Thanh Hóa:
Một học sinh lớp 12 bị bắt khẩn cấp: Ngành Giáo dục nói gì?
(Dân trí) - “Các cơ quan chức năng làm việc như thế nào là vấn đề chuyên môn của họ, ngành Giáo dục muốn can thiệp cũng khó. Chúng tôi cũng đồng tình với việc đi đến tận cùng của sự đúng sai...”.
Đó là ý kiến của ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, về vụ việc một học sinh lớp 12 trường PTTH Vĩnh Lộc (huyện Vĩnh Lộc) bị bắt khẩn cấp vì có liên quan đến vụ trộm 33 chiếc điện thoại di động trường này thu giữ của học sinh.
Trao đổi với Dân trí, ông Lê Xuân Đồng cho biết: “Chủ trương bằng văn bản về việc thu giữ điện thoại của học sinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Cụ thể vấn đề này cần có sự phối kết hợp giữa nhà trường và phụ huynh. Nếu như nhà trường chưa làm được việc đó thì là sai. Còn nếu trước một thực trạng như vậy mà nhà trường và phụ huynh đã bàn bạc, thống nhất với nhau thì theo tôi là nên ủng hộ. Bởi vì đây là môi trường giáo dục chứ không phải nơi sinh hoạt tập thể nên cần giữ được sự yên tĩnh nhất định cho việc dạy và học. Hơn nữa tình trạng học sinh mang điện thoại đến trường sẽ dễ dẫn đến hội chứng xấu như quay video clip bậy bạ rồi tung lên mạng rất nguy hiểm. Tuy nhiên dù nhiều hay ít thì đây cũng là tài sản của học sinh nên nếu nhà trường nói thu giữ là không đúng, mà có chăng là tạm giữ đến cuối buổi rồi trả lại cho học sinh”.
Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, ông Lê Xuân Đồng
Về việc học sinh Ngô Ngọc Linh bị bắt khẩn cấp vì bị tình nghi là có liên quan đến vụ trộm 33 chiếc điện thoại di động mà nhà trường đã thu giữ của học sinh (số điện thoại này sau đó đã được trả lại), ông Đồng nêu quan điểm: “Các cơ quan chức năng làm việc như thế nào là vấn đề chuyên môn của họ, ngành Giáo dục muốn can thiệp cũng khó. Chúng tôi cũng đồng tình với việc đi đến tận cùng của sự đúng sai. Đáng tiếc là trường hợp học sinh này, học đến lớp 12 rồi mà để xảy ra việc này. Nếu đúng như vậy thì quả thực đã hết cơ hội. Bản thân tôi không trực tiếp chứng kiến vụ việc cũng như phía nhà trường chưa có báo cáo cụ thể nên chưa nắm bắt cụ thể được. Còn việc bắt giữ học sinh thì cơ quan Công an và VKSND làm việc theo chức năng nhiệm vụ”.
Ông Đồng cũng cho biết thêm: “Việc thi cử của học sinh này nếu trong trường hợp Tòa án chưa kết luận, tội danh của em này chưa thành án và Hội đồng kỷ luật nhà trường họp chưa xét hạnh kiểm đến mức kém thì học sinh này vẫn được tham dự thi tốt nghiệp bình thường. Đến thời điểm này cũng chưa thể kết luận là em này có được thi hay không”.
Về vấn đề thu giữ điện thoại của học sinh trong thời gian qua, mới đây PTTH Vĩnh Lộc mới có báo cáo gửi lãnh đạo Sở GD&ĐT Thanh Hóa, theo đó nhà trường đề cập đến việc sẽ tạm giữ điện thoại di động, máy nghe nhạc, máy nhắn tin của học sinh đem đến trường, sử dụng trong các giờ học chính, đến hết năm học 2010 - 2011.
Luật sư Vũ Hoàng Tuấn, Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Chính Nghĩa, Đoàn luật sư Thanh Hóa: Theo chính sách hình sự của Việt Nam, đối với vị thành niên (học sinh Ngô Ngọc Linh sinh ngày 17/8/1993- PV) nếu vi phạm đặc biệt nghiêm trọng mới bắt giam. Trường hợp này không nên bắt khẩn cấp vì vụ án đã xảy ra rồi và tài sản đã được trả lại. Cơ quan tiến hành tố tụng chưa đến mức phải bắt tạm giam. Vì đối tượng đang là học sinh cuối cấp, phạm tội ít nghiêm trọng thì việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt giam 3 tháng là cần phải được thay đổi. Vì theo Khoản 1, 2, 3; Điều 69, Bộ Luật hình sự về Nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội quy định: 1. Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Trong mọi trường hợp điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội của người chưa thành niên, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải xác định khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm. 2. Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục. 3. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ được thực hiện chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, vào những đặc điểm về nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm. Trong vụ việc này, phía nhà trường có báo cáo mất thêm 2 máy tính Casio nhưng trên thực tế là không mất. Hơn nữa, nhà trường không lập biên bản thu giữ điện thoại là mang tội cưỡng đoạt tài sản của công dân. Vì thu giữ tài sản là phải lập biên bản và phải xử lý. |
Duy Tuyên