DMagazine

Một đêm dỡ 130 căn nhà, hiến cả quan tài lát đường cho xe vào chiến trường

(Dân trí) - Trong một đêm của năm 1968, người dân tại ngôi làng ở Hà Tĩnh đồng lòng tháo dỡ 130 căn nhà, 4 nhà thờ họ, hiến cả cỗ quan tài để lát đường cho xe vào chiến trường.

Một đêm dỡ 130 căn nhà lát đường cho xe vào chiến trường

Trong một đêm của năm 1968, người dân tại ngôi làng ở Hà Tĩnh đồng lòng tháo dỡ 130 căn nhà, 4 nhà thờ họ, hiến cả cỗ quan tài để lát đường cho xe vào chiến trường. Vùng đất đó giờ đây được đặt tên rất đặc biệt - làng K130, nay là khu phố K130, thuộc thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Địa danh này nằm cạnh quốc lộ 1A, cách trung tâm thành phố Hà Tĩnh khoảng 15km.

Một đêm dỡ 130 căn nhà, hiến cả quan tài lát đường cho xe vào chiến trường - 1

54 năm trôi qua, nhân chứng của những tháng ngày lịch sử xưa còn rất ít. Ông Trần Đình Trọng (88 tuổi) là người hiếm có, nay còn khỏe mạnh, minh mẫn. Ông Trọng cũng là nguyên Chủ tịch Ủy ban hành chính xã Tiến Lộc cũ - người có vai trò rất đặc biệt trong sự kiện năm đó.

Tuy tai nghe không rõ, những bước chân đã chậm chạp vì tuổi tác nhưng ông vẫn không quên chi tiết nào khi kể về những ngày tháng lịch sử hào hùng đó.

Ông Trọng nhớ lại, K130 xưa là làng Tân Minh Tiến, còn có tên khác là Hạ Lội vì nằm giữa ba bề ruộng nước, thấp trũng và lầy lội. Hạ Lội nằm sát cầu Già, bắc qua con sông cùng tên nối với huyện Thạch Hà. Đây là điểm giao thông huyết mạch trên tuyến quốc lộ 1A vào miền Nam.

Do đó, cùng với ngã ba Đồng Lộc, Tiến Lộc nói riêng và huyện Can Lộc nói chung (nơi có cầu Nhe, cầu Nghèn, cầu Già) trở thành điểm đánh phá ác liệt của địch. Giặc muốn phá đường, phá cầu trên tuyến 1A, 15A để chặn xe tiếp viện của quân ta vào tiền tuyến.

Một đêm dỡ 130 căn nhà, hiến cả quan tài lát đường cho xe vào chiến trường - 3

Trong cuốn sổ tay quý giá của ông Trọng có ghi lại chi tiết tình hình đánh phá của địch lúc bấy giờ. Lật những trang giấy cũ, ông Trọng chia sẻ, trong 4 năm (1965-1968), đế quốc Mỹ đã có 1.197 lần đánh phá vùng đất Tiến Lộc. Đặc biệt, chỉ trong thời gian từ tháng 4-10/1968, địch có đến 500 lượt đánh bom ban ngày, 180 lượt vào ban đêm. Vùng đất Tiến Lộc lúc bấy giờ như biến thành "chảo lửa, túi bom".

Thời điểm đó, quân và dân ta quyết tâm bảo vệ con đường huyết mạch. Tuy nhiên, Đồng Lộc lại có hơn một tháng bị ách tắc. Đúng lúc này, 130 xe chở vũ khí, lương thực chi viện khẩn cấp cho chiến trường miền Nam cần được đi ngay.

"Từ cầu Bến Thủy, núi Hồng Lĩnh, xe chi viện lương thực, thực phẩm, đạn dược cho tiền tuyến bị đình trệ, tắc nghẽn. Trước tình hình này, cấp trên về nghiên cứu và chỉ thị phải mở ngay một "con đường máu" bí mật tránh quốc lộ 1A, đoạn từ Cổ Ngựa đến cầu Già, xuyên qua làng Hạ Lội, để xe qua phà vượt sông", ông Trọng hồi tưởng.

