1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Một năm sau thảm nạn Sêrêpôk: Đớn đau những mảnh đời ở lại

(Dân trí) - Thảm nạn Sêrêpôk đã cướp đi những người cha, người mẹ… của biết bao đứa trẻ vô tội. Một năm qua đi, những đứa trẻ mồ côi lớn lên trong sự bất định về tương lai. Có người may mắn thoát “ải tử thần” thì sống không bằng chết.

Ám ảnh sau thảm nạn

Chiếc xe rơi xuống sông lật ngửa, cháu Lê Trần Ngọc Trâm (6 tuổi) bị hất văng ra khỏi xe nằm ngoi ngóp bên mé nước nhưng thoát chết một cách kỳ diệu, nhưng cha mẹ Trâm đã vĩnh viễn nằm lại bên bờ Sêrêpôk.

Vốn có con trai lớn đang học Đại học tại TP.HCM, vì quá lâu không gặp con nên nhung nhớ, vợ chồng anh Lê Công Bằng và chị Trần Thị Thanh Trúc (xã Ea Yông, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) đã quyết định xuống TPHCM thăm con. Dịp này, Ngọc Trâm vừa mới nghỉ hè ở trường nên được bố mẹ cho đi theo thăm anh trai. Ai ngờ chuyến đi ấy cả anh Bằng, chị Trúc đều tử nạn, cháu Trâm may mắn thoát chết, nhưng cú văng ra ngoài đã khiến cháu thất thần, lớn lên trong sợ hãi vì bị ám ảnh.

Một năm sau thảm nạn Sêrêpôk: Đớn đau những mảnh đời ở lại
Bố mẹ cháu Lê Trần Ngọc Trâm cùng tử nạn trong vụ thảm nạn Sêrêpôk, bà Nguyễn Thị Bèo chuyển sang ở hẳn lo cho 2 cháu ngoại. 

Thương các cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ, bà Nguyễn Thị Bèo (60 tuổi) - bà ngoại của Trâm đã dọn sang ở hẳn với cháu, mở quầy bán tạp hóa gồng gánh nuôi 2 cháu ngoại ăn học. Bà Bèo kể, từ ngày bị tai nạn mất cha mẹ, Trâm luôn sống trong sợ hãi, người lạ khi đến nhà chơi, Trâm đều sợ sệt, thậm chí khóc ré lên. “Mấy tháng gần đây, đêm nào Trâm cũng chợt giấc gọi: “Cha mẹ ơi! Cha mẹ ơi…!”. Có đêm cháu gọi như vậy 2 đến 3 lần...

Ông Trần Phú (63 tuổi) - ông ngoại của Trâm - nghẹn ngào: “Thời gian đầu dù hoảng loạn tinh thần nhưng có lẽ cháu Trâm còn nhỏ nên chưa ý thức được sự mất mát. Gần đây, Trâm như hiểu ra rằng cha mẹ mình đã không còn sống, đến trước bàn thờ đốt nhang rồi nói: “Cha mẹ bỏ con đi, tối con ngủ với ai?, Cha mẹ bỏ con đi, ai lo cho con?”.

Về phần cậu con trai lớn là Lê Công Trình (21 tuổi), sau khi nhận tin cha mẹ xuống thăm mình nhưng tử nạn trên đường, Trình về nhà rồi ngồi bần thần nhiều tháng, sau đó quyết định nghỉ học giữa chừng. “Cháu Trình nghỉ học gần 2 tháng, các thầy cô từ trong Sài Gòn ra đến nhà động viên, an ủi quá nhiều, sau đó cháu mới xếp đồ vào học lại. Ngày Trình vào lại Sài Gòn, bà ngoại nó ghé tai nhắn: “Con ráng mà học nghe con, sau này ra trường rồi còn về lo cho em nữa, ông bà ngoại cũng đã già rồi con ơi….”, ông Phú nặng lòng cho biết.

“Nhớ cây đu đủ mẹ trồng ngày xưa…”

Cha mẹ đi TPHCM khám bệnh rồi tử nạn, 3 anh em Ven Gia Chung (13 tuổi), Ven Thị Mỹ Liên (10 tuổi) và Ven Thị Mỹ Ngọc (5 tuổi), xã Ea Lai (huyện Ma Đ’rắk, Đắk Lắk) giờ đây trông cậy bà ngoại 62 tuổi. Một năm sau ngày thảm nạn Sêrêpôk, bà Trương Thị Hạnh - bà ngoại của 3 cháu, nước mắt chảy thành dòng kể về cái chết định mệnh của 2 con bà là chị Hồ Thị Thủy và anh Ven Gia Lập. Bà Hạnh kể, vốn có một cái mụn nhọt nổi ở ngực lâu ngày, từ lâu vợ chồng anh Lập, chị Thủy đã có dự định xuống chữa trị tại TP Hồ Chí Minh.

