dựng, có bảng phân tích “vào - ra” nhằm đo lường toàn bộ các hoạt động sản xuất và sự liên hệ của chúng trong một nền kinh tế.

TS Vũ Quang Việt đã từng viết luận án và viết sách về vấn đề này, ông kể: “Trước khi làm cho các nước khác để  xây dựng TKQG93 (Trung Quốc, Malaysia, Philippines…), tôi đã đề xuất làm cho Việt Nam, lúc bấy giờ được cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch chấp thuận và được nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt bút phê đồng ý ngay.

Tôi vận động để Liên Hợp Quốc chấp nhận dự án; việc phê chuẩn nhanh kỷ lục, chỉ sau 2-3 tháng. Có thể nói Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới thực hiện một phần TKQG93, hoà đồng với phương pháp chung của thế giới, để điều hành nền kinh tế thị trường…”.

Đóng góp của trí thức Việt  kiều chỉ thiết thực nếu có dự án cụ thể

Mùa xuân này, đề án về trường đại học chất lượng cao của các trí thức Việt kiều đã được công bố rộng rãi ở trong nước, và ông Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia của Liên Hợp Quốc chính là người liên lạc của nhóm tác giả. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Vũ Quang Việt.

Nhóm soạn thảo có viết rằng: “Thời điểm này là lúc mà nhiều người Việt ở nước ngoài đến tuổi về hưu và có lẽ họ cũng là lớp người cuối cùng giỏi tiếng Việt, gắn bó với đất nước và có thể sẵn sàng hồi hương. Chúng ta phải khai thác ngay “cửa sổ cơ hội” này trước khi nó khép lại”.

Có lẽ câu nói trên phản ánh rất rõ ý nghĩ của những người viết và những bạn bè đồng cảnh ngộ, tức là sắp sửa về hưu mà vẫn còn sức làm việc. Tôi nghĩ rằng việc đóng góp của trí thức Việt kiều chỉ thiết thực nếu có dự án cụ thể.

Nếu một trường đại học ở Việt Nam muốn mời Việt kiều về dạy một ngành nào đó với một chức vụ nào đó thì nên quảng cáo rộng rãi trong giới Việt kiều. Còn nếu muốn chủ động hơn thì trường đại học theo dõi những ai thật sự có khả năng và gửi giấy mời về.

Việt Nam gần như chắc chắn sẽ trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Là một người Việt ở LHQ ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Việt Nam sau khi gia nhập WTO và sau khi Mỹ xoá bỏ phân biệt đối xử về hàng xuất vào Mỹ có thể nói là đã hoàn thành quá trình bình thường hoá với mọi nước trên thế giới và do đó có thể  tự xác định vai trò của mình trên thế giới.

Nhận vai trò tổ chức Hội nghị APEC và với khả năng rất cao trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là thành quả của những nỗ lực đổi mới và cải cách của Việt Nam.

Với vai trò thành viên không thường trực của HĐBA, Việt Nam tất nhiên là đại diện của Á châu, và là đại diện của các nước đang phát triển. Tranh đấu cho quyền lợi của nhóm nước mình là một chuyện, nhưng Việt Nam sẽ nâng cao được  vai trò của mình rất nhiều nếu vừa làm được vai trò đại diện, vừa trở thành nhân tố tích cực đưa đến thoả hiệp vì mục đích hoà bình của thế giới.

Sau khi Việt Nam vào WTO, thì thách thức lớn nhất sẽ đến với khu vực quản lý Nhà nước, đặc biệt là việc thực thi các cam kết về minh bạch hoá... Ông có bình luận gì về nhận định trên đây?

Nói chung tôi đồng ý với nhận định như vậy. Khu vực doanh nghiệp sẽ bị thách thức nhưng muốn vào thị trường của người thì việc mở cửa thị trường cho người là điều phải chấp nhận.

Việc cạnh tranh trong sản xuất là việc của doanh nghiệp, không phải việc của nhà nước. Doanh nghiệp thì hành động cá nhân, chủ yếu bằng mọi cách tăng thị phần và lợi nhuận cho riêng mình, nhiều khi bất chấp luật lệ và lợi ích chung.

Nhà nước như vậy có nhiệm vụ hướng dẫn và kiểm định việc thực hiện các cam kết để tránh việc bị trả đũa của các nước đối tác đưa đến thiệt hại cho toàn nền kinh tế.

Dĩ nhiên nhà nước có nhiều nhiệm vụ hơn thế, nhất là ở những ngành chỉ gồm các nhà sản xuất nhỏ không đủ tài chính và chuyên môn để theo dõi vấn đề. Chất lượng là hàng đầu chứ không phải là hàng hóa rẻ hay đầu tư nhiều.

Tôi vẫn đi tìm xem một bảng hiệu hàng Việt Nam chất lượng mà chưa thấy. Nhà nước chỉ nên làm những gì mà giới kinh doanh không thể làm được. Do đó, không có lý do gì Nhà nước cần phải dàn trải cung cấp mọi thứ thông tin cho mọi loại doanh nghiệp.

Và Nhà nước thiếu gì chuyện phải làm, nhằm mục đích xây dựng hạ tầng về vật chất và luật pháp cho hàng chục năm phía trước và đặt chuẩn mực và kiểm tra chất lượng.

Nhà nước không có nhiệm vụ sản xuất, xây dựng nhà máy, đây là việc của doanh nghiệp. Tôi nghĩ về một chuyện rất đơn giản là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, một bộ mặt quan trọng đối với dân trong nước và du khách, và tự hỏi:

Liệu ai đó sau khi đi xem có thể nói là mình học được những bài học lịch sử và thấy được các nét văn hoá tốt đẹp của mình? Cái này thì Nhà nước cần làm quá đi chứ, có thể còn quan trọng hơn cả xây cái cầu qua eo biển Vịnh Hạ Long.

Theo Võ Văn Thành
Báo Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm