1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Mỗi trường hợp tử hình bằng tiêm thuốc độc tốn hàng trăm triệu đồng?

(Dân trí) - Thảo luận về dự thảo luật tạm giam, tạm giữ chiều 19/6, đại biểu Quốc hội cung cấp thông tin khó tưởng tượng, mỗi trường hợp bị án tử hình phải đưa từ các tỉnh thành xa tới nơi có nhà thi hành án để tiêm thuốc độc chi phí khoảng 200-300 triệu đồng…

Mỗi trường hợp tử hình bằng tiêm thuốc độc tốn hàng trăm triệu đồng?
Đại biểu Phạm Xuân Thường: Đưa một bị án tử hình từ Lào Cai về Sơn La, từ Thái Bình vào Nghệ An để thi hành án tốn 200-300 triệu đồng (ảnh: Việt Hưng).
 
Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) đề cập đến chính sách giam giữ với người bị kết án tử hình. Hiện vẫn có 2 loại ý kiến khác nhau, một loại đề nghị quản lý tập trung, giam chung các bị án tử hình vào một nơi; một loại đề nghị giữ nguyên mô hình hiện nay, quản lý các đối tượng này ngay tại trại giam.

Ông Thường cảnh báo, dồn tất cả các bị can bị thi hành án tử hình về một trại tập trung sẽ rất khó khăn cho công tác bảo vệ và rủi ro rất lớn vì hiện tại đang tách ra, giao cho mỗi địa phương quản lý một vài trường hợp mà đã rất vất vả với số bị án tử hình này. Ông Thường cho biết, đi giám sát thì thấy mỗi bị án tử hình phải bố trí riêng một phòng giam, bên cạnh đó lại phải bố trí phòng cho 2 phạm nhân khác để theo dõi an toàn của người này và thực tế, dù theo dõi kỹ vậy, nhiều bị án vẫn tự tử được.

“Nếu bây giờ tập trung hết số người chờ thi hành án tử hình vào một nơi thì không tưởng tượng được Bộ Công an sẽ quản lý như thế nào, sức ép lên cán bộ quản lý ra sao. Mô hình này chỉ thuận hơn cho việc thi hành án vì việc thi hành án hiện nay đang rất tốn kém và rất phức tạp” – đại biểu Thường thông tin.

Ông Thường dẫn chứng từ cuộc giám sát ở Sơn La, mỗi trường hợp thi hành án tử hình phải đưa từ Lào Cai xuống Sơn La để… tiêm thuốc độc chi phí khoảng từ 200 - 300 triệu đồng, đưa từ Thái Bình vào Nghệ An cũng tốn kém cỡ đó mà quan trọng nhất là không an toàn.

Để khắc phục tình trạng này, ông Thường đề nghị tạo điều kiện cho Bộ Công an tổ chức những xe thi hành án lưu động để thuận tiện cho việc thi hành án tử hình và vẫn giữ mô hình quản lý các bị án tử hình tại các trại tạm giam của công an tỉnh.

Đồng ý với quan điểm của ông Thường, đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) cũng cảnh báo, không thể gom hết các bị án tử hình về một chỗ mà nên để ở trong các nhà tạm giam như hiện nay. Tuy nhiên, ông Ngũ kiến nghị, phải kiên cố hóa nhà giam giữ những bị án tử hình này. Mô hình quản lý tại trạm giam của công an tỉnh hiện nay theo ông Ngũ vẫn đang thực hiện và không có vấn đề gì, ở nhiều nước khác người ta cũng tổ chức như vậy, chỉ cần kiên cố hóa phòng giam là đảm bảo.

Đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) cũng lo ngại, nếu tập trung quản lý giam giữ tất cả những người bị kết án tử hình, cả số lượng án đã có hiệu lực pháp luật và án chưa có hiệu lực pháp luật tại một nơi thì rất khó khăn trong việc thực hiện hoạt động tố tụng cũng như “đánh đố” công tác quản lý giam giữ. Tập trung tất cả các đối tượng này vào một nơi, theo bà Huyền, sẽ là một nguồn nguy hiểm cao cho hoạt động quản lý, giám sát. 

