Một bộ phận cán bộ chức quyền có biểu hiện bảo kê cho doanh nghiệp
(Dân trí) - Ghi nhận 1 năm hoạt động quyết liệt để đấu tranh với tội phạm của lực lượng công an, khối cơ quan tư pháp, nhưng ủy viên Thường vụ QH vẫn bức xúc vì “trang bị hiện đại hơn, đào tạo bài bản hơn, tướng nhiều hơn nhưng niềm tin của người dân lại giảm”…
Báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác tư pháp năm 2013 trước UB Thường vụ Quốc hội ngày 17/9, Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, thực trạng gia tăng ngày càng nhiều các đối tượng chuyên cho vay nặng lãi thông qua các hợp đồng dân sự mua bán nhà cửa, ruộng vườn để chiếm đoạt tài sản của người dân. Cùng với đó là xu hướng dân sự hóa các quan hệ hình sự nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Đại diện VKSND tối cao đề xuất, trước mắt, Quốc hội chỉ đạo các cơ quan tố tụng thống nhất hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ Luật Hình sự về tội cho vay nặng lãi. Về lâu dài, cần nghiên cứu, sửa đổi điều luật này. Theo đó, cần loại bỏ các yếu tố không phù hợp với thực tế như “có tính chất bóc lột” hoặc quy định tỷ lệ lãi suất quá cao, gấp 10 lần lãi suất cơ bản.
“Lãi suất cơ bản của Việt Nam hiện tại có khi lên tới 14-15%, mà quy định của luật gấp 10 lần lên nữa, tức thành một trăm mấy mười phần trăm thì rất khó cấu thành tội phạm...” – Viện trưởng phân tích.
Chung nhận định này, báo cáo về tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2013 của Chính phủ do Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an nêu rõ, tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng dù đã được kiềm chế, ngăn chặn có hiệu quả nhưng vẫn còn xảy ra nhiều vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng. Việc này được phân tích do kinh tế khó khăn, ảnh hưởng của việc thắt chặt tín dụng, nhiều doanh nghiệp bất động sản rơi vào tình trạng khó khăn, hàng tồn kho nhiều, thua lỗ, phá sản... là nguyên nhân làm cho tội phạm về lừa đảo, lợi dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản, chiếm đoạt tiền vốn của ngân hàng có xu hướng gia tăng. Hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, gian lận thương mại diễn ra trên cả tuyến đường không, đường bộ và đường biển. Tội phạm tham nhũng, nhất là tội phạm tham ô, môi giới, nhận hối lộ phát hiện ở nhiều lĩnh vực như quản lý tài sản công, đầu tư công, quản lý sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản...
Ngoài ra, báo cáo khái quát kết quả, từ đầu năm, ngành đã rà soát đấu tranh triệt phá 1.927 băng, nhóm tội phạm hoạt động đâm thuê chém mướn, đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi, cướp giật tài sản, tổ chức cờ bạc, cá độ bóng đá...
Bộ Công an đã nhân rộng mô hình phối hợp giữa lực lượng cảnh sát hình sự, cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động và xây dựng các đội săn bắt cướp để trấn áp kịp thời các đối tượng hoạt động lưu động, sử dụng vũ khí cướp, cướp giật trên các tuyến giao thông, đô thị và địa bàn trọng điểm.
Đánh giá là năm 2013, tình hình tội phạm đã được kiềm chế, nhiều loại tội phạm giảm (giết người giảm 0,55%; cướp tài sản giảm 15,3%; mua bán người giảm 26,5%, chống người thi hành công vụ giảm 6,54%...). Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhận định, hoạt động của các băng nhóm tội phạm có xu hướng phức tạp trở lại, tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn và các khu vực, địa bàn giáp ranh, hoạt động chủ yếu dưới dạng siết nợ thuê, cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản, tổ chức cờ bạc, cá độ bóng đá.
Tội phạm môi trường nổi lên trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, lợi dụng chính sách tạm nhập, tái xuất để đưa hàng vào Việt Nam, sau đó tháo dỡ niêm phong để tiêu thụ trong nước.
Thẩm tra nội dung các báo cáo này, UB Tư pháp ghi nhận nhiều cố gắng của khối cơ quan tư pháp nhưng vẫn chỉ ra việc báo cáo của Chính phủ vẫn chưa phản ánh đầy đủ tình hình vi phạm pháp luật và xử lý vi phạm hành chính trên tất cả các mặt của đời sống, chưa có báo cáo về hoạt động của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như hải quan, kiểm lâm, bộ đội biên phòng và cảnh sát biển.
Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đất đai, ngân hàng, đầu tư công còn có nhiều sơ hở, tội phạm tài chính ngân hàng chậm được phát hiện, tín dụng đen, các vụ liên quan đến băng nhóm bảo kê chưa được phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng “phê” báo cáo của VKSND tối cao thì chưa đánh giá toàn diện nguyên nhân tình hình vi phạm pháp luật và tình hình tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng, kinh tế đang có chiều hướng gia tăng phức tạp.
Đánh giá kết quả phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật, tội phạm chưa tương xứng với tình hình thực tế, cơ quan thẩm tra cũng đặc biệt lưu ý đến nguyên nhân từ một bộ phận cán bộ có chức có quyền ở các cơ quan quản lý nhà nước tại cơ sở có biểu hiện bảo kê để doanh nghiệp, các băng nhóm họat động theo kiểu xã hội đen trên môt số lĩnh vực như khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, vận chuyển hành khách.
Chung lo ngại này, Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa đề nghị bổ sung báo cáo về tội phạm an ninh quốc gia, xem tình hình đấu tranh phòng chống tội phạm thế nào. Ông Khoa cũng cho rằng tình trạng băng nhóm lộng hành ngang nhiên khiến dư luận xã hội quan ngại. Theo ông Khoa, đáng ngại nhất là cấp huyện cũng có bộ máy, có công an mà nhiều vụ việc phải có sự hỗ trợ rất lớn của cấp trên, thậm chí chỉ có công an của Bộ mới giải quyết được.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước kiến nghị cần đổi mới phướng thức hoạt động của lực lượng công an, phải gắn bó với dân hơn. “Trang bị hiện đại hơn, đào tạo bài bản hơn, tướng nhiều hơn nhưng niềm tin vào công an so với cách đây 10 năm, 20 năm thì có giảm sút” - ông Phước phát biểu.
P.Thảo