Hà Tĩnh:
Một ngôi đền lưu giữ bộ ấn cổ độc đáo
(Dân trí) - Tại ngôi đền Thanh Hòa thuộc xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh đang lưu giữ 5 chiếc ấn cổ hết sức độc đáo, có xuất xứ từ thời Nhà Lê.
Ấn được làm bằng chất liệu gỗ, vẫn nguyên vẹn và không hề bị mối mọt, trong đó chiếc ấn lớn nhất (ấn chủ) bề mặt có kích thước 0,8 x 0,8cm, chữ ấn theo lối chữ Triện, núm ấn nổi được chạm khắc bằng chữ Hán (Thượng). 4 chiếc ấn còn lại có kích thước đều nhau (0,5 x 0,5cm), chữ trên mặt ấn cũng khắc theo lối chữ Triện. Mỗi một chiếc ấn đều có tên gọi riêng là ấn Thánh, ấn Ngọc hoàng Thượng đế, ấn Tam bảo, ấn Trần Triệu và ấn công chúa nữ hoàng.
5 ấn cổ vẫn còn nguyên vẹn
Các cụ cao niên ở xã Phù Lưu cho hay, nhóm ấn cổ này thường được gọi là “ấn trừ tà”, gắn liền với ngôi đền cổ Thanh Hòa từ lâu đời và thường được sử dụng đóng dấu lên các thẻ bài để cầu yên, cầu may, cầu phúc, cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an hay thay khoán.
Theo ông Lê Bá Hạnh, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh, đây là bộ sưu tập ấn cổ độc đáo, có niên đại từ thời kỳ Nhà Lê, có giá trị rất lớn về mặt lịch sử, văn hóa tín ngưỡng, mang ý nghĩa tâm linh của người Việt Nam.
“Thời gian sắp tới, Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh sẽ phối hợp với một số chuyên gia trong lĩnh vực Hán Nôm để tiếp tục nghiên cứu, giải mã các mặt chữ được khắc trên ấn cổ này” - ông Hạnh nói.
Văn Dũng - Đại Nài