1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Mong nhận được câu trả lời sáng tỏ từ Thủ tướng về Vinashin”

(Dân trí) - “Chưa có câu trả lời thỏa đáng về Vinashin, người dân mới phân vân, còn khi đã thẳng thắn đánh giá thực trạng Vinashin, thẳng thắn thừa nhận khuyết điểm thì người dân sẽ tin hơn.” - GS.TS Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ quan điểm trước phiên chất vấn tại QH.

Phó Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho biết các câu hỏi ông chất vấn Thủ tướng liên quan đến Vinashin, bô xít và đường sắt cao tốc

Sau những phát biểu có phần “gay gắt” của ông cũng như của nhiều đại biểu xung quanh các vấn đề của tập đoàn Vinashin, lần lượt các Bộ trưởng Giao thông vận tải, Tài chính và Tổng Thanh Chính phủ đã có những giải trình liên quan đến tập đoàn này. Ông đã cảm thấy hài lòng về các giải trình đó chưa?

Các Bộ trưởng và Tổng Thanh tra Chính phủ đã giải trình nhưng chưa được chi tiết lắm, có lẽ do thời gian các vị phát biểu tại Quốc hội không nhiều. Theo tôi, lẽ ra những chi tiết về công nợ của tập đoàn này phải được thể hiện trong báo cáo gửi Quốc hội. Đọc báo cáo của Chính phủ, tôi không được biết quá trình vay nợ, cơ cấu nợ của Vinashin và trách nhiệm cụ thể của các thành viên Chính phủ như thế nào,…

Tuy nhiên, qua giải trình của các Bộ trưởng và Tổng Thanh tra Chính phủ, tôi càng củng cố thêm nhận thức là các bộ chỉ có quyền quản lý nhà nước về lĩnh vực chuyên ngành, quyền tham mưu, góp ý vì theo Nghị định của Chính phủ về tập đoàn, tổng công ty nhà nước, người trực tiếp quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là Thủ tướng và chỉ Thủ tướng mới có quyền.

Các Bộ trưởng cho rằng, do đã phân cấp cho các tập đoàn nên các bộ không thể can thiệp được vào hoạt động của tập đoàn và như thế, xem ra trách nhiệm của các bộ không lớn?

Các bộ không can thiệp vào công việc kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty là đúng, nhưng họ hoàn toàn có quyền thanh tra, kiểm tra và thấy sai phạm phải báo cáo để xử lý kịp thời. Đó mới là quản lý nhà nước. Nếu không thì quản lý cái gì?

Các Bộ trưởng và Tổng Thanh tra Chính phủ đã giải trình, nhưng ông vẫn tiếp tục có câu hỏi chất vấn Thủ tướng Chính phủ. Ông chờ đợi gì ở trả lời của Thủ tướng?

Tôi đã gửi câu hỏi đến Thủ tướng và tôi rất mong nhận được câu trả lời sáng tỏ về thực trạng nợ nần của Vinashin, nguyên nhân của tình trạng ấy và trách nhiệm của Thủ tướng cũng như các thành viên khác của Chính phủ.
“Mong nhận được câu trả lời sáng tỏ từ Thủ tướng về Vinashin” - 1
GS. TS Nguyễn Minh Thuyết (Ảnh: Việt Hưng)

Tôi cho rằng, câu trả lời càng thể hiện thái độ cầu thị, nghiêm túc, người dân càng cảm thấy tin tưởng hơn vào Chính phủ. Chưa có câu trả lời thỏa đáng về Vinashin, người dân mới phân vân, còn khi đã thẳng thắn đánh giá thực trạng Vinashin, thẳng thắn thừa nhận khuyết điểm thì người dân sẽ tin hơn.

Như thường lệ, ông sẽ tiếp tục chất vấn trực tiếp Thủ tướng tại hội trường?