Một đêm dỡ 130 căn nhà, hiến cả quan tài lát đường cho xe vào chiến trường - 5

Chi tiết hai cuộc họp với cấp trên và dân làng được ông Trọng nhớ mãi. Ông kể, gần trưa 13/8/1968, ông nhận được thư báo của cấp trên mời lên Ủy ban hành chính huyện Can Lộc họp khẩn. Vị chủ tịch xã thời chiến chỉ kịp ăn củ khoai để lấy sức đạp xe, vội vã lên huyện.

Một tiếng đồng hồ sau, ông có mặt khi lãnh đạo các cấp đang ngồi chờ.

"Nội dung cuộc họp nói về việc chiến trường miền Nam đang thiếu vũ khí, lương thực nên cần mở "con đường máu" bí mật cho xe qua. Muốn làm được điều đó phải được sự nhất trí, đồng lòng, tự nguyện của nhân dân trong việc sơ tán, tháo dỡ nhà cửa. Tinh thần được đưa ra là cần khẩn trương, cấp bách, nhanh được phút nào hay phút đó", ông Trọng thuật lại.

Cuộc họp kết thúc khi đã gần 14h. Ông Trọng đạp xe về xã để phổ biến cho người dân. "Xe chưa qua, nhà không tiếc", khẩu hiệu này được ông Trọng nghĩ ra ngay để bắt đầu cho một chiến dịch xưa nay hiếm.

Khi mọi người trong làng có mặt đông đủ, ông Trọng dành ít phút để thông báo tình hình chung và mong muốn của cấp trên về việc mở đường.

"Nước mất, nhà cũng không còn. Ta không hy sinh, cuộc chiến ở miền Nam sẽ thất bại. Nếu vậy, miền Bắc cũng sẽ mất theo", ông Trọng nói với bà con.

Một đêm dỡ 130 căn nhà, hiến cả quan tài lát đường cho xe vào chiến trường - 7

Nghe vậy, ông Lê Bá Kiên - người có nhà ở tại điểm bắt đầu con đường dự kiến - xung phong phát biểu đầu tiên. Ông Kiên hoàn toàn ủng hộ và còn nói sẽ về động viên 8 hộ gia đình là con cái, họ hàng cống hiến cho cuộc chiến.

Một trong những ý kiến được ông Trọng nhớ nhất nữa là của cụ bà Đinh Thị Trí, năm đó 69 tuổi. Bà Trí có hoàn cảnh khó khăn, sống một mình, chồng con mất sớm. Nhà bà chẳng có gì giá trị ngoài cỗ quan tài gom góp mãi mới mua được. Ấy thế mà bà Trí chẳng tiếc. "Tôi sẽ hiến cỗ quan tài của mình để làm ván kê cho xe qua những đoạn lầy lội", bà Trí quả quyết.

Cứ thế, tinh thần mọi người lên cao, không ai bảo ai, nhanh chóng trở về nhà chuẩn bị cho việc tháo dỡ nhà cửa. Người trẻ khỏe được huy động để di chuyển thóc, gạo, tài sản có giá trị ra khỏi nhà. Còn người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai được sơ tán toàn bộ.

Để phục vụ cho việc dỡ nhà, một đại đội công binh, bộ đội chủ lực được huy động về làng Hạ Lội đóng quân. Dân quân du kích 7 xã lân cận cũng được huy động đến. 18h, các lực lượng này đều tập trung đông đủ để phối hợp cùng với dân làng. Khí thế ai cũng hừng hực.

Trong màn đêm, nhà tháo dỡ đến đâu, đường được công binh, bộ đội, thanh niên xung phong làm đến đó. Chỉ trong vòng ít giờ đồng hồ, 130 ngôi nhà, 4 nhà thờ họ, một ngôi miếu và 2 kho hợp tác xã được tháo dỡ xuống để mở đường. Hàng tre hai bên đường được giữ lại để ban ngày kéo thành vòm ngụy trang.

