1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Một ngôi trường nội trú kêu cứu

(Dân trí) - Sau cơn mưa, trong các phòng học của Trường Tiểu học Mường Đăng, xã Mường Đăng (Mường Ảng, Điện Biên) xuất hiện nhiều vũng nước. Để sách vở và quần áo của học sinh không bị ướt, giáo viên phải cho các em nghỉ học...

Trường Tiểu học Mường Đăng toạ lạc trên khuôn viên khá bằng phẳng, gồm 14 phòng học; khu tập thể cho giáo viên, nhà nội trú học sinh gồm 10 phòng, được xây dựng cách đây 8 năm. Tiếp chúng tôi là Phó Hiệu trưởng Khổng Thị Huệ. Câu chuyện giữa chúng tôi nhiều lần bị gián đoạn do phải “tránh” mưa.

 

Cô giáo Huệ nửa đùa, nửa thật: “May quá, hôm nay nhà báo về trường công tác đúng lúc cơn giông xuất hiện. Mắt thấy tai nghe, có thể “kêu” giúp trường mấy lời chứ nhà cửa thế này rất nguy hiểm đến tính mạng của hàng trăm học sinh, giáo viên và ảnh hưởng chất lượng học tập”.

 

Bằng nguồn vốn tài trợ không hoàn lại của tổ chức phi Chính phủ, năm 1998, Trường Tiểu học Mường Đăng được xây dựng, quy mô nhà cấp 4, lợp ngói đỏ, nền láng xi măng, trần cót ép. Đến năm 1999, công trình hoàn thành đưa vào sử dụng để chào mừng kỷ niệm 45 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

 

Sau vài mùa phượng nở, ngôi trường xuống cấp. Đầu tiên là xuất hiện nhiều vết nứt trên tường, tiếp đến vữa rơi từng mảng, rồi mái cót rơi xuống, ngói vỡ nhiều. Thời gian đầu phát hiện ngói vỡ, giáo viên nhà trường bắc thang lên thay; hiện nay không ai dám lên thay nữa vì sợ mái nhà sập.

 

Vào ngày mưa, lớp dột nhiều thì học sinh phải nghỉ học, lớp dột ít thì giáo viên dồn bàn ghế vào góc phòng học tiếp. Hệ luỵ của cơn mưa để lại phải mất nhiều tiếng đồng hồ sau mới khắc phục được. Nền nhà được láng xi măng, nhưng chất lượng đạt tiêu chuẩn cỡ nào thì chỉ có nhà thầu mới biết, và qua mấy năm đưa vào sử dụng đã xuất hiện nhiều vũng sâu. Nước mưa dột xuống đọng thành vũng, các em dùng chân đạp mạnh làm nước bắn tứ tung. Một giáo viên nói đùa: Các bác có nhu cầu thả cá thì trường dành cho vài ao!

 

Dọc hiên nhà, từng nhóm học sinh đứng co ro, chen chúc nhau tránh mưa. Mong ước của em lúc này là gì? Lò Thị Mây, học sinh lớp 5C, hồn nhiên: “Em mong trời ngớt mưa để được vào lớp học bài. Chúng em đang ôn thi học kỳ II, nhưng do trời mưa nên “lánh nạn” ở đây”.

 

Tranh thủ lúc giải lao, một số học sinh nam nhảy tót qua cửa sổ. Cô giáo Huệ phân bua: “Các em hiếu động, vả lại do song cửa hỏng nên các em mới thế. Trong quá trình làm, không biết có phải cánh thợ “tiết kiệm” que hàn hay sao mà nay chỉ cần dùng tay kéo nhẹ là nhiều thanh sắt rơi ra khỏi khuôn cửa”. Cánh cửa làm bằng gỗ, giờ phòng có phòng không, nhiều cánh bị mối mọt gặm rỗng phía trong.

 

Khu tập thể nhà trường có 9 phòng, tình cảnh cũng chẳng khá hơn là mấy. Do thấm nước nên hệ thống trần cót ép đã mốc meo, nhiều chỗ mục nát, chỉ cần động nhẹ là cả mảng rơi xuống. Nhà thầy cô nào cũng có vài xô chậu hứng nước mưa. Cô Huệ than: “Mưa ban ngày còn đỡ, chứ mưa ban đêm khổ lắm. Đêm về khuya, nước cứ chảy tong tong, không sao chợp mắt nổi. Mỗi lần trời mưa, giáo viên thao thức, chực chờ xô nước đầy là mang đi đổ kẻo chảy tràn ra giường, nhà”.

 

Mường Đăng là xã đặc biệt khó khăn, được Chính phủ trợ cấp kinh phí hàng năm theo Chương trình 135/CP; nhiều hộ thiếu ăn 2 - 3 tháng nên việc huy động nhân dân đóng góp kinh phí tu sửa là rất khó. Được biết, trong những lần họp phụ huynh, nhà trường nêu ý kiến vận động các bậc phụ huynh đóng góp kinh phí tu sửa nhưng kết quả không như mong muốn.

 

Ông Lò Văn Yên - Bí thư Đảng bộ xã Mường Đăng - cho biết: Xã đang nghiên cứu xem sắp tới có chương trình, dự án nào Nhà nước đầu tư thì sẽ chuyển một phần kinh phí sang sửa chữa trường.

 

Trần Toại