Vì sao GRDP của tỉnh Vĩnh Phúc giảm 2,47%?

Thế Kha

(Dân trí) - Việc sản xuất, kinh doanh của Toyota và Honda Việt Nam gặp khó khăn đã tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế và là nguyên nhân chính khiến GRDP của tỉnh Vĩnh Phúc giảm 2,47% so với cùng kỳ.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, 3 tháng đầu năm, ngành sản xuất ô tô của tỉnh giảm hơn 40%, sản xuất xe máy giảm trên 13%.

Đặc biệt, việc sản xuất, kinh doanh của hai doanh nghiệp đầu tàu, đóng góp chủ lực cho ngân sách tỉnh Vĩnh Phúc là Toyota Việt Nam và Honda Việt Nam gặp khó khăn đã tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh) và chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh này giảm lần lượt là 2,47% và 7,98% so với cùng kỳ năm 2022.

Vì sao GRDP của tỉnh Vĩnh Phúc giảm 2,47%? - 1

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành (Ảnh: Đ.H).

Vĩnh Phúc dẫn báo cáo của Công ty ô tô Toyota Việt Nam cho thấy, 3 tháng đầu năm nay lượng xe sản xuất trong nước của doanh nghiệp này giảm 2.810 xe, giảm 37% so với cùng kỳ năm 2022; doanh số xe sản xuất trong nước giảm 22% và lượng hàng tồn kho tăng 323%, tương đương tăng 1.747 xe.

Mặc dù Toyota Việt Nam đã tổ chức nhiều chương trình khuyến mại cho khách hàng mua xe nhưng sản lượng xe bán ra những tháng đầu năm vẫn thấp.

Tương tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty Honda Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn, sản lượng sản xuất và tiêu thụ đều sụt giảm. Trong đó, tháng 1, doanh nghiệp bán ra thị trường 1.494 ô tô, giảm 35,7% so với tháng 12/2022 và giảm 60,4% cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 2, lượng tiêu thụ chỉ đạt 1.385 chiếc, giảm 7,3% so với tháng 1 và giảm 24,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Trước đó, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố báo cáo cho thấy, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) so với cùng kỳ năm 2022 tăng ở 58 địa phương và giảm ở 5 địa phương: Quảng Ngãi (-1,07%), Vĩnh Phúc (-2,47%), Bà Rịa - Vũng Tàu (-4,75%), Quảng Nam (-10,88%), Bắc Ninh (-11,85%).

Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc phân tích, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh có quy mô công nghiệp lớn tại Việt Nam, do đó sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của tỉnh.

Việc giảm nhu cầu tiêu dùng và tăng lượng hàng tồn kho gây nên áp lực cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp. Đây là nguyên nhân chính gây ra sự suy giảm tăng trưởng kinh tế trong quý I của tỉnh Vĩnh Phúc.

Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc quý I ước giảm 2,47% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp, xây dựng giảm 6,69%, ngành nông nghiệp tăng 2,46%, riêng ngành dịch vụ duy trì được mức tăng 8,91 so với cùng kỳ năm 2022.

Vì sao GRDP của tỉnh Vĩnh Phúc giảm 2,47%? - 2

Việc sản xuất, kinh doanh của hai doanh nghiệp đầu tàu, đóng góp chủ lực cho ngân sách tỉnh Vĩnh Phúc là Toyota Việt Nam và Honda Việt Nam gặp khó khăn là nguyên nhân chính khiến GRDP của Vĩnh Phúc giảm 2,47% so với cùng kỳ 2022 (Ảnh: Vinhphuc.gov.vn).

Trước thực trạng đó, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành đã yêu cầu các cấp, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp và tháo gỡ các điểm nghẽn trong từng lĩnh vực để khơi thông nguồn lực cho phục hồi, phát triển kinh tế. Đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Ông Lê Duy Thành mới đây đã có buổi làm việc và yêu cầu phía Công ty Toyota Việt Nam có phân tích sâu, cụ thể hơn lộ trình đóng thuế tại thị trường một số nước trên thế giới; đưa ra giải pháp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, có văn bản đề xuất để tỉnh Vĩnh Phúc báo cáo Quốc hội, Chính phủ.

Ước tính tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc quý I đạt 9.258 tỷ đồng, bằng 28,6% dự toán năm 2023. Hầu hết các lĩnh vực, sắc thuế thu theo địa bàn đều tăng cao so với cùng kỳ năm trước, trong đó những lĩnh vực có số thu lớn là thu tiền sử dụng đất, thu từ doanh nghiệp FDI, thuế thu nhập cá nhân…