1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Một giáo viên 15 năm vay tên, mượn bằng

Đã 15 năm nay, cô Nguyễn Thị Mận (ở Nghi Đức, Nghi Lộc, Nghệ An) ung dung đứng trên bục giảng với cái tên Nguyễn Thị Liễu. Thông tin cô Mận mượn tên, bằng THPT của người em họ tên Liễu để đi học sư phạm đã bị phát giác từ lâu nhưng không thấy bị xử lý.

“Hồn Trương Ba, da hàng thịt”

 

Chuyện xảy ra từ 15 năm trước. Ở xóm Xuân Trung, xã Nghi Đức, Nghi Lộc có hai anh em tên là Nguyễn Văn Long và Nguyễn Văn Tùng đều sinh rất nhiều con. Người em Nguyễn Văn Tùng chỉ có một cô con gái út duy nhất tên là Nguyễn Thị Liễu (SN 1967), được cha mẹ cho học hết bậc THPT và theo học ngành y, hiện là Phó trạm trưởng Trạm Y tế xã Nghi Ân, huyện Nghi Lộc.

 

Người anh Nguyễn Văn Long có 9 người con, trong đó cô Nguyễn Thị Mận là con thứ 6, sinh năm 1971, học hết THCS thì nghỉ học một thời gian, sau đó học bổ túc văn hóa.

 

Năm 1992, cô Mận thi vào Trường Trung học Sư phạm miền xuôi Nghệ An, hệ 10+2 với một tên tuổi hoàn toàn mới: Nguyễn Thị Liễu, sinh ngày 5/11/1967.

 

Năm 1994, với cái tên Liễu này, Mận tốt nghiệp sư phạm và được nhận về giảng dạy tại Trường Tiểu học Phúc Thọ. Một thời gian sau, có đơn tố giác cô Liễu này là... giả. Mọi chuyện bắt đầu rối rắm.

 

Năm 2000, cô Liễu giả được chuyển về dạy tại Trường Tiểu học Nghi Thái. Tại đây, cô tiếp tục hoàn thành nốt chương trình đào tạo tại chức Cao đẳng Sư phạm vào năm 2006, được coi là đạt chuẩn giáo viên theo quy định.

 

Ban Công an xã Nghi Đức khẳng định: Cô Nguyễn Thị Mận con gái ông Nguyễn Văn Long hiện đang cư trú ở xóm Xuân Trung. Cô Mận là giáo viên, chồng là cán bộ xã Nghi Thái. Còn chị Nguyễn Thị Liễu, con gái ông Nguyễn Văn Tùng lấy chồng về xã Nghi Ân, hiện là Phó trạm trưởng Trạm Y tế Nghi Ân chứ không đi dạy học. Sự tráo tên này không hiểu do đâu.

 

Lần đầu đến Trạm Y tế xã Nghi Ân, chúng tôi không gặp được cô Liễu vì bà trạm trưởng Phan Thị Mỹ ngăn cản thẳng thừng: “Tôi là thủ trưởng cơ quan, tôi không cho cô Liễu làm việc với anh. Tôi chịu trách nhiệm...”.

 

Lần thứ hai, cô Liễu đồng ý gặp chúng tôi sau khi biết chúng tôi đã làm việc với UBND huyện Nghi Lộc và Chủ tịch UBND xã Nghi Ân.

 

Chỉ tại... ông thầy bói!

 

Cô Nguyễn Thị Liễu tỏ ra hết sức thành thật khi kể về lai lịch của mình. Cô Liễu xác nhận: “Tôi có cho chị Mận mượn bằng cấp III và hồ sơ để thi vào sư phạm. Hồi đó còn nhỏ dại, chị em đều không nghĩ rằng làm thế là sai...”.

 

Nguyên nhân của việc này, theo cô Liễu là... tại ông thầy bói (?!): “Khoảng năm 1992, chị Mận nói với tôi vừa đi xem bói về. Thầy phán, phải thay tên đổi họ, phải lấy tên của người trong nội tộc thì mới bảo toàn được tính mạng và có cơ phát tài đường công danh sau này. Nghe chị nói thế thương quá nên cho chị mượn bằng, mượn hồ sơ. Kể từ đó, chị Mận cùng mang tên Nguyễn Thị Liễu cho đến hôm nay”.

 

Chúng tôi trở lại Trường Tiểu học Nghi Thái, Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: “Cô Nguyễn Thị Liễu có hai bằng tốt nghiệp sư phạm. Một bằng hệ 10 + 2 năm 1994, một bằng chuyên tu cao đẳng năm 2006. Cô Liễu trước đây dạy ở Trường Phúc Thọ, năm 2000 mới chuyển về Trường Nghi Thái. Việc mượn bằng, thay tên của cô Liễu chúng tôi hoàn toàn không biết, chỉ mới nghe loáng thoáng trong thời gian gần đây”.

 

Chúng tôi cũng gặp được cô Liễu giả, cô này chủ động: “Tên thật của tôi là Nguyễn Thị Mận, sinh ngày 17/2/1971. Sau khi học xong cấp II, tôi có theo học Bổ túc văn hoá và tốt nghiệp năm 1988. Lớp chúng tôi hồi đó có 57 người nhưng chỉ có 5 người đậu tốt nghiệp, trong đó có tôi. Sau khi có đơn nặc danh tố cáo tôi về bằng cấp, tôi có đến Sở Giáo dục - Đào tạo nhận bằng Bổ túc văn hoá, thì họ trả lời thầy Hiệu trưởng cũ đã nhận rồi nên chỉ cấp cho giấy xác nhận. Việc tôi mượn bằng cấp III của em họ Nguyễn Thị Liễu và đổi tên thành Nguyễn Thị Liễu là có thật. Ngày đó đang còn dại, đi nghe lời thầy bói...”.

 

Cũng như cô em Nguyễn Thị Liễu, cô Mận cũng bắt đầu kể một thôi về chuyện thầy bói phán thế nào.

 

Sự việc vậy là đã rõ: việc mượn tên, mượn bằng của cô giáo Nguyễn Thị Mận 15 năm qua là có thật. Không rõ thái độ xử lý của ngành Giáo dục Nghệ An thế nào. Cô Mận là em ruột của đương kim Trưởng phòng Giáo dục huyện Nghi Lộc.

 

Theo Việt Thắng - Chí Long

Công An Nhân Dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm