1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thái Bình:

Một “ngõ khuyết tật” bị “lãng quên”

(Dân trí) - Nằm cách UBND xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình chỉ chưa đầy 1km nhưng gần chục người khuyết tật, thần kinh của thôn Dương Xá chưa một lần được hưởng chế độ trợ cấp xã hội của Nhà nước.

Lay lắt những cảnh đời không tròn trịa

Hai đứa bé tật nguyền của gia đình anh Đặng Viết Cường - chị Đặng Thị Thơ là hai số phận thương tâm nhất thôn Dương Xá. Em Đặng Thị Phương đã 13 tuổi mà chỉ biết ngồi, biết nằm, chưa bao giờ gọi được một tiếng cha hay mẹ. Đói, khát, em cũng chỉ biết nhìn vào ca nước, bát cơm mà khóc tiếng khóc yếu ớt. 13 tuổi, Phương chỉ như đứa trẻ lên 5. Tất cả những sinh hoạt cá nhân, kể cả việc đi vệ sinh, em đều phải nhờ cha mẹ giúp đỡ.

Một “ngõ khuyết tật” bị “lãng quên” - 1

Gia đình anh Cường và 2 đứa con tật nguyền Phương và Linh.

Con gái thứ 2 của anh chị là cháu Đặng Thị Phương Linh. Linh may mắn hơn chị là có thể chập chững bước đi được vài bước. Nhưng đã 6 tuổi rồi mà em vẫn chưa nói được, chưa tự làm được bất cứ một sinh hoạt cá nhân nào. Chân tay của em không hiểu sao cứ ngày càng teo quắt lại.

Nấc nghẹn trong những dòng nước mắt ngắn dài, chị Đặng Thị Thơ xót xa: “Cứ dành dụm được ít nào chúng tôi lại mang con đi chữa bệnh. Đã đi khắp nơi rồi, nhà cửa chả còn gì. Đứa chị coi như mất dần hi vọng. Tôi chỉ khao khát được nghe con gái gọi “mẹ” một lần thôi mà không được”.

Anh Đặng Viết Cường vốn là một người lính phục viên. Chị Đặng Thị Thơ là con gái một người lính lái xe Trường Sơn năm nào. Ông Đặng Văn Bồn, bố chị Thơ, lái xe lăn lộn khắp Trường Sơn. Về quê lấy vợ sinh con, sinh 7 chết 3. Chị Thơ là con gái thứ 4, sau chị còn 2 em trai, 1 em gái. Em nào không bị tật nguyền thì đến đời con lại bị.

Cứ những ngày trở trời, chân tay ông Bồn lại sưng to ở các khớp. Mắt ông bị lòa, nằm bệt một chỗ. Những di chứng của chiến tranh còn đó, vậy mà không may mất gần hết giấy tờ, chỉ còn lại tấm lý lịch quân nhân, nhưng ông vẫn chưa được hưởng chút chế độ nào.

Hai vợ chồng anh Cường, chị Thơ sinh được 3 cháu. Cháu đầu lành lặn nhưng không có khả năng học tập nên phải nghỉ học từ lớp 9. Hai bé Phương và Linh ốm quay ốm quắt. Chị Thơ ở nhà làm mấy sào ruộng, anh Cường may mắn nhận được hợp đồng bảo vệ thời vụ ở bệnh viện huyện Hưng Hà. Cuộc sống với anh chị mỗi ngày là một cuộc vật lộn, vật lộn mưu sinh, vật lộn để giữ cuộc sống cho những đứa con tật nguyền.

Ngần ấy năm chạy chữa cho con, đến căn nhà để chui ra chui vào cũng chưa có. Anh chị phải ở ngôi nhà của bố mẹ. Hàng ngày, anh chị đi làm, bà nội và anh trai ở nhà chăm hai cháu. Bà nội 81 tuổi, lưng còng gập đất, tâm sự với chúng tôi: “Có những lần các cháu đi vệ sinh, tôi bế các cháu nặng quá, hai bà cháu ngã lăn ra đất. Nhìn cháu cười mà tôi tủi quá ôm gối ngồi khóc. Thương cháu nhưng biết làm thế nào”. Vừa nói cụ vừa đưa tay quệt hai giọt nước đùng đục rỉ ra từ khóe mắt.

Gia đình người nông dân nghèo, đã hàng chục năm nay trông chờ chính quyền địa phương giải quyết chính sách giúp đỡ người tàn tật, nhưng bao nhiêu lần gia đình khốn khổ ấy lên tiếng là bấy nhiêu lần họ nhận lấy sự thất vọng.