Em Ven Thị Mỹ Liên (10 tuổi) vẫn chưa thôi nhớ cha mẹ.
Em Ven Thị Mỹ Liên (10 tuổi) vẫn chưa thôi nhớ cha mẹ.

Chiều 17/5, sau khi 2 vợ chồng xong xuôi việc đồng áng, tất tả lo xong cơm nước cho bà ngoại và các con, lật đật ra khỏi nhà thì đó cũng là lần cuối cùng trong đời các con của anh chị được nhìn mặt bố mẹ. Đêm đó ở nhà, bà Hạnh nằm thao thức, hai con mắt bà cay sè, không tài nào ngủ được. Bà Hạnh vẫn chập chờn đến sáng thì 2 con bà “đã về” nhà trong 2 cổ quan tài dựng giữa sân. Thấy cảnh tượng ấy, người mẹ ấy ngã lăn ra, rồi khóc gào lên đến xé lòng…

Một năm sau ngày hai con tử nạn trên chuyến xe khách định mệnh, bà Hạnh gạt nước mắt nghèn nghẹn: “Mới đó mà đã một năm rồi! Nhanh quá… Chỉ tội nghiệp cho 3 đứa cháu lớn lên không bố mẹ, tương lai không biết như thế nào?”.

Em út là Ven Thị Mỹ Ngọc (5 tuổi) đi học chưa về, Chung với Liên ngồi bần thần.
Em út là Ven Thị Mỹ Ngọc (5 tuổi) đi học chưa về, Chung với Liên ngồi bần thần.

Bà Hạnh kể, mấy đứa nhỏ vì mất bố mẹ nên như “chim mất tổ”, suốt ngày đốt nhang rồi ngồi thẩn thờ trước sân như ngóng chờ bố mẹ sẽ về, có lúc chúng ủ rũ nhiều ngày. “Thằng cu Chung nó kể với tôi, ngoại ơi, từ ngày cha mẹ cháu mất nên cây đu đủ trồng trước nhà cũng chết theo! Bà biết không, hồi đó, cây đu đủ sai quả, cha cháu hái xuống một quả thì cắt đôi ra, miếng nào to, mềm… thì đưa cho chúng cháu, miếng nào nhỏ, còn cứng thì cha mẹ cháu cầm ăn”, bà Hạnh rướm lệ kể.

Vì cha mẹ “đi lâu” không thấy về, cháu Ngọc đã làm nhiều người hàng xóm ở thôn 4 (xã Ea Lai) chảy dài nước mắt. Bà Hạnh tâm sự, Ngọc thường chạy vào trong buồng lục lấy mấy bộ áo quần được bố mẹ sắm cho trước đây, mặc vào rồi khoe: “Đồ này mẹ cháu mua bà ngoại à! Bộ này mẹ cháu mua đẹp lắm ngoại à...!”. Không dừng lại ở đó, mỗi lần chiều về, Ngọc nằng nặc đòi bà Hạnh bồng ra nghĩa trang bằng được, thắp nhang xong lại đòi ở bên cha mẹ không chịu về nhà.

Được biết, ở nhà 3 anh em Chung, Liên và Ngọc đều rất chăm chỉ, nghe lời bà và học giỏi. “Mấy anh em thương bà ngoại lắm! Học kỳ 2 vừa rồi, cháu thi làm bài tốt lắm…”, em Chung, nhanh nhảu khoe.

Ở nhà, Chung với 2 em đều rất ngoan, chăm chỉ học tập.
Ở nhà, Chung với 2 em đều rất ngoan, chăm chỉ học tập.
 

Chị Đinh Thị Thanh Thủy (21 tuổi) - may mắn sống sót sau vụ thảm nạn, nhưng cuộc sống chẳng mấy tốt đẹp. Tai nạn đã khiến chồng Thủy chết tại bệnh viện, con gái Thủy bị gãy chân, còn Thủy gãy xương cổ, liệt nửa người. Thủy mồ côi mẹ từ nhỏ, cha bị bạo bệnh. Sau khi bị tai nạn, Thủy cùng con gái 4 tuổi về ở với ông bà nội (xã Cư M’Ta, huyện Ma Đ’rắk, Đắk Lắk). Đã 3 tháng nay, Thủy đang chữa trị ở Bệnh viện y học cổ truyền và phục hồi chức năng tỉnh Khánh Hòa. Qua điện thoại, Thủy kể, suốt ngày chỉ nằm một chỗ, không thể đi lại, kinh phí chữa bệnh do gia đình quyên góp. “Vì bị tai nạn mà đứa em gái phải nghỉ học. Em khổ lắm, từ chỗ lành lặn thành tàn phế, giờ em sống mà vô dụng”, Thủy đắng cay.

Viết Hảo