1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Mong ước cuối đời của người được Bác Hồ đặt tên

(Dân trí) - 25 tuổi, ông rời xứ Nghệ hành quân ra Tây Bắc. May mắn là, trong khoảng thời gian bám núi, bám rừng Việt Bắc ông đã được gần gũi với Bác Hồ. Cuộc đời ông thay đổi từ đó với cái tên mới do chính Cụ Hồ đặt - chú Kiệm. Bây giờ, ở cái tuổi xấp xỉ 90, ông chỉ có một ước vọng trước lúc nhắm mắt: được ra thăm Lăng Bác!

Cậu bé mồ côi ra Tây Bắc gặp Bác

 

Tên thật của ông là Lê Nhạ, sinh năm 1920 tại làng Trung Lễ, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. 12 tuổi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Gánh nặng đặt trên vai cậu bé Nhạ là mấy đứa em thơ dại. Thế rồi anh em rau cháo nuôi nhau, khi không đủ sức, có đứa được cho đi làm con nuôi của người khác.

 

Cha Nhạ vốn là thợ mộc, trước lúc mất đã kịp truyền cho cậu nghề cầm cưa đục. Nhạ rất khéo tay trong việc nối nghiệp cha theo nghề. Dẫu vậy, cuộc sống đói khổ vẫn đeo đẳng anh em Nhạ suốt nhiều năm trời. 20 tuổi, Nhạ kết hôn với một cô gái cùng làng. Cưới nhau mãi nhưng đôi vợ chồng trẻ vẫn chưa có con. Mãi tới năm 1947, họ mới sinh được đứa con đầu lòng.

 

Những năm đó, gia đình Nhạ cùng chung cảnh ngộ của người nông dân cả nước, nghèo đói, xác xơ. Giữa lúc ấy, thực dân Pháp quay lại xâm chiếm nuớc ta. Một buổi trưa năm 1949, ông bất ngờ nhận được lệnh lên đường ra Bắc. Nhiệm vụ của ông là lên Tây Bắc lập lán trại, nhà ở tạm cho cán bộ cách mạng.

 

Sáng sớm hôm sau tiễn biệt vợ và đứa con nhỏ không hẹn ngày về, hành lý mang theo là đôi dép cao su và mấy bộ quần áo cũ. Từ Hà Tĩnh ra đến căn cứ kháng chiến Tây Bắc mất ròng rã hơn một tháng trời đi bộ. Cơm không có ăn, áo không đủ mặc, đến đâu mỏi là nhà. Chặng đường hành quân gian nan là thế nhưng ông và anh em trong đoàn cùng ra Tây Bắc đều bấm chí quyết tâm vì thắng lợi của cách mạng.

 

Cuối cùng thì đoàn bộ đội hành quân từ Miền Trung cũng lên đến Tây Bắc. Một cuộc sống hoàn toàn khác biệt, anh em phải vào tận rừng sâu dựng trại để tránh bọn Pháp truy quét. Vốn là người giỏi nghề mộc ông Nhạ được đưa ngay vào kiến thiết, lập trại cho chiến khu kháng chiến.

 

“87 tuổi, tui không nhớ rõ nữa, chỉ biết ra ngoài nớ bám núi bám rừng được một thời gian thì có anh Chiến sang lấy người (ông Tạ Quang Chiến - Nguyên Bí thư Trung ương đoàn, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục thể dục thể thao - PV) về kiếm gỗ lập nhà. Khi đó có tui và 3 người khác nữa. Ấn tượng đầu tiên khi tui gặp Cụ Hồ là người Cụ gầy, giọng nói ấm áp. Cụ từ trong nhà bước ra, bắt tay từng người một rồi trò chuyện với anh em. Trong cuộc gặp ấy, Cụ đã đặt tên cho chúng tôi là Cần, Kiệm, Liêm, Chính... một trong những khẩu hiệu của Bác đề ra trong kháng cuộc chiến chống Pháp. Tôi được mang tên chú Kiệm từ đấy” - ông Nhạ bồi hồi nhớ lại.

 

Với nhiệm vụ lập trại, sửa nhà, ông Nhạ đã có quãng thời gian gần 3 năm sống bên Bác Hồ. Ông được gặp Bác, được Bác dạy bảo thường xuyên cho đến ngày Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi.

 

Sau thắng lợi lịch sử ấy, số anh em được Bác Hồ đặt tên đi làm nhiệm vụ mới. Họ mất liên lạc với nhau. Chiến sỹ cách mạng Lê Nhạ - Chú Kiệm được chuyển về công tác trong một nhà máy sản xuất tổng hợp ở giữa thủ đô Hà Nội. Ở đấy, ngoài công việc của nhà máy, ông vẫn tiếp tục nghiệp mộc của mình khi tham gia thi công nhiều ngôi nhà phục vụ cho cách mạng. Sau đấy, ông chuyển về công tác tại Công ty xây dựng Hà Tĩnh.

