1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hàng loạt trẻ em ở Ba Tơ (Quảng Ngãi) "mất tích":

Một kiểu tống tiền trá hình?

Thời gian gần đây, tại thị trấn Ba Tơ (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) đã xảy ra tình trạng nhiều trẻ em đột nhiên bỏ nhà ra đi. Công an thị trấn Ba Tơ đã vào cuộc và bước đầu nghi vấn đây là một hình thức tống tiền của những kẻ bất lương mang danh “người ơn nghĩa”.

Cùng một kịch bản

 

Ngày 19/3, bốn đứa trẻ sinh sống tại thị trấn Ba Tơ là Phạm Văn Vũ, Phạm Văn Sụt, Phạm Văn So và Phạm Văn Thâu đều trong độ tuổi 14 bỗng nhiên bỏ nhà ra đi mà “không một lời từ biệt” người thân. Gia đình các em hết sức hoang mang, lo sợ vì họ cho rằng con, cháu mình đã bị mất tích.

 

Giữa lúc đó, một người tự giới thiệu là chuyên “làm việc nghĩa” xuất hiện, chủ động gặp gỡ, đề nghị sẽ đưa những đứa trẻ “mất tích” về lại cho các gia đình. Người đàn ông này tên là Thuận, trạc 32 tuổi. Anh ta hứa hẹn sẽ đi tìm cho bằng được mấy đứa trẻ. Bù lại, các gia đình trên sẽ trả công cho Thuận 1,2 triệu đồng/trẻ (nhận trước 700.000 đồng; sau khi đưa trẻ về nhà sẽ lấy tiếp 500.000 đồng).

 

Quá lo lắng cho tính mạng của con cháu, những người nông dân nghèo khó đã bấm bụng vay mượn đủ số tiền mà Thuận yêu cầu.

 

Câu chuyện về bốn trẻ em nói trên còn đang nóng hổi thì tiếp đó, gia đình ông Phạm Văn Đôm (còn gọi Đôm B) hớt hải đến Công an thị trấn Ba Tơ trình báo con trai út của ông tên là Phạm Văn Sanh (cũng 14 tuổi, học sinh lớp 7) vừa bị “mất tích”. Một lần nữa, người đàn ông tên Thuận lại chủ động tìm đến nhà ông Đôm hỏi có nhu cầu tìm lại con không!

 

Do hoàn cảnh gia đình ông Đôm tương đối khá hơn nên giá cả tìm con cũng cao hơn nhiều: Thuận nhận trước 1,3 triệu đồng; sau khi đứa trẻ trở về nhà thì nhận tiếp 1,7 triệu đồng.

 

Lộ mặt kẻ chuyên “làm việc thiện”

 

Ngày 11/4, ông Đôm cùng một người quen tên là Sương đã khăn gói từ Quảng Ngãi vào TPHCM “chuộc” con, theo mệnh lệnh (qua điện thoại) của Thuận. Tại TPHCM, Thuận lên tiếng “kể khổ” là đã cất công lặn lội xuống tận Cần Thơ, Sóc Trăng rồi lên Sài Gòn... mới lần dò ra manh mối của em Sanh. Thuận bảo rằng hiện anh ta đã cạn tiền vì những chi phí cho các chuyến đi. Vì vậy, Thuận đề nghị ông Đôm đưa tiếp 1,7 triệu đồng.

 

Ông Đôm kể: “Thuận nói hắn biết cu Sanh con tui đang bán hủ tiếu gõ dạo ở Q.11, TPHCM nhưng cho là khó bắt được lắm. Phải chờ đến đêm khuya 12/4, Thuận sẽ nhờ một số giang hồ ở bến xe “phục kích” ngang đoạn đường Sanh bưng hủ tiếu rồi xông ra “cướp nóng” (!)”

 

Cảm thấy không ổn, ông Đôm chần chừ không giao tiền ngay cho Thuận mà hẹn lúc nào trực tiếp gặp mặt con mới đưa tiếp số còn lại. Lúc này, anh Sương -  hàng xóm của ông Đôm, vốn là một trẻ đánh giày trước đây từng nương ngụ trong Nhà mở Thảo Đàn (Q.3, TPHCM), đã đưa ông Đôm đến Thảo Đàn nhờ can thiệp. Tại đây, ông Đôm được giáo dục viên (GDV) Nhà mở Thảo Đàn đưa đến Công an P.26, Q.Bình Thạnh trình báo vụ việc.

 

Sáng 12/4, khi Thuận trở lại bến xe Miền Đông gặp ông Đôm để nhận nốt số tiền còn lại thì Công an P.26 đã kiên quyết đưa Thuận về trụ sở công an làm việc. Sau một hồi quanh co và cho rằng mình “làm ơn mắc oán”, cuối cùng Thuận đã phải khai ra chỗ ở của em Phạm Văn Sanh và người đang thuê Sanh bán hủ tiếu gõ trên địa bàn P.9, Q.11, TPHCM...

