Quảng Ngãi:
Một người bị anh trai "biệt giam" 21 năm
Mấy ngày qua, tại TP Quảng Ngãi, người dân đồn râm ran về chuyện một người đàn ông bị người anh trai của mình "biệt giam" 21 năm mà không ai hay biết (?). Người đó tên Lê Trọng Minh - 47 tuổi, ở tổ 8, phường Nguyễn Nghiêm.
Năm 1980, Lê Trọng Minh nhập ngũ. Anh xuất ngũ vào cuối năm 1983. Theo lời kể của những đồng đội cũ, trong suốt thời gian quân ngũ, Minh chỉ ốm lặt vặt qua những lần sốt rét chứ không có bệnh gì nghiêm trọng.
Thế nhưng, đến năm 1986, người anh của Minh là Lê Trọng Công đã nhốt em mình trong một căn phòng của ngôi nhà hai anh em đang ở với lý do: "Nó hay gây sự, sợ nó đánh người khác nên nhốt lại!".
Theo lời kể của người nhà thì sau khi xuất ngũ một thời gian ngắn, một hôm anh Minh mang tất cả các loại giấy tờ liên quan đến thời gian đi bộ đội của mình ra đốt. Sau đó là những tháng ngày anh "thất thần", đôi lúc chửi bới vô cớ, có dấu hiệu của bệnh tâm thần.
Một căn phòng chừng 6 mét vuông, trên lầu hai của căn nhà khá bề thế là nơi "biệt giam" anh Minh. Để anh Minh khỏi "vượt ngục", người nhà đã chèn ngay lối vào bằng hai lớp cửa - một sắt, một gỗ - với hai ổ khoá rất chắc chắn. Minh nằm trên hai mảnh ván kê liền nhau, không một mảnh vải che thân, chỉ một tấm chăn chiên cũ nát.
Tóc Minh dài hơn cả tóc phụ nữ (ảnh), vì theo anh Công kể thì đã 10 năm nay, Minh không được cắt tóc! Hàng ngày, người nhà đưa thức ăn qua một song sắt khá kiên cố. "Người tù" này phải đại - tiểu tiện tại chỗ. Thi thoảng, người nhà giội nước làm "vệ sinh" qua một ống nhựa. Nước sẽ chảy vào hệ thống vệ sinh bên cạnh. Cả phòng Minh ở bốc lên một mùi hôi thối nồng nặc, chứng tỏ là từ lâu rồi không ai mở khoá, vào căn phòng này để lau chùi, dọn dẹp.
Điều kỳ lạ là tuy sống trong một điều kiện tệ hại như vậy, song trông Minh không có vẻ gì là người đau ốm. Lê Trọng Công rất ngại khi phải tiếp xúc với người lạ để nói về người em trai của mình. Hầu như cuộc "biệt giam" này được giấu kín nên không ai biết, trừ một cụ bà, nay đã 70 tuổi, anh em Minh gọi bằng dì.
Anh Công chỉ hé lộ một chi tiết này: "Lâu rồi, tôi có đưa nó (tức Lê Minh) ra Đà Nẵng khám bệnh, nhưng bác sĩ bảo nó không đau ốm gì nên đưa về từ bấy đến nay". Thử "phản xạ" thì thấy rằng, Minh vẫn có thể đọc được chữ và nhận ra tên tuổi, quê quán của những người bạn cũ một cách rành rọt, dù họ xa cách nhau mấy chục năm rồi.
Sau khi chứng kiến hoàn cảnh sống tệ hại của Minh, mấy người bạn lính làm đơn kiến nghị gửi phường Nguyễn Nghiêm nhờ can thiệp. Ngày 16/5, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Văn Nguyên (mới được điều về làm chủ tịch từ một năm nay) đã đến tận nơi "biệt giam" Lê Trọng Minh.
Ông Nguyên rất bức xúc khi chứng kiến toàn bộ sự việc và nói rằng, ông sẽ can thiệp để đưa anh Minh đi chữa bệnh, chứ không thể để tình trạng này tiếp diễn được.
Theo Trần Đăng
Báo Lao động