Một ngày với lão nông - anh trai nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
"Thấy chú Tư làm lớn, con cháu trong gia đình càng phải phấn đấu để chú ấy an lòng mà gánh vác việc lớn, không nên làm chú bận tâm vì những chuyện nhỏ. Chuyện xin xỏ càng tuyệt đối không có", ông Trương Văn Minh, anh ba của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói.
Ra Bắc công tác, bạn bè tôi hay hỏi, bạn họ Trương, dân Long An, có nhờ vả được gì ông Trương Tấn Sang không. Tôi cười hì hì, anh ruột ông Tư 75 tuổi vẫn lội ruộng, nuôi bò. Con cháu của ông phần nhiều vẫn làm nông dân. Cùng họ như tôi, đại bác bắn 3 ngày chưa tới thì nhờ kiểu gì!
Người thân của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - dân Long An quen gọi là ông Tư Sang, ở huyện Đức Hòa, Long An, bao đời nay làm nông dân và đến giờ vẫn vui vầy bên thửa ruộng, bờ ao.
Cháu ruột ông Tư Sang có người làm ruộng, có người trồng đậu, có người chăn nuôi. Thuộc diện “oách” là anh Trương Tấn Thương - cháu ruột ông Tư Sang, làm cảnh sát giao thông, tuổi gần 40 mới đeo lon cấp úy.
Anh Thương khá nổi tiếng, nhưng không phải vì là cháu Chủ tịch nước mà nổi tiếng vì làm CSGT mà mê bắt cướp. Có lần tên cướp nhảy cầu Sài Gòn, sợ tên cướp chết, anh nhảy theo vừa bắt cướp, cũng là cứu kẻ cướp. Lần khác, anh bắt trúng tên cướp bị nhiễm HIV, ôm vật nhau cả hai đều thương tích, máu cướp dính vào vết thương báo hại anh phải điều trị phơi nhiễm mấy tháng trời. Bạn đọc biết anh Thương qua những chuyện như vậy.
Ông Trương Văn Minh - anh thứ ba của ông Tư Sang, năm nay đã 76 tuổi nhưng vẫn làm nông dân ngon lành. Ông đang ở ngôi nhà cấp 4, là nhà thờ dòng họ Trương, ở ấp Giồng Lớn, xã Mỹ Hạnh Bắc và có 10 người con. Ngoài anh Thương và vài con cháu làm nhà nước, người thân của nguyên Chủ tịch nước đa số vẫn làm nông dân.
“Tôi học hết lớp Nhứt (lớp Năm ngày nay) thì nghỉ, còn chú Tư Sang nhờ chí thú học hành mà cha mẹ cho học tới tú tài 1 rồi thi vô sư phạm, ra trường đi dạy. Tôi cũng thoát ly đi kháng chiến, làm ở Quân y, rồi Binh vận tỉnh, sau hòa bình về công tác ở xã rồi nghỉ hưu về nhà làm nông dân” - ông Minh kể.
Do biết “tính của chú Tư”, họ hàng không bao giờ nhờ cậy xin việc làm, mà tự thân vươn lên trong cuộc sống. “Chú Tư thường động viên, hướng dẫn các cháu trong học hành, phấn đấu, chứ không tạo tâm lý ỷ lại nơi con cháu. Thấy chú Tư làm lớn, con cháu trong gia đình càng phải phấn đấu để chú ấy an lòng mà gánh vác việc lớn, không nên làm chú bận tâm vì những chuyện nhỏ. Chuyện xin xỏ càng tuyệt đối không có” - ông Minh nói.
Rồi ông trầm ngâm: “Mảnh vườn và ngôi nhà này cha mẹ để lại, cây trái vẫn còn nguyên. Có những cây đã qua 6 - 7 thập kỷ. Chú Tư nếu không thích ở Sài Gòn thì về đây sống với tui. Lúc chú Tư ra Trung ương, bà con láng giềng hổng ai nhờ vả mà còn “né” vì ngại. Là vầy, giỗ chạp, tết nhứt chú Tư về, bà con lối xóm qua chơi, dĩ nhiên phải qua mấy lớp cảnh vệ vì mấy chú cảnh vệ đâu có biết ai là người thân, theo quy định mà làm. Riết bà con lối xóm né dần. Giờ chú Tư về hưu, bà con hết ngại thì lại đông vui như trước”.
Suốt nhiều năm, con đường dẫn về nhà ông Tư Sang ở Đức Hòa vẫn là đường đá đỏ. Đường nhựa mới làm gần đây, nhưng con đường dài chừng 50 mét dẫn vào cổng nhà vẫn là đường đá.
Ông Lâm Thanh Thảo - Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Đức Hòa, nay đã 74 tuổi, là bạn chiến đấu và cũng là người rất hiểu ông Tư Sang: “Gia đình ông Tư Sang thường xuyên vận động xây trường, trao học bổng cho các học sinh nghèo. Nhờ đó mà phong trào khuyến học và chất lượng học sinh tốt nghiệp THPT huyện Đức Hòa luôn đi đầu trong toàn tỉnh. Ở Đức Hòa có nhiều ngôi trường xã hội hóa trị giá hàng chục tỷ đồng như Trường THCS Thi Văn Tám, Trường THPT Tân Đức, Trường THPT Hậu Nghĩa..., đều từ uy tín của ông Tư Sang”.
Long An đang là tỉnh có hơn 500 dự án có vốn nước ngoài, tổng vốn hơn 4 tỷ USD, dẫn đầu khu vực ĐBSCL về thu hút dự án đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp của tỉnh Long An cũng thu hút được 30% tổng số lao động có việc làm của tỉnh và đóng góp gần 40% tổng thu thuế của tỉnh.
Các khu công nghiệp nằm phần lớn ở Đức Hòa, góp phần chuyển đổi các vùng đất hoang hoá, vùng nông nghiệp năng suất thấp ở huyện này thành đất công nghiệp có hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo việc làm, thu hút lượng lớn lực lượng lao động trong và ngoài tỉnh.
Một lãnh đạo tỉnh Long An nói rằng, việc chăm lo thế hệ mai sau bằng con đường tri thức, hay việc biến vùng đất nghèo thành đất lành công nghiệp, ít nhiều đều có dấu ấn của ông Tư Sang.
Chuyện cả huyện Đức Hòa được nhờ thì học trò nghèo hiếu học ở vùng đất này là những người thấy rõ nhất.
Theo Hữu Danh
Dân Việt