1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Một hành trình không đơn độc

Ngày nạn nhân chất độc da cam 10/8 hằng năm đã trở thành ngày nhắc nhở nhân dân VN và cả thế giới rằng: nơi đây, 3 triệu con người nhiễm chất độc da cam đang sống trong bệnh tật, đau đớn và tiếp tục chiến đấu với những hoàn cảnh nghiệt ngã.

Hôm dự đám cưới Thanh Tuyền - Nguyễn Đức (cặp song sinh dính liền Việt - Đức), tôi thấy ông Len Aldis - thư ký Hội Hữu nghị Anh - Việt, một người khá nổi tiếng trong việc sáng lập phong trào ký tên đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) VN với hơn 700.000 lượt chữ ký trên trang web www.petition.com - nắm tay chúc phúc cho cặp vợ chồng này thật lâu. Trong lần trả lời phỏng vấn gần đây nhất, ông tâm sự: “Cũng như tôi, nếu ai đã một lần đến thăm các NNCĐDC chắc chắn sẽ không cầm được nước mắt và chỉ muốn làm cho họ một việc gì đó”.

 

Ảnh thay mọi lời

 

Cuối tháng tám này, bác sĩ Phượng lại cùng đoàn bác sĩ trẻ lên đường đi Sa Thầy (Kontum) khám sức khỏe cho bà con nghèo ở năm xã vùng sâu là nơi từng bị rải CĐDC. Ở tuổi trên 60 với công việc chất chồng “xoay” không xuể, bà vẫn dành thời gian để đến với họ - như một duyên nợ đã gắn với bà khi còn rất trẻ.

Một lần, tình cờ tôi gặp nhà nhiếp ảnh Philip Jones Griffiths (quốc tịch Anh, sống tại Mỹ) đi cùng bà Masako Sakata (nhà báo người Nhật) tìm đến Bệnh viện Từ Dũ để ghi nhận hình ảnh những đứa trẻ NNCĐDC đang được nuôi dưỡng tại làng Hòa Bình. Với hai chiếc máy ảnh chuyên nghiệp, ông ghi lại hình ảnh đau lòng để có dịp giới thiệu cùng bạn bè thế giới. Nhưng rồi, ông ngẩn người không chụp nữa, thẫn thờ nhìn cậu bé khoảng 3 tuổi, chân tay nõn nà, mặt trắng trẻo nhưng hai mắt chỉ là hai mảnh da che kín mít.

 

Ông cho biết: “Những năm 1966 - 1967 có thông tin từ Hà Nội - như một lời đồn - rằng Mỹ rải chất độc hóa học ở miền Trung và miền Nam VN, cho nên có những đứa trẻ ra đời là quái thai, không có mắt... Tôi quyết tâm đi tìm sự thật và viết một quyển sách về VN với tựa đề VN Inc., xuất bản năm 1971 tại Mỹ. Quyển sách ra đời, tổng thống Thiệu đuổi tôi ra khỏi VN...”.

 

Năm 1980, ông mới có dịp trở lại VN, lại lặn lội khắp các vùng bị rải chất độc da cam để ghi lại hình ảnh cuộc sống của những nạn nhân...

 

Nhưng thật bất ngờ, trước mắt ông bây giờ - 40 năm sau - hiển hiện một trẻ không có mắt! Qua ống kính đặc tả của Griffiths trong tập sách ảnh tựa đề Agent orange “collateral damage” in Vietnam dày 178 trang, những sinh linh bé bỏng chưa kịp chào đời với mặt mũi dị dạng ngâm trong formol đã gây xúc động tại nhiều quốc gia Anh, Pháp, Mỹ...

 

Từ 1980 đến nay đã hơn 20 lần đến VN, với ông, mỗi chuyến đi là một cuộc trở về.

 

Tìm chứng lý cho VN

 

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng - phó chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin VN, nguyên giám đốc BV Từ Dũ - kể: “Nhiều người đến với VN bằng một tình cảm rất lạ. Hôm tôi đi họp về đến sân bay, có một bác sĩ nói tên Nhu đã giới thiệu một tiến sĩ địa chất người Nhật, tên Nobuhiro Sawano. Vị tiến sĩ này tự lấy bản đồ Herbs map và các ảnh vệ tinh VN chồng lên nhau để đối chiếu và đưa đến kết luận là sau ngần ấy năm, rừng ở VN bị phá hủy hồi chiến tranh - các chỗ bị rải dioxin vẫn chưa có cây cối mọc trở lại.

 

Sau này tôi có dịp gặp Nobuhiro Sawano, đó là một tiến sĩ khoảng 40 tuổi, tự một mình làm, tự bỏ tiền túi sang VN tìm lại những chỗ đã vẽ trên bản đồ để cung cấp cho VN đi kiện các công ty hóa chất Mỹ”.

 

Herbs map được GS Hoàng Trọng Quỳnh và GS Lê Cao Đài vẽ lại từ Herbs Tape, miêu tả các vùng bị rải chất độc da cam, do GS Pfeiffer, Hoa Kỳ, cung cấp năm 1983 khi sang dự hội nghị chất diệt cỏ làm trụi lá ở VN. GS Pfeiffer về Mỹ sau đó bị đuổi việc.