Hiện nay tôi chưa nhận được trả lời bằng văn bản của Thủ tướng, còn việc có tiếp tục chất vấn hay không phụ thuộc vào trình bày của Thủ tướng. Nếu tôi thấy mọi giải trình đều thuyết phục, đều thỏa đáng, chắc tôi không cần chất vấn nữa.

Nhưng nếu thấy chỗ nào chưa thuyết phục cũng cần phải hỏi vì hỏi như vậy là trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đồng thời cũng tạo điều kiện để Thủ tướng giải đáp cho nhân dân vì phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp và người dân rất quan tâm, đặc biệt là phần trả lời của Thủ tướng.

Bên hành lang kỳ họp, ông đã bày tỏ quan điểm về vấn đề khai thác bô xít tại Tây Nguyên. Vậy ông có gửi câu hỏi chất vấn Thủ tướng về vấn đề này?

Trong ba câu hỏi tôi gửi Thủ tướng có câu hỏi về bô xít: Trước dư luận và trước kiến nghị của trên 2.000 trí thức, lao động, quân nhân, trong đó có bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chính phủ quyết định như thế nào về vấn đề khai thác bô xít ở Tây Nguyên?

Câu hỏi nữa tôi hỏi Thủ tướng là: Vì sao Chính phủ vẫn quyết tâm theo đuổi dự án đường sắt cao tốc trong khi tại kỳ họp vừa rồi Quốc hội đã không thông qua dự án này và cũng không hề có nghị quyết giao Chính phủ tiếp tục nghiên cứu và triển khai bất cứ một đoạn đường sắt cao tốc nào?

Tôi cho đó là những câu hỏi mà người dân muốn được giải đáp. Nếu có lý do thật sự thuyết phục, tôi nghĩ người dân sẽ đồng tình; còn nếu quả thật vẫn phân vân, tôi nghĩ nên dừng.

Liên quan đến thảo luận của đại biểu Quốc hội ở nghị trường, có một vài người phân vân là một số đại biểu không có chuyên môn về các vấn đề kinh tế có nên phát biểu ý kiến về những vấn đề đó không và những ý kiến đó liệu có đáng tin cậy, có gây băn khoăn cho cử tri hay không?

Tôi rất thông cảm với thắc mắc này vì các vị nêu thắc mắc đó không sát với hoạt động ở Quốc hội. Ở nước nào cũng vậy, mỗi đại biểu Quốc hội thường chỉ có một chuyên môn nhất định. Nhưng khi đã tham gia Quốc hội, thay mặt dân quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước thì đại biểu không thể bằng lòng với vốn hiểu biết sẵn có của mình mà phải đọc, phải học và phải hỏi để nắm được tất cả những vấn đề mình sẽ ấn nút biểu quyết. Nếu đại biểu không tìm hiểu, thấy người khác ấn nút, mình cũng ấn nút là không hoàn thành trách nhiệm với cử tri.

Còn ý kiến đại biểu có thuyết phục hay không, đã có ban soạn thảo luật, các đại biểu khác, các cơ quan chuyên môn, cử tri và báo giới đánh giá.

Cách đây vài phiên họp, chất vấn “ngoài chuyên môn” của ông về vụ PCI hối lộ các quan chức Việt Nam rất được dư luận quan tâm và mới đây, vụ án nhận hối lộ từ PCI đã được đưa ra xét xử. Ông có hài lòng về những việc các cơ quan chức năng đã thực thi trong vụ án này?

Sau khi tôi chất vấn về vụ PCI, Thủ tướng đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét vụ việc. Cơ quan điều tra đã làm việc với phía Nhật Bản, thu thập chứng cứ và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát truy tố và đến nay vụ án đã được xét xử sơ thẩm.

Tất cả những điều đó thể hiện thái độ làm việc nghiêm túc của Chính phủ cũng như Thủ tướng và người dân rất hoan nghênh.

Xin cảm ơn ông!

Cấn Cường (thực hiện)