Mối tình cổ tích trong cuộc sống khốn khó của liệt sỹ trở về
(Dân trí) - Sau 28 năm lưu lạc nơi đất khách nay mới trở về mảnh đất “chôn nhau, cắt rốn”, người liệt sỹ năm xưa vẫn phải hàng ngày vật lộn với cuộc sống mưu sinh “chạy ăn từng bữa”...
Cuộc sống khốn khó của người cựu binh già
Chúng tôi quay trở lại nhà người cựu binh già Lê Xuân Hào đúng vào lúc gia đình nhỏ của ông đang chuẩn bị bữa cơm chiều. Mâm cơm đạm bạc, chỉ có duy nhất một đĩa rau luộc chấm mắm ăn cùng một ít đu đủ. Thấy chúng tôi, ông Hào luống cuống giục con gái dọn dẹp, rồi cười trừ: “Thế này đã là hạnh phúc, mãn nguyện lắm rồi. Hồi ở bên Campuchia, cơm trắng không có mà ăn, nhà tôi chỉ toàn ăn cơm độn sắn, độn khoai...”. Khi tôi hỏi: “Ông làm gì để kiếm sống?”, ông Hào thành thật: “Tôi làm đủ nghề, ai thuê gì, làm nấy! Từ đi đào ao cá, phu hồ đến cầy cấy thuê. Gần đây, tôi chuyển sang nghề “buôn đồng nát”.
Nói là “buôn” cho oai, chứ thực chất, hàng ngày ông Hào đẩy cái xe ba gác cũ gỉ đi bộ khắp các thôn cùng, ngõ hẻm để thu mua lông vịt và bao tải rách. Ngày nhiều kiếm được trăm nghìn, ngày ít thì vài chục bạc, đủ để bố con rau cháo qua ngày.
Những ngày mới đi buôn, ông Hào toàn trở về tay trắng, phần vì thật thà quá ông không biết cân đo, đong đếm, nên ai bảo gì ông cũng đều tin cả, phần nữa là vì ông đi bộ, nên đến đâu cũng bị “chậm chân”, hết hàng. “Tôi đi bộ, tuổi lại già nên đi đến đâu cũng bị người đi xe máy họ thu mua hết. Nhiều khi đi bộ hàng chục cây số mà chẳng thu mua được. Hai bố con đành lủi thủi về nhà, ôm bụng nhịn đói...”, ông Hào kể.
Thỉnh thoảng, ông Hào cũng được thuê đi phụ xây, hay gặt lúa nhưng tuổi đã cao lại hay bị đau ốm nên ông cũng chẳng mấy khi có việc. Người con gái ông Hào nghe bố nói thế cũng chỉ biết mếu máo, thì thầm với phóng viên: “Hôm trước, bố em đi đào ao cá thuê bị mảnh xi măng rơi vào chân, tím bầm nhưng hai bố con vét sạch tiền trong túi cũng chẳng đủ vài trăm nghìn để đi khám bệnh. Bố đành lấy lá bưởi đắp cho khỏi nhức. Đau là thế mà hôm nay, bảo thế nào bố em cũng không ở nhà mà cứ tập tễnh đi làm, thương lắm...”.
Ông Hào thành thật, đời ông coi như thế cũng là mãn nguyệnTrong căn nhà vá chằng, vá đụp, nhìn quanh cũng không có tài sản gì đáng giá ngoài chiếc ti vi cũ của người em trai “ủng hộ”. Đến chiếc giường cũng được kê tạm bằng mấy phản gỗ ghép lên. Có đoạn tường bị hỏng, chưa có tiền để trát vữa, ông Hào kê mấy viên gạch để chắn mưa nắng.
Do xây dựng đã lâu nên mỗi lúc mưa, trong nhà lại ngập nước. Mỗi lúc như thế, ông Hào và con gái lại lấy xô, chậu hứng, hay ngồi quàng áo mưa chờ trời tạnh. Ông Hào bảo, không muốn phiền đến anh em, họ hàng vì ai cũng có cuộc sống riêng và đều khó khăn cả.
“28 năm lưu lạc cuối cùng tôi cũng tìm được một mái ấm”
Cuối giờ chiều, ông Hào tập tễnh bước đi, dẫn chúng tôi đến Nghĩa trang liệt sỹ xã Trầm Lộng. Trên tấm bảng Tổ Quốc Ghi Công, dòng chữ khắc tên ông Hào vừa bị xóa sau khi ông trở về địa phương.
Thắp hương cho những đồng đội, liệt sỹ vô danh đang nằm tại nghĩa trang quê nhà, mắt ông Hào nhòe đi.
Chỉ cho chúng tôi xem những vết sẹo chằng chịt, dấu tích một thời trận mạc trên cơ thể ông Hào kể: “Đây vết sẹo này là tôi bị trúng đạn của giặc còn vết sẹo trên ngực là khi tôi bị một mảnh đạn B40 sượt qua gây thương tích...”. Cứ mỗi khi trái gió trở trời, những vết thương này lại giở chứng hàng hạ khiến toàn thân ông Hào đau buốt, không làm được việc nặng. “Nhưng còn sống, được trở về với quê hương, được gặp lại người thân là diễm phúc lắm rồi. Còn rất nhiều đồng đội tôi phải nằm lại nơi chiến trường. Khi Tổ quốc lâm nguy, cầm súng ra trận là trách nhiệm của thế hệ chúng tôi. Cuộc đời người lính rất đáng tự hào”.
Thương người cựu binh chịu nhiều thiệt thòi trong chiến tranh, một người đàn bà làng bên đã tình nguyện về ở với ông Hào để chăm sóc ông. Đây được xem như một cái kết có hậu đối với người cựu chiến binh mà cuộc đời ông đã quá nửa là được kể lại bằng nước mắt. Bẽn lẽn, ngượng ngùng, người đàn bà khắc khổ thành thật chia sẻ: Thấy hai bố con gà trống nuôi nhau vất vả quá, lại nghe câu chuyện về cuộc đời lưu lạc xa hương của ông ấy, tôi thương đến trào nước mắt. Thế là tôi quyết định “góp gạo thổi cơm chung” để được chăm sóc và bù đắp cho ông ấy.
Hàng ngày, ông đi làm thì bà ở nhà nhận thêm vàng mã về làm, cũng dư ra được vài nghìn mua mắm muối. Hạnh phúc đơn sơ mà có lúc nghĩ đến, “người liệt sỹ” ấy cứ ngỡ mình đang mơ: “Nhiều đêm tỉnh dậy, nằm trong căn nhà mình, tôi phải nhờ bà ấy đánh cho một cái thật đau để biết tất cả đang là sự thật, rằng cuối cùng tôi cũng được trở về quê hương, có vợ, có con với một gia đình đầm ấm”.
Ông Hào thành thật, đời ông coi như thế cũng là mãn nguyện, chỉ mong sao có sức khỏe để kiếm tiền nuôi vợ, con mà không phải ngày nào cũng chạy ăn từng bữa.
Xuân Ngọc – Hà Trang