Cả làng sống nhờ rượu, bệnh vì rượu
(Dân trí) - Thôn Đại Lâm, xã Tam Đa, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) nhờ có nghề nấu rượu mà đời sống người dân khấm khá lên từng ngày. Nhưng cũng chính vì những lò sản xuất rượu mà sức khỏe người dân nơi đây đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Đại Lâm là thôn đông dân nhất xã với 1.038 hộ, trong đó 80% số hộ làm nghề nấu rượu. Đây là nghề truyền thống lâu đời của làng, mỗi ngày trung bình một hộ cho ra lò 120-200 lít rượu. Rượu của Đại Lâm xuất khẩu đi các tỉnh: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên và Hà Nội, không chỉ là rượu “quốc lủi” mà còn để các nhà máy đóng chai.
Kèm theo nghề nấu rượu là nghiệp chăn nuôi phát triển. Mỗi gia đình ở Đại Lâm nuôi từ 4-5 con lợn nên lượng chất thải ra hàng ngày rất lớn.
Mỗi ngày, Đại Lâm đón gần 10 chuyến xe tải loại 5 tấn vào chở rượu, chở phân đi bán. Trục đường chính của làng bị xe quần nát. Trời nắng bụi mù mịt, trời mưa dù rất nhỏ cũng phải đi ủng. Không khí ô nhiễm nặng vì mùi bã rượu quyện với mùi chất thải động vật. Nguồn nước của làng, theo người dân là cũng “có vấn đề”, dù chưa có một kết luận chính thức nào. Nhiều người phản ánh có nhà nước rất đen, khi đun lên có vị khó chịu.
Qua tìm hiểu được biết làng nghề này thải ra môi trường một lượng nước ngâm sắn rất lớn, bốc mùi thum thủm. Tất cả đổ trực tiếp ra ao tù khổng lồ bao quanh làng. Hàng chục tấn phân lợn mỗi ngày được tập kết ra nơi công cộng để chờ “xuất khẩu”, bán cho những người trồng vải thiều ở Lục Ngạn (Bắc Giang).
Khi đề cập đến vấn đề ô nhiễm, nét mặt Chủ tịch xã Hoàng Đắc Tư thoáng trầm ngâm: “Khoảng 7-8 năm gần đây, làng nghề phát triển rất mạnh. Kéo theo đó, ô nhiễm môi trường càng rõ rệt và nặng nề hơn”.
Hai năm trở lại đây, hàng chục thanh niên Đại Lâm làm đơn xin đi XKLĐ ở Malaysia. Nhưng cứ 10 người đi thì có 6 người bị trả về vì không đạt tiêu chuẩn sức khỏe, bị nhiễm vi rút viêm gan B. Số lượng người trong làng chết do ung thư là từ 3-5 người/năm và đang có chiều hướng ngày càng tăng thêm. Chủ tịch xã còn cho biết thêm: “Chúng tôi chưa thống kê chính xác nhưng số lượng bệnh nhân bị các bệnh da liễu, đau mắt hột, viêm họng rất đông”.
Được biết giữa năm 2005, Trung tâm nước sạch tỉnh Bắc Ninh đã lập dự án xây dựng hệ thống tiêu nước thải cho toàn huyện Yên Phong, với số vốn đầu tư hơn 7 tỷ đồng, trong đó có Đại Lâm. Theo đó, chủ đầu tư sẽ xây dựng hệ thống cống tiêu; các hộ gia đình tự xây bể bioga trong nhà để xử lý chất thải chăn nuôi.
Theo ông Hoàng Đắc Tư thì các bước khảo sát, thiết kế công trình đã được thực hiện. Dự kiến công trình hoàn thành sẽ góp phần cải thiện đáng kể môi trường hiện nay cho làng Đại Lâm nói riêng và xã Tam Đa nói chung. Đây là tín hiệu vui cho sự phát triển của làng nghề nấu rượu truyền thống này.
Thái Bình