1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Một đời mê đắm tiếng chiêng Tây Nguyên

(Dân trí) - Người dân buôn Ea Bông, xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk không ai không biết già làng Ama H Điêu - người nức tiếng trong vùng bởi tài nghệ chỉnh chiêng. Người dân nơi đây gọi già là người giữ hồn chiêng cho buôn làng Tây Nguyên.

Trước mặt chúng tôi là một cụ già người Ê đê với mái tóc muối tiêu, nước da đen cháy. Già cẩn thận để chiếc chiêng về trước bụng, khéo léo dựng đứng chiếc chiêng lên, dùng búa sắt nhỏ gõ nhẹ mấy cái rồi đánh thử, tiếng chiêng phát ra trầm ấm du dương.

Rồi cũng bằng bàn tay khéo léo của mình, già úp chiêng xuống gõ vào chỗ đã đánh dấu bằng nước bọt rồi đánh lại, tiếng chiêng bay bổng, rầm rập như mưa đá, khiến những người thưởng thức như đang lạc vào một thế giới âm thanh với những giai điệu ấm áp du dưỡng giữa buôn làng Tây Nguyên.

“Nắn giọng” cho chiêng

Theo già làng Ama H Điêu, với những chiếc chiêng cũ, đánh nhiều âm sẽ không chuẩn, không còn cái hồn của nó. Kể cả những chiếc chiêng mới cũng cần phải chỉnh lại thì tiếng mới "ưng cái bụng" người chơi chiêng.

Tùy loại chiêng và cái bệnh của nó mà người chỉnh chiêng cần dùng những dụng cụ khác nhau để “nắn giọng”. Tuy nhiên với già H Điêu chỉ cần đôi tay điêu luyện và một cái búa nhỏ làm bằng sắt là đủ.

Một đời mê đắm tiếng chiêng Tây Nguyên - 1

Già H Điêu cả đời gắn bó với cồng chiêng

Trong ngôi nhà dài truyền thống của người Ê đê, già Ama H Điêu như nhập hồn mình vào chiếc chiêng cũ âm không còn chuẩn. Già giơ chiếc chiêng lên sát tai vừa đánh vừa nghe thử để “bắt bệnh” của chiếc chiêng. Sau khi chẩn đoán đúng bệnh của chiêng, già đặt đứng chiếc chuông gõ khắp một lượt chỗ mạnh chỗ nhẹ. Nghe lại một lượt thấy chưa hài lòng, già lại dùng búa gõ vào một số chỗ dày, mỏng trên mặt chiêng. Lần này thì tiếng chiêng nghe rất chuẩn và có hồn.

Già H Điêu chia sẻ: “Tiếng chiêng mà không chuẩn thì coi như vứt đi. Chiêng phải vang lên âm thanh của Giàng, của núi sông, khát vọng. Đó là hồn của chiêng. Nghệ nhân chỉnh chiêng là những người trả lại hồn cho chiêng”.

Theo già thì chỉnh chiêng rất khó, không có tay nghề, chiêng sẽ không thể chơi được, thậm chí là bị bể. Vì thế nhiều người không giám chỉnh chiêng vì sợ làm hỏng phải đền chiêng bằng mấy con trâu hoặc cả chục con bò. Già H Điêu chỉ bó tay với những chiếc chiêng bị bể không thể đánh được. Có những cái bị vùi dưới đất, may mắn còn nguyên vẹn, già vẫn có thể chỉnh được và trả lại hồn cho chiếc chiêng tưởng như đã vô dụng.

Một đời mê đắm tiếng chiêng Tây Nguyên - 2

Nhiều chiếc chiêng được trả lại "giọng chuẩn" dưới bàn tay của nghệ nhân H Điêu

Kinh nghiệm chỉnh chiêng của già H Điêu là lúc chỉnh phải úp xuống hoặc dựng đứng lên, nếu để ngược lại, chiêng bị đè, tiếng dễ bị méo. Trong các loại chiêng thì chiêng Lào là khó chỉnh nhất vì nó dày và cứng. Người nghệ nhân phải có kinh nghiệm để gò lại biết chỗ nào dày, chỗ nào mỏng quá rồi mới chỉnh. Với già Ama H Điêu thì chỉnh xong một bộ chiêng là giữ lại hồn cho chiêng, cho buôn làng, cho Tây Nguyên.

Trăn trở cho tiếng chiêng của buôn làng Tây Nguyên

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tây Nguyên, ngay từ khi mới lọt lòng mẹ, già H Điêu đã được sống trong tiếng cồng chiêng giữa buôn làng Tây Nguyên. Năm nay đã gần bảy mươi tuổi, cũng chừng ấy năm già được nghe, được biết về thứ âm thanh của dân tộc mình.

Những âm vang của tiếng chiêng đã ăn sâu vào máu của người nghệ nhân. Một cách tự nhiên già biết chơi chiêng, chỉnh chiêng và cả đời đau đáu với tiếng chiêng của người Ê đê. Già thấy buồn khi nghe những tiếng chiêng nhạt nhẽo vô hồn và trước đây có thời gian người ta bán chiêng như bán đồng nát.

Từ đó, già luôn day dứt phải chỉnh chiêng để trả lại cái hồn cho tiếng chiêng của người Ê đê. Đến bây giờ, già cũng không nhớ nổi mình đã chỉnh bao nhiêu bộ chiêng. Chỉ biết rằng già đã hiểu và mê đắm tiếng chiêng từ khi còn là một chàng trai trẻ. Ban đầu, già chỉnh chiêng trong nhà, trong buôn. Rồi tài nắn giọng cho chiêng của già vang khắp núi rừng Tây Nguyên, ở đâu có chiêng cũ lạc giọng là người ta lại tìm đến già.

Một đời mê đắm tiếng chiêng Tây Nguyên - 3

Già H Điêu đang chỉnh lại âm thanh cho chiêng

Chỉnh chiêng phải thực hiện trong nhà dài. Ở đó nghệ nhân mới cảm thấy linh thiêng, tay mới chắc, tai mới tỏ. Và người chỉnh chiêng phải biết nghe và hiểu tiếng chiêng. Già H Điêu vừa lấy khăn sạch lau xong chiếc núm chiêng vừa chia sẻ: “Không phải ai biết chơi chiêng cũng biết cách chỉnh. Người chỉnh chiêng trước hết phải biết nghe chiêng, phải có cái tai thính thiên bẩm để biết chỗ âm cao, thấp thế nào mà chỉnh cho chuẩn”.

Không chỉ hiểu và chỉnh chiêng được chiêng của người Ê đê mà già Ama H Điêu còn rành rẽ cả tiếng chiêng của người Ba Na, Gia Rai, Cơ Ho anh em. Nhưng điều khiến già buồn nhất là hiện nay chẳng còn mấy người chỉnh chiêng một cách chuẩn xác. Già cho biết ở Đắk Lắk chỉ còn già Y Lon Niêr ở buôn Kô Siê chỉnh tốt.

Điều khiến già trăn trở là khi không còn những người nghệ nhân như già thì tiếng cồng chiêng của người Tây Nguyên sẽ mất đi cái hồn của nó.

Bên bức tượng nhà mồ trước ngôi nhà dài, già Ama H Điêu nhìn về khoảng không xa xăm như muốn gửi gắm một nỗi niềm đau đáu: “Nhiều thanh niên bây giờ không còn mê chiêng nữa. Mong rằng bọn trẻ sẽ giữ được tiếng chiêng lại với người Tây Nguyên”.

Minh Thông - Lâm Viên