TPHCM:
Mỗi xe buýt gắn 3 camera để chống sàm sỡ, móc túi
(Dân trí) - Mỗi xe buýt được gắn 3 camera, trong đó 2 cái để quan sát bên trong xe và 1 camera gắn phía trước xe để theo dõi hành trình và việc đón, trả khách.
Theo Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (gọi tắt là Trung tâm), hầu hết các đơn vị vận tải xe buýt đều thống nhất chủ trương lắp đặt camera trên xe buýt theo chỉ đạo của Sở Giao thông vận tải TP.
Hiện kế hoạch triển khai đã hoàn tất, việc lắp đặt trên các xe hiện có sẽ thực hiện từ quý III/2015 đến quý IV/2016. Riêng đối với các xe mới thuộc đề án 1.680 xe buýt của TP hoặc đơn vị xe buýt tự đầu tư đều buộc phải lắp đặt camera.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Triệu – Chủ nhiệm HTX 19/5 – cho biết đã lắp đặt camera trên 51 chiếc xe buýt đang chạy tuyến số 33 (Bến xe An Sương – Suối Tiên – ĐHQG TPHCM). Theo kế hoạch, cho đến hết quý IV/2016, HTX 19/5 sẽ tiến hành lắp đặt trên tất cả xe buýt còn lại. Hiện tại, HTX 19/5 có 430 xe buýt đang hoạt động trên 18 tuyến.
Theo ông Triệu, ngoài việc hỗ trợ kiểm soát số lượng hành khách đi xe buýt, thái độ phục vụ của tài xế, tiếp viên trên xe buýt, gắn camera theo dõi góp phần hạn chế nạn móc túi, quấy rối tình dục và mất an toàn trên xe buýt. Qua đó từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ của xe buýt trong HTX.
Do việc gắn camera lần đầu thực hiện trên xe buýt nên Trung tâm sẽ triển khai lắp đặt thử nghiệm trên một số tuyến trong quý III/2015. Trên cơ sở đó, Trung tâm sẽ đánh giá sơ bộ để rút kinh nghiệm và tiếp tục gắn camera trên các tuyến xe buýt còn lại.
Theo Trung tâm, với kinh phí đầu tư cho thiết bị, lắp đặt khoảng 13 triệu đồng/xe và chi phí thường xuyên cho công tác vận hành hệ thống khoảng 400.000 đồng/xe/tháng là tương đối lớn. Vì vậy, Trung tâm sẽ tham mưu cho Sở GTVT TP theo 2 hướng: kiến nghị UBND TP xem xét hỗ trợ các đơn vị vận tải đã đầu tư lắp đặt đồng bộ trên xe buýt; hoặc đưa nội dung chi phí thiết bị vào tính toán đơn giá để tính trợ giá.
Quốc Anh