Nằm ngay sát gia đình anh Cường, chị Thơ, anh Ngô Văn Tiến năm nay đã 51 tuổi, bị thần kinh bẩm sinh nhưng vẫn chưa được hưởng chính sách giúp đỡ người khuyết tật. Mọi công việc sinh hoạt của anh đều phải có người giúp đỡ. Anh không còn khả năng nhận thức, nhiều người đến thăm cho tiền không biết để làm gì. Thậm chí, đi ra ngoài ngõ là lạc không biết đường về.
Một “ngõ khuyết tật” bị “lãng quên” - 2
Bị tâm thần bẩm sinh nhưng anh Tiến vẫn không được đoái hoài

Năm 1997, trại tâm thần tỉnh Thái Bình đã cấp chứng nhận và sổ điều trị ngoại trú bệnh tâm thần phân liệt và động kinh cho anh. Năm 2001, anh được cấp sổ hộ nghèo.

Theo đúng qui định của Nhà nước từ Nghị định số 67/2007/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, anh Ngô Văn Tiến đã thuộc đối tượng đ: “Người mắc bệnh tâm thần thuộc các loại tâm thần phân liệt, rối loạn tâm thần đã được cơ quan y tế chuyên khoa tâm thần chữa trị nhiều lần nhưng chưa thuyên giảm và có kết luận bệnh mãn tính, sống độc thân không nơi nương tựa hoặc thuộc diện hộ nghèo”, tức là anh đủ điều kiện để được hưởng chính sách. Nhưng qua nhiều lần xét duyệt của chính quyền địa phương, anh Ngô Văn Tiến vẫn bị “lọt lưới”.

Trường hợp thứ 3 trong con ngõ bị “bỏ quên” ấy là gia đình anh Nguyễn Đức Trung (52 tuổi) và chị Đỗ Thị Luyến. Tuy nằm chung trong một con ngõ, nhưng gia đình anh Trung, chị Luyến lại thuộc thôn Tây Nha, xã Tiến Đức.

Anh Nguyễn Đức Trung bị teo cơ bẩm sinh từ nhỏ, nằm liệt giường và không có khả năng đi lại, phục vụ bản thân. Mọi gánh nặng và kinh tế đều đổ lên đôi vai gầy guộc của chị Luyến với mấy sào ruộng. Hai con trai của anh vì nhà nghèo phải nghỉ học sớm lang bạt phu hồ nay đây mai đó. Thuộc diện hộ nghèo, có đầy đủ tiêu chuẩn hưởng chính sách xã hội cho người khuyết tật, anh Trung và vợ nhiều lần làm hồ sơ gửi UBND xã Tiến Đức nhưng vẫn bặt vô âm tín.

Khao khát công lý và tình người

Quá bức xúc trước kết quả những lần xét duyệt đối tượng hưởng chính sách xã hội người khuyết tật của UBND xã Tiến Đức và UBND huyện Hưng Hà, gia đình của những người khuyết tật trong con ngõ bị “bỏ quên” ấy đã nhiều lần nộp đơn đề nghị được xét lại nhưng vẫn không được.

Một “ngõ khuyết tật” bị “lãng quên” - 3
Anh Nguyễn Đức Trung bị liệt bẩm sinh và vợ
 
Anh Đặng Viết Cường, thôn Dương Xá, bức xúc: “Quá thất vọng trước cách xem xét của chính quyền địa phương, trong một lần bực bội tôi đã đem vứt tất cả hồ sơ, đơn đề nghị ra vườn. Chúng tôi thiếu nhiều, mấy trăm nghìn hỗ trợ các con tôi vốn thiệt thòi đúng là rất quí nhưng cái chúng tôi cần hơn là tình người. Có nhiều người nói với chúng tôi, nếu muốn được việc thì chịu bỏ ra chút tiền là xong chứ thấp cổ bé họng kêu đến bao giờ. Nhưng chúng tôi cơm còn chả đủ ăn. Hơn nữa, các cháu tật nguyền rành rành đây. Chúng tôi chỉ muốn công bằng”.
 
Chị Đỗ Thị Luyến, vợ anh Nguyễn Đức Trung, làm đơn đề nghị với UBND xã Tiến Đức về chế độ người khuyết tật của chồng nhưng UBND xã trả lời trường hợp của gia đình chị là do huyện xét không được. Chị tiếp tục xuống Phòng LĐ-TB&XH huyện Hưng Hà thì được trả lời là do gia đình chị không có trong danh sách hộ nghèo ở xã Tiến Đức. Trên thực tế, gia đình chị có trong danh sách hộ nghèo của xã và đã nộp đủ hồ sơ cho UBND xã Tiến Đức.
 