Quản lý giam giữ độc lập với cơ quan điều tra để chống bức cung, nhục hình
Mỗi trường hợp tử hình bằng tiêm thuốc độc tốn hàng trăm triệu đồng?
Đại biểu Lưu Thị Huyền: "Tập trung tất cả các bị án tử hình vào cùng một nơi là một nguồn nguy hiểm cao độ" (ảnh: Việt Hưng).

Về vấn đề tổ chức lại hay giữ nguyên mô hình trại tạm giam, nhà tạm giữ thuộc lực lượng công an quản lý như hiện nay, đại biểu Phạm Xuân Thường đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành, bởi thực tiễn chứng minh, công tác quản lý giam giữ theo cách thức này suốt thời gian qua không có vấn đề gì.

Đề cập chuyện có một số vụ bức cung, nhục hình xảy ra nhưng ông Thường nói, sẽ tìm cách để khắc phục.

Còn việc tổ chức một bộ máy độc lập thực hiện việc giam giữ thì có nghĩa phải xây dựng thêm ở Việt Nam khoảng 700 nhà tạm giữ và gần trăm trại tạm giam khác. Việc này không phù hợp với điều kiện của hiện nay và cũng chưa khẳng định được là chắc chắn tốt vì khi xây dựng riêng, quản lý riêng như vậy, vấn đề bảo vệ đặt ra rất phức tạp.  

Đại biểu Hồ Trọng Ngũ lật lại vấn đề, nếu để hệ thống quản lý tạm giam, tạm giữ nằm trong cơ quan điều tra thì nguy cơ bức cung, nhục hình và dẫn đến vi phạm quyền con người. Chia sẻ hướng quan điểm này và khẳng định đó là cách nhìn tiến bộ, đúng đắn. Cách để hạn chế tối đa những vị phạm trong hoạt động giam giữ  đã thể hiện trong Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều 10 của dự thảo luật vì đã tách cơ quan quản lý tạm giam, tạm giữ riêng, những khoản độc lập.

Ông Ngũ dẫn chứng, Bộ công an hiện đã có Cục quản lý hướng dẫn tạm giam, tạm giữ thuộc Tổng cục 8 – là một cơ quan quản lý tương đối độc lập so với cơ quan điều tra. Ở công an tỉnh cũng có một phòng quản lý về thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp lại đảm nhiệm việc quản lý về tạm giam, tạm giữ độc lập với Phòng cảnh sát hình sự, cơ quan điều tra hình sự. Ở huyện cũng có đội cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp, nhà tạm giữ cũng được tách khỏi cơ quan điều tra của công an cấp huyện.

Ông Ngũ cho rằng không nhất thiết phải thành một hệ thống ngành dọc riêng biệt với Bộ Công an để làm công tác này vì dù hiện tại việc giam giữ vẫn do cơ quan công an đảm nhiệm nhưng đơn vị quản lý trực tiếp đã độc lập, tách khỏi cơ quan điều tra rồi.

Việc lập một hệ thống mới, đại biểu cũng nhận định, sẽ tốn kém, tốn kém (về cả bộ máy lẫn cán bộ) mà cũng không phải vì động tác tách ra theo ngành dọc thì sẽ khắc phục được chuyện bức cung, nhục hình. Bức cung, nhục hình chỉ giải quyết được bằng công tác cán bộ và các thủ tục pháp lý thực hiện sao cho tốt, chặt chẽ.  
 

Gai người với hình ảnh chiếc cùm chân trong phòng giam

Đại biểu Trịnh Kim Chi (Phú Yên) phản ứng với quy định người bị giam giữ vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, tùy mức độ vi phạm mà có thể bị cùm chân. Bà Chi đề nghị bỏ quy định này, vì người bị tạm giam, tạm giữ khi chưa hẳn là tội phạm mà cùm chân họ như vậy có phải vi phạm quyền con người?

“Khi đi khảo sát những cơ sở giam giữ, thấy những thanh sắt để cùm chân ở sát tường, trên giường ngủ can phạm tôi cảm thấy rất gai người. Do đó, theo tôi không nên quy định hình thức kỷ luật cùm chân mà có thể giam họ ở phòng cách ly sẽ tốt hơn” – bà Chi đồng thời đề nghị trang bị hệ thống camera trong trại giam để phòng ngừa tình trạng can phạm tự tử, tiêu cực trong hoạt động giam giữ.

P.Thảo