Một năm 24 trẻ em đuối nước, Vĩnh Phúc chỉ đạo khẩn
(Dân trí) - Lãnh đạo huyện, thành phố và sở, ngành chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nếu để xảy ra tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn quản lý.
Thông tin từ UBND tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 24 trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước. Từ đầu năm 2023 đến nay có một trẻ em tử vong do đuối nước.
Trước con số đáng lo ngại đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố… thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các biện pháp phòng, chống đuối nước cho trẻ em, nhất là trong mùa mưa bão, thời gian học sinh nghỉ hè sắp tới.
Tăng cường truyền thông phòng chống đuối nước trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuyên truyền qua tin nhắn điện thoại, Zalo… của các hội, nhóm ở cơ sở...
Vĩnh Phúc yêu cầu địa phương vận động các gia đình chủ động đưa con đi học bơi và học kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Khẩn trương rà soát, kiểm tra các hố sâu, ao, hồ, sông ngòi, vùng nước, bãi tắm, các khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để cắm biển cảnh báo, làm rào chắn an toàn.
Bố trí ngân sách địa phương và vận động xã hội xây dựng, phát triển hệ thống bể bơi để tổ chức các lớp dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước và phổ cập bơi an toàn cho trẻ em.
Lãnh đạo các địa phương chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nếu để xảy ra tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn mà có nguyên nhân chủ quan từ công tác chỉ đạo triển khai thực hiện của cơ quan chức năng hoặc để xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước trẻ em tại địa phương mà không có biện pháp khắc phục hiệu quả.
"Chịu trách nhiệm tuyệt đối về người đứng đầu nếu lơ là, chủ quan, không rà soát dẫn đến tồn tại các nguy cơ, tai nạn đuối nước đối với trẻ em trên địa bàn quản lý. Chỉ đạo kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và xử lý theo quy định đối với các vụ việc khiến trẻ em bị tử vong do đuối nước", UBND tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ.
Vĩnh Phúc cũng giao nhiệm vụ cụ thể, chi tiết đối với từng sở, ngành. Trong đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Vĩnh Phúc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em. Đồng thời thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác phòng, chống đuối nước trẻ em đối với các sở, ngành, đoàn thể, UBND cấp huyện; định kỳ tổng hợp, báo cáo tình hình với UBND tỉnh theo quy định.
Sở Giáo dục và Đào tạo phải tăng cường giáo dục thể chất, 100% trường học triển khai các hoạt động ngoại khóa về kỹ năng sống, hướng dẫn cho học sinh các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng cứu đuối tại trường học. 100% các trường cho học sinh ký cam kết: "Không tự ý đi bơi, lội nước khi không có người lớn đi cùng".
Phối hợp chặt chẽ với gia đình trong việc quản lý, giáo dục học sinh phòng, chống đuối nước; tuyên truyền vận động gia đình đưa con em đi học bơi và học kỹ năng an toàn trong môi trường nước; quản lý, giám sát con em trong thời gian không đến trường, đặc biệt là dịp hè.
Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo rà soát, kiểm tra các mỏ đất, mỏ cát, khoáng sản... khai thác xong nhưng không hoàn trả lại mặt bằng dẫn đến việc tạo thành các ao, hồ, hố sâu nguy hiểm khi mùa mưa đến, gây nguy hiểm cho người dân, đặc biệt là trẻ em…