 

Đặc biệt, theo những người dân địa phương thị trấn Ba Tơ, chính Thuận cũng là người đã trực tiếp chở hai trong số bốn trẻ nói trên ra bến xe trước khi các em này vào Nam... 

 

Tường trình của trẻ bị “mất tích” và những nghi vấn

 

Từ lời đề nghị của ông Đôm và GDV Nhà mở Thảo Đàn, Công an P.9, Q.11 đã mời ông Phạm Sinh Lâm (quê ở huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, hiện tạm trú trên địa bàn P.9) - người thuê em Sanh bán hủ tiếu gõ lên làm việc. Tại trụ sở công an, ông Lâm cho rằng Sanh tự nguyện điện thoại cho ông ta và xin một chân bán hủ tiếu gõ với mức lương 300.000 đồng/tháng. Công an P.9 đã cảnh cáo ông Lâm về vấn đề tiếp nhận trẻ dưới 16 tuổi làm việc mà không thông qua gia đình các em đồng thời buộc ông Lâm phải thanh toán tiền công gần một tháng qua cho Sanh...

 

Trong khi đó, Sanh kể cho chúng tôi về quá trình bỏ nhà đi của em như sau: Giữa tháng 3/2006, một số thanh niên lêu lổng trong thị trấn Ba Tơ rủ rê Sanh vào Sài Gòn làm việc cho một người giàu có tên Lâm.

 

Họ cho biết người nhà ông Lâm đã tìm đến đây và để lại điện thoại liên lạc. Trước viễn cảnh sung sướng, Sanh đã gọi điện cho người thân của ông Lâm và được hướng dẫn đến Đức Phổ (Quảng Ngãi) ở qua đêm. Hôm sau, người nhà ông Lâm đã đưa Sanh vào TPHCM.

 

Từ đó, Sanh phải đi gõ hủ tiếu dạo suốt từ 14 giờ cho đến tận đêm khuya. Chịu không nổi, chỉ sau 2 ngày, Sanh và một “đồng nghiệp” mới quen đã rủ nhau bỏ trốn về nhà. Nhưng vừa mới tới bến xe miền Đông, hai em này đã bị một số xe ôm tự xưng là... công an (?!) bắt lại, theo sự  điều khiển của ông Lâm...

 

Trước đó, trong nhóm bốn trẻ em ở thị trấn Ba Tơ bị dụ dỗ, rủ rê vào TPHCM theo hình thức tương tự, em Phạm Văn Sụt (14 tuổi) đã chạy trốn khỏi nhóm này và đến lánh tạm tại UBND P.7, Q.3. Ngày 24/3, UBND P.7 đã đưa Sụt đến trú tạm tại Nhà mở Thảo Đàn.

 

Đến ngày 31/3, Thảo Đàn đã liên lạc được với gia đình của Sụt và hỗ trợ tiền bạc cho Sụt trở về với gia đình. Trong khi đó, gia đình ba em khác là Vũ, So, Thâu đã phải trả cho Thuận tổng cộng 3,6 triệu đồng.

 

Đối với trường hợp em Sanh, mặc dù ông Đôm vào tận TPHCM đưa về nhưng sau đó Thuận vẫn đến nhà ông lấy tiếp 1,7 triệu đồng, đúng như “thỏa thuận” ban đầu!

 

Ngày 25/4, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Lập - Trưởng công an thị trấn Ba Tơ - nhận định đây là những vụ việc “rất không bình thường”. Ông Lập nói: “Theo phán đoán của chúng tôi, có thể đây là một hình thức bắt cóc tống tiền kiểu mới và dàn cảnh rất tinh vi. Cả 5 đứa trẻ bỏ nhà đi gần đây nhất đều nằm trong một tình huống na ná và đều ở trong lứa tuổi, trình độ dễ bị lợi dụng. Đến khi các gia đình hoảng hốt vì mất con thì Thuận lại chủ động xuất hiện dưới danh nghĩa là ân nhân.

 

Thực chất, Thuận biết rõ nơi nào, người nào đang giữ những trẻ em này song giả bộ quanh co để làm tiền. Tinh vi hơn, qua ông Đôm, Thuận còn đề nghị chính quyền thị trấn Ba Tơ cấp “giấy đi đường” cho Thuận, nhưng chúng tôi đủ tỉnh táo để không rơi vào cái bẫy đó... Hiện nay, chúng tôi đã gửi hồ sơ lên Công an huyện Ba Tơ giải quyết”.

 

Được biết thời gian gần đây, có đến 33 học sinh Trường THCS Ba Tơ đột nhiên bỏ học và bỏ nhà ra đi, trong đó đa số là học sinh lớp 7. Bao giờ những gia đình nghèo khó vùng miền núi Ba Tơ này thôi nơm nớp lo sợ con mình bị “mất tích”? Câu trả lời từ chính việc đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục của các ban ngành hữu quan và bài học cảnh giác của mỗi người dân địa phương.

 

Theo Như Lịch

Thanh Niên