 

GS James Dwyer - là một GS trẻ, dạy về thống kê xác suất ở Đại học Columbia, New York - khi sang Bệnh viện Việt Đức làm việc có đến thăm Bệnh viện Từ Dũ, dạy phương pháp nghiên cứu trong y khoa, rồi vấn đề thống kê xác suất, hướng dẫn phân tích sao cho số liệu thuyết phục hơn, sống động hơn... GS James Dwyer về nước cũng bị đuổi việc, phải sang Đức sống năm năm, sau đó trở về Mỹ cũng không thể tiếp tục công việc.

 

Khóc và tặng thơ

 

Với nhiều người Nhật, trái tim của họ đã dành cho VN từ lâu. Bác sĩ Phượng còn nhớ năm 1988 sang Nhật để đề nghị Hội Chữ thập đỏ Nhật hỗ trợ ca mổ Việt - Đức. Ông Konoe - phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Nhật - mời cơm và kể lại mẩu chuyện cảm động: “Hôm qua khi làm việc xong tôi trở về phòng thì có một thanh niên mặc áo trắng gõ cửa rồi chạy ào vào, quì xuống đất, anh ấy xin hãy giúp VN có đầy đủ máy móc, y cụ để mổ cho hai cháu Việt - Đức, vì các cháu cũng giống như gia đình anh bị hậu quả trong bom nguyên tử của Mỹ.

 

Anh đứng cả ngày với bảng biểu ngữ chỉ một yêu cầu đó thôi. Vì anh chỉ là một thầy giáo nghèo không thể giúp nhưng anh biết Hội Chữ thập đỏ Nhật có khả năng. Nói xong anh khóc và xin gửi tặng một tập thơ”. Ông Konoe kể xong, mọi người ai cũng mắt đỏ hoe...

 

Đôi mắt em luôn có hai dòng nước

 

Bạn đọc hẳn còn nhớ hình ảnh một người đàn ông Nhật với 600 chữ ký thu thập từ khắp hang cùng ngõ hẻm của TPHCM ủng hộ chương trình “Ký tên vì công lý” cách đây ba năm.

 

Trở lại VN lần này, Murayama Yasufumi hoàn thành tâm nguyện mở một cuộc triển lãm ảnh về nạn nhân dioxin. 49 tấm hình trong 23 lần ghé thăm VN mà ông gửi sang đã được chọn trưng bày tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TPHCM từ ngày 27/7 đến 10/8/2007.

 

Mỗi bức hình Yasufumi chụp, ông đều nhớ rõ từng nhân vật, hoàn cảnh và cả tình trạng hiện nay của mỗi người. Yasufumi xúc động chỉ vào tấm ảnh một em bé đầu nhô ra, hai con ngươi lồi to ra khỏi tròng mắt: “Đôi mắt này luôn thường trực hai dòng nước, nỗi đau của em biểu đạt cả ra ngoài khuôn mặt dị dạng. Tôi đã mất ngủ nhiều đêm sau khi gặp em, bây giờ thì em đã ra đi rồi. Nhưng còn bao nhiêu người nữa vẫn đang chịu những nỗi đau như em từng chịu!”.

 

Yasufumi đi khắp đất nước VN, qua những nơi từng diễn ra cuộc chiến giữ nước khốc liệt của “dân tộc anh hùng” (chữ của Yasufumi). “Chiến tranh qua lâu rồi mà nỗi đau còn kéo dài quá. Ở Nhật sau hai cuộc thả bom nguyên tử, đến nay thế hệ thứ ba, thứ tư người Nhật vẫn chịu những nỗi đau giống ở VN. Tôi yêu đất nước các bạn như chính tổ quốc mình. Nỗi đau của các bạn cũng là nỗi đau chung. Tôi muốn góp thêm tiếng nói cho công lý, công lý thật sự”.

 

Trở về Nhật, ông tìm mọi cách vận động quyên góp cho quĩ giúp đỡ trẻ em nạn nhân dioxin của VN.

 

Hàng ngàn nạn nhân thiệt mạng mỗi ngày!

 

Tổ chức Chiến dịch trách nhiệm và hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam VN (VAORRC - trụ sở tại New York, Mỹ) trong thông cáo báo chí nhân Ngày nạn nhân chất độc da cam quốc tế 10/8, cho biết trong vòng một năm kể từ ngày 10/8 năm ngoái, hàng nghìn nạn nhân chất độc da cam đã thiệt mạng hằng ngày.

 

Trong số những người qua đời mới đây vì ung thư và những căn bệnh liên quan đến chất độc da cam có ba thành viên có mối liên hệ chặt chẽ với VAORRC là anh Nguyễn Văn Quý, chị Nguyễn Thị Hồng (hai nạn nhân chất độc da cam VN tham gia phiên điều trần tại tòa phúc thẩm New York), và bà Joan Duffy, cựu chiến binh không lực Mỹ, bị nhiễm chất độc da cam khi làm y tá trong chiến tranh VN.

 

Theo VAORRC, số phận của anh Quý, chị Hồng và bà Duffy cho thấy hàng triệu người nhiễm chất độc da cam và cả gia đình họ đã không còn nhiều thời gian. VAORRC khẳng định chính phủ Mỹ và các công ty sản xuất hóa chất Mỹ phải chịu trách nhiệm trước những bi kịch này. VAORRC kêu gọi chính quyền Washington, các công ty Dow, Monsanto và các nhà sản xuất hóa chất Mỹ ngay lập tức bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam VN để hàn gắn vết thương chiến tranh.

 

Theo Hiếu Trung - Thanh Thanh

Tuổi Trẻ