Một đêm dỡ 130 căn nhà, hiến cả quan tài lát đường cho xe vào chiến trường - 9

Người dân còn tự nguyện chặt cây, vác gỗ của nhà mình làm mố cầu trên sông. Đến khoảng 0h, con đường bí mật từ đầu làng Hạ Lội đến phía bờ Nam sông Già dài khoảng 1,5km cơ bản được thiết lập.

Những chuyến xe đầu tiên được lệnh lăn bánh, di chuyển trên con đường không còn lầy lội rồi qua phà, vượt sông an toàn. Trong đêm đầu tiên, 130 xe chở hàng hóa qua "tọa độ chết" thành công. Chứng kiến khoảnh khắc đó, chính quyền, quân dân làng Hạ Lội vui sướng.

Những ngày sau, một xóm chài cạnh đó luôn bố trí hàng chục chiếc thuyền hỗ trợ bộ đội. "Nếu hàng hóa nặng, người dân sẽ cho lên thuyền chở qua bờ bên kia. Xe qua lại bốc hàng hóa từ thuyền lên để tiếp tục hành trình", ông Trọng nói.

Ban ngày, con đường được che mắt địch bằng hàng tre, cây xanh. Khu vực phà sông dã chiến, khi xe lăn bánh qua làm chết bèo, lộ lối mòn, được dân phủ lớp bèo khác lên ngụy trang. Cứ như thế, con đường độc đạo được duy trì thông suốt, an toàn cho đến ngày ngừng bắn - tức Hiệp định Paris được ký kết (27/1/1973).

Việc người dân Hạ Lội đồng lòng tháo dỡ nhà, mở ra con đường huyết mạch đã góp công lớn trong chiến dịch Tết Mậu thân 1968 - bước ngoặt quan trọng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Một đêm dỡ 130 căn nhà, hiến cả quan tài lát đường cho xe vào chiến trường - 11

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, con đường, bến phà huyền thoại năm xưa chỉ còn trong ký ức, câu chuyện của những cụ cao niên. Vùng đất "tọa độ chết" đã thay da, đổi thịt với nhà cửa khang trang, những con đường lớn trải thảm bê tông chạy xuyên qua khu dân cư và cánh đồng lúa.

Để ghi nhớ công lao của người dân địa phương, sau này tên làng K130 (gắn với sự kiện tháo dỡ 130 căn nhà) được ra đời. Năm 2006, làng K130 được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Đồng Văn Thành, Phó chủ tịch UBND thị trấn Nghèn cho biết, đến tháng 1/2020, làng K130 cùng xã Tiến Lộc được sáp nhập vào thị trấn Nghèn. Sau gần 2 năm tạo dựng cơ sở vật chất, phát triển kinh tế, làng K130 được công nhận khu phố văn minh vào tháng 12/2021. Hiện, tổ dân phố K130 có 270 hộ với khoảng 1.100 nhân khẩu và chỉ còn 1% hộ nghèo.

Một đêm dỡ 130 căn nhà, hiến cả quan tài lát đường cho xe vào chiến trường - 13

Cũng theo ông Thành, năm 2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đồng ý với tỉnh Hà Tĩnh về việc phục hồi, tu bổ, tôn tạo di tích làng K130.

Hiện nay, các hạng mục tu bổ, mở rộng đường, xây dựng nhà văn hóa, bia chứng tích, cổng chào, phục hồi bến phà,... đang được gấp rút triển khai. Điều đó sẽ góp phần đưa di tích K130 thành địa chỉ đỏ cho người dân, du khách tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử.

Một đêm dỡ 130 căn nhà, hiến cả quan tài lát đường cho xe vào chiến trường - 15

Nội dung, ảnh: Dương Nguyên

Thiết kế: Đỗ Diệp