Một làng nghề ô nhiễm đáng báo động
(Dân trí) - Nhiều tháng nay, người dân làng Nha Xá, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên (Hà Nam) phải sống trong môi trường ô nhiễm nghiêm trọng. Dự án xử lý nước thải dù đã được tỉnh phê duyệt vẫn chưa thể thành hình vì còn nhiều vướng mắc.
Sinh bệnh vì nước thải
Đến làng Nha Xá vào những ngày này, không khí thật ngột ngạt vì ô nhiễm. Trên con đường dẫn vào làng, những rãnh nước tù đọng bốc mùi nồng nặc. Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện tại mức độ ô nhiễm tại thôn đã ở tình trạng báo động. Từ không khí đến nguồn nước đều ô nhiễm.
Những người dân ở đây cho biết, nhiều người trong thôn đã bị các bệnh ngoài da như ghẻ lở, nấm, bệnh về đường tiêu hoá và một số bệnh lý mãn tính. Nguy hiểm hơn, thời gian gần đây, số người chết vì ung thư tăng đột biến.
Ông Lê Quang Thoại, trưởng thôn Nha Xá cho biết, làng dệt Nha Xá có gần 300 hộ với hơn 900 nhân khẩu, với quy mô 500 khung dệt công suất đạt 900.000 - 1.000.000 mét lụa/năm. Thậm chí, có những gia đình có tới 2- 3 máy dệt trong nhà. Những gia đình này thường khép kín các công đoạn sản xuất từ mua nhiên liệu đến bán thành phẩm.
Chính sự phát triển nhanh chóng này đã khiến người dân Nha Xá “quên” hoặc cố tình lờ đi những tác hại môi trường, như là mặt trái của các làng nghề. Đa phần các hộ sản xuất đều vô tư thải nhiều chất độc hại ra môi trường.
Theo ông Lê Quang Thoại, các chất độc hại ở đây chủ yếu là do việc tẩy nhuộm lụa ở đây được tiến hành bằng công nghệ sản xuất thủ công, cũ kỹ, lạc hậu. Các hoá chất dùng để tẩy nhuộm là ôxi già, súp, bột tạp, nước gia ven và thuốc nhuộm các loại. Hầu hết các chất thải nguy hại này, sau khi sản xuất được đẩy thẳng ra môi trường, không qua xử lý. Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất, do dùng các loại hoá chất, thuốc nhuộm và than đá đã phát sinh nguồn khí thải phát tán trong không khí gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Nguồn thải ra ô nhiễm là vậy, nhưng khi được hỏi có nhận thức được tác hại của việc thải chất độc hại ra môi trường trong quá trình sản xuất hay không, một chủ cơ sở sản xuất vô tư cho biết: “Biết là ô nhiễm đấy, nhưng không làm thì lấy gì mà ăn. Hơn nữa mình không làm thì người khác cũng làm. Sống trong cảnh ô nhiễm nhiều rồi cũng quen”.
Chưa có trạm xử lý vì thiếu kinh phí
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Hoàng Bá Trình, Chủ tịch UBND Xã Mộc Nam, cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện nhiều biện pháp hạn chế ô nhiễm như: tuyên truyền về luật bảo vệ môi trường; cấm xả rác ra những nơi công cộng; đưa quy định bảo vệ môi trường thành một điểm trong hương ước của làng; đưa tiêu chuẩn vệ sinh môi trường là một tiêu trí đánh giá công nhận làng văn hoá. Nhưng nói là vậy, còn thực hiện còn nhiều khó khăn lắm”.
Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm tại làng nghề, ông Đỗ Quang Cừ, Giám đốc Sở TN&MT Hà Nam cho biết: “Tại các làng nghề, nhận thức của bà con nông dân còn nhiều hạn chế, trong khi đó người dân thiếu mặt bằng sản xuất. Đa phần xưởng sản xuất thường xen lẫn với khu dân cư. Ngoài ra, công nghệ sản xuất thô sơ, lạc hậu cũng là nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường”.
Trả lời câu hỏi: Tại sao tình trạng ô nhiễm đến nay chưa được giải quyết? Ông Cừ nhấn mạnh: “Các cấp chính quyền nơi đây còn chưa đến nơi đến chốn, chúng tôi đã đặt vấn đề với lãnh đạo địa phương trong việc xây dựng một dự án trong chương trình hợp tác Việt Nam - Đan Mạch, và tỉnh cũng đã bố trí một nguồn kinh phí để lập dự án. Nhưng đến 2 năm nay, dự án vẫn chưa lập xong”.
Ông Hoàng Bá Trình giải thích: “Muốn tiếp nhận được dự án phải có mặt bằng trong khi đó với nguồn kinh phí hạn hẹp, xã lấy đâu ra kinh phí để chi cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng”.
Trong khi Sở đổ tại xã, xã đổ tại kinh phí hạn hẹp, thì hàng ngày các hộ sản xuất kinh doanh nơi đây vẫn tiếp tục xả ra môi trường hàng ngàn lượng chất thải độc hại. Không biết đến khi nào, tỉnh Hà Nam mới tìm ra một phương án hữu hiệu nhất để vừa bảo tồn được làng nghề, vừa bảo vệ được môi trường?
Xem ra, mỗi người dân hãy tự cứu mình bằng ý thức bảo vệ môi trường, câu chuyện có lẽ sẽ đơn giản hơn nhiều.
Thái Bình