1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội:

Một CSGT bị tố cáo ăn tiền trên… xác chết

(Dân trí) - Vụ tai nạn giao thông dẫn đến chết người, khi gia đình nạn nhân làm thủ tục đưa xác về lo hậu sự thì CSGT nhất quyết không đồng ý vì phải khám nghiệm tử thi (mặc dù gia đình đã có đơn không kiện cáo về sau). Cuối cùng thì xác chết cũng được mai táng sớm sau khi được… “làm luật”.

Theo ông Đỗ Xuân Phương (thôn Lưu Trung, xã Lưu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), ngày 7/6/2006, anh Đỗ Xuân Phong (con trai ông) bị tai nạn trên Quốc lộ 5 tại địa phận huyện Gia Lâm, Hà Nội. Người dân đã đưa anh Phong vào Trung tâm y tế Trâu Quỳ và tử vong tại đó.

Theo lá đơn gia đình ông Phương gửi Công an Hà Nội thì khi nhận được tin dữ, gia đình ông đã tức tốc đến Trung tâm y tế Trâu Quỳ làm thủ tục đưa xác anh Phong về mai táng. Tuy nhiên, với “công vụ” của mình, 2 cán bộ Đội CSGT số 5 (Phòng CSGT Công an Hà Nội) là Trần Phúc Sinh cùng một người khác tên là Khôi đã không cho người nhà nạn nhân mang xác về quê.

Theo đó, ông Sinh có hành vi quát tháo, thái độ kẻ cả, lệnh cho xe ô tô chở xác nạn nhân quay trở vào Trung tâm y tế để cơ quan chức năng khám nghiệm tử thi theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, sau đó viên CSGT đi cùng ông Sinh đã “rỉ tai” anh Phan Văn Tiến (anh họ anh Phong) rằng “cứ gặp anh Sinh “nói khó” thì sẽ được giải quyết”. Nhận được “tín hiệu”, anh Tiến đã vay của anh Đặng Hữu Nghĩa (một người cùng làng) 500.000 đồng và xin một người quen khác là anh Hà một vỏ bao thuốc lá 555, cho tiền vào đấy rồi đưa cho ông Sinh. “Sau vài giây” lưỡng lự thì sự việc được giải quyết.

Người làm chứng phẫn nộ

Công an TP Hà Nội đã về nhà một số nhân chứng lấy lời khai việc này. Trong đơn tường trình, bà Đỗ Thị Xèo (thôn Liêu Trung, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) viết: “Khi nghe tin cháu Phong bị tai nạn lên đến nơi, tôi nhìn thấy cháu Tiến vay tiền của cháu Nghĩa rồi xin vỏ bao thuốc lá 555”.

Anh Nghĩa tường trình “… tôi lấy ra tờ 500.000 đưa cho anh Tiến mượn. Anh Tiến cầm tiền đưa cho anh Sinh nhưng anh Sinh không nhận. Sau đó anh Sinh, anh Tiến và anh Khôi đưa nhau ra quán nước ngoài cổng ngồi.

Chúng tôi đứng từ xa và thấy anh Tiến đưa tiền cho 2 anh công an tại quán nước. Tiền được bỏ vào trong một vỏ bao 555 vẫn còn khoảng hơn 10 điếu, vỏ bao đó anh Hà đưa cho anh Tiến…”.

Nhiều người làm chứng khác cũng tường trình với nội dung tương tự.

Điều đáng nói là sự việc có thể có những điều chưa sáng tỏ nhưng “hơn một năm trời xác minh, điều tra nhưng Công an Hà Nội không đưa ra kết quả gì? Điều đó thật vô lý!” - đại diện gia đình người quá cố nói với phóng viên.

Làm việc với Dân trí, ông Nguyễn Hữu Tâm, Đội trưởng Đội CSGT số 5 cho biết, ông mới về đây nhận nhiệm vụ từ tháng 4/2007 nên chưa nắm được toàn bộ sự việc: “Chúng tôi có nghe phong thanh, thanh tra cũng yêu cầu làm rõ sự việc có như đơn thư phản ánh không nhưng phía cá nhân anh Sinh khẳng định không có”.

“Việc này Phòng CSGT Hà Nội đã xử lý rồi, nhưng xử lý như thế nào thì Phòng có tài liệu. Sau khi xử lý thì có thông báo cho phía đương sự? Cái này thì do trên Phòng CSGT quyết định, Đội chúng tôi không có thẩm quyền” - ông Tâm nói.

Cũng theo ông Tâm, người có tên Khôi (được nêu trong đơn) là ông Vương Xuân Khôi, hiện nay ông Khôi đã chuyển lên công tác tại Bộ Công an, còn anh Sinh vẫn đang công tác tại Đội 5.

Chúng tôi đã liên hệ với Phòng CSGT Công an Hà Nội và nhận được công văn số 373, ngày 4/5/2007 do phó trưởng phòng Tạ Văn Ký ký. Nội dung công văn gửi ông Đỗ Xuân Phương, nói rõ, ngày 17/8/2006, Phòng CSGT Hà Nội đã chuyển toàn bộ hồ sơ cùng các phương tiện liên quan đến Công an huyện Gia Lâm để giải quyết theo thẩm quyền.

Tuy vậy thì một câu trả lời về kết quả giải quyết vụ việc, theo ông Đỗ Xuân Phương, hiện nay vẫn chưa có.

Tiến Công