Chị chia sẻ: “Chúng tôi đã đi lại rất nhiều lần cả xã và huyện mà sự việc vẫn không được giải quyết cụ thể. Gia đình tôi cùng những người dân nghèo rất bất bình với cách trả lời của UBND xã và phòng LĐ-TB&XH huyện.
 
Mới đây, do quá tuyệt vọng và bức xúc, 4 gia đình trong con ngõ bị “bỏ quên” thôn Dương Xá và Tây Nha đã chở 5 người khuyết tật lên UBND xã Tiến Đức và UBND huyện Hưng Hà nhờ xem xét có thật sự 5 người đó là khuyết tật hay không nhưng vẫn chỉ nhận được những câu trả lời ậm ừ.
 

“Quan” thôn, “quan” xã đổ lỗi vòng quanh

Trước thực trạng khó hiểu ở thôn Dương Xá và thôn Tây Nha (xã Tiến Đức), PV Dân trí đã có buổi làm việc với ông Trần Quang Hăng - Trưởng thôn Tây Nha. Với thái độ kém mặn mà, ông Hăng cho biết, trường hợp của anh Nguyễn Đức Trung, ông Hăng đã hướng dẫn gia đình làm đơn và đã nhất trí về những tiêu chuẩn để anh Trung được hưởng chế độ dành cho người khuyết tật. Tuy nhiên kết quả xét duyệt anh Nguyễn Đức Trung không được hưởng chế độ. Ông Hăng đã trao đổi với chính quyền xã và thông báo lại với gia đình anh Trung. Nhưng có thể do cách trao đổi và thông báo “lệch pha” nên gia đình anh Trung vẫn băn khoăn không hiểu tại sao bị “đánh trượt”.

Còn trưởng thôn Dương Xá thì cho biết việc cấp tiền chế độ cho người khuyết tật như gia đình anh Đặng Viết Cường hay anh Ngô Văn Tiến thì phải chờ có tiền mới thực hiện được.

Chúng tôi lên xã, trao đổi với ông Vũ Thiên Long, Chủ tịch UBND xã Tiến Đức. Ông Đức giải thích, trường hợp của hai cháu Đặng Thị Phương và Đặng Thị Phương Linh không được hưởng chính sách cho người khuyết tật là do dưới 15, tuổi theo điều d của Nghị định 67.

Chúng tôi thắc mắc: Trong Nghị định 67/2007/NĐ-CP, phần h qui định rất rõ: Hộ gia đình có từ 02 người trở lên tàn tật nặng, không có khả năng tự phục vụ được hưởng chính sách (Qui định người khuyết tật trên 15 tuổi mới được hưởng chế độ theo điều d chỉ áp dụng với hộ gia đình có 1 người khuyết tật- PV). Ông Long ậm ờ không trả lời.

Về trường hợp của anh Ngô Văn Tiến, ông Long nói lí do khiến anh Tiến không được hưởng chế độ là do anh bị động kinh chứ không phải tâm thần.
 
Một “ngõ khuyết tật” bị “lãng quên” - 4
Dù anh Tiến đã được bệnh viện cấp Sổ điều trị ngoại trú bệnh tâm thần phân liệt
nhưng ông Long vẫn nói anh không được hưởng chế độ vì bị động kinh.
 

Trường hợp anh Nguyễn Đức Trung, ông Long lại đổ lỗi cho những người làm việc khóa trước đã “bỏ sót” không cho tên anh vào danh sách hộ nghèo để trình lên UBND huyện Hưng Hà. Ông Long nói mình không chịu trách nhiệm về việc này. (Được biết ông Vũ Thiên Long giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã Tiến Đức từ năm 2006. Từ năm đó đến nay, năm nào anh Trung cũng được hưởng tiền hỗ trợ tết và tiền trợ cấp hàng tháng).

Chúng tôi chỉ ra những lời giải thích thiếu logic, ông Vũ Thiên Long lại biện hộ rằng do chính quyền địa phương chưa nghiên cứu kĩ. Cuối cùng ông từ chối tiếp tục làm việc với chúng tôi vì cho rằng nhiệm vụ của UBND xã chỉ là liệt kê danh sách lên huyện và mọi việc quyết định là do Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Hưng Hà.

Những người tật nguyền tại xã Tiến Đức cho biết, với cách hành xử và giải quyết vấn đề chưa rõ ràng của cán bộ địa phương, họ quyết kiên trì tiếp tục đi tìm công lý.

Bài và ảnh: Thế Cường