 

Chiến tranh lại tiếp tục buộc những người công nhân như ông lên tận Phú Thọ, Cao Bằng vừa tránh bom đạn của đế quốc Mỹ, vừa bảo đảm nhiệm vụ của đơn vị. Năm 1975, đất nước thống nhất cũng là thời gian ông nghỉ hưu trở về quê hương. Ông sinh được 4 người con, sống một cuộc sống đầy khó khăn ở làng Đức Trung, huyện Đức Thọ suốt nhiều năm nay.

 

Bức thư bất ngờ và ước vọng cuối cùng của “chú Kiệm”

 

Ngày 19/8/2006, mưa như trút nước, từ quê nhà ở Đức Trung (Đức Thọ), chú Kiệm nhận được một lá thư của một đồng chí, đồng đội mà hơn 60 năm trước họ cùng có những giây phút khó quên trên núi rừng Việt Bắc - ông Tạ Quang Chiến, người đã trực tiếp đưa anh thanh niên Lê Nhạ vào gặp Cụ Hồ năm xưa.

 

Bức thư viết: “Vừa qua, bác Lê Đức Thỉnh - Nguyên Phó bí thư tỉnh uỷ Hà Tĩnh hồi trước 1975 nay đã 91 tuổi - là bạn già ở gần nhà tôi cho tôi xem báo Hà Tĩnh ngày 12/4/2006 có đăng bài về bác Kiệm. Tôi rất mừng bác đã 87 tuổi mà vẫn còn tương đối khoẻ, chụp ảnh cùng bác gái. Lâu nay tôi không có tin tức cụ thể về bác Kiệm.

 

Trước hết xin gửi biếu hai bác tấm ảnh chụp cách đây 55 năm ở căn cứ Việt Bắc - nơi Bác Hồ đã ở, nơi tập thể chúng ta được phục vụ Bác.

 

Mong ước cuối đời của người được Bác Hồ đặt tên - 1
 Chú Kiệm - Lê Nhạ, người đứng ngoài cùng bên phải chụp ảnh chung với đồng đội ở Việt Bắc năm 1951. (Ảnh tư liệu do cụ Lê Nhạ cung cấp).

 

Nhận được thư này đề nghị bác Kiệm cho biết thêm về gia cảnh hiện nay ra sao? Nếu có dịp ra Hà Nội Bác ghé qua nhà tôi ở 149 phố Nguyễn Thái Học và đến thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh, vào Lăng viếng Bác Hồ...

 

Đọc được những dòng trong lá thư của người bạn một thời, chú Kiệm đã không cầm nổi nước mắt, nước mắt của vui sướng vì đã bắt được liên lạc với người bạn cách đó hàng chục năm trời ông không hề có thông tin. Ông cầm tấm ảnh ngắm nghía, hồi tưởng lại năm tháng ở núi rừng Việt Bắc. Tấm ảnh đen trắng đã nhoè nhưng ông vẫn chỉ đủ tên của các đồng đội của mình. Dẫu bức ảnh chụp cách đây hơn nửa thế kỷ, nhưng nhìn tấm ảnh vẫn dễ dàng nhận ra “chú Kiệm” với mái tóc cắt ngắn, dựng đứng, khuôn mặt nhỏ.

 

Chợt nhớ đến lời mời trong lá thư của ông Chiến, ông Nhạ bật khóc vì nhớ lại cái thời gian khổ gắn bó với nhau ở Chiến khu. Ông đáp thư trả lời cho ông Tạ Quang Chiến, bày tỏ mong muốn được ra Hà Nội thăm Lăng Bác một lần và mong được gặp lại người bạn xưa.

 

Trò chuyện với Dân trí trong những ngày cả nước chuẩn bị kỷ niệm 117 năm ngày sinh nhật Bác, chú Kiệm rưng rưng tâm sự: “Đã mấy chục năm rồi không được ra thăm Lăng Bác, cũng chưa được về quê Bác để thắp cho Người một nén nhang. Như rứa lòng tui thấy có lỗi lắm. Để thỏa lòng, tui có ý định dịp sinh nhật Bác năm nay sẽ ra thăm Người nhưng rồi mong muốn ấy không thể thực hiện được. Căn bệnh zôna thần kinh quái ác lại hành hạ, nên không đủ sức khỏe để đi”...

 

Chia tay ông Nhạ với những thông tin ít ỏi, chúng tôi mang theo ước vọng cao đẹp của ông - được một lần ra thăm Lăng Bác.

 

Văn Dũng - Minh San