Chuyện kể về võ sư hành hiệp Sài Gòn một thuở (2):
Mối tình 40 năm vẫn si mê của "độc thủ đại hiệp" có trái tim lãng mạn
Họ đã yêu nhau bằng trái tim mình và hẹn ước kết duyên trăm năm, thế nhưng bom đạn chiến tranh khiến mỗi người một ngả.
Lạc nhau giữa dòng đời xuôi ngược, riêng trái tim người võ sư vẫn vò võ vương vấn mối tình đầu. Rồi một ngày Mã Vĩnh Trinh quyết định lên đường đi tìm cố nhân, duyên nợ đã cho họ gặp nhau ở tận mảnh đất phương Nam trong niềm chứa chan hạnh phúc và hờn tủi. Lão võ sư bảo, đó là mối tình đẹp mà đến nay ông vẫn hằng gìn giữ.
Bên cạnh nghiệp võ nức tiếng với biệt danh "độc thủ đại hiệp", võ sư Mã Vĩnh Trinh (73 tuổi, Hóc Môn, TP. HCM) cũng được xem là một nhà thơ có trái tim đa sầu, đa cảm. Ông viết nhiều về tuổi thơ đầy bất hạnh, lúc biết yêu tiếng thơ lại là nỗi lòng của một trái tim luôn chất chứa tình thương. Trong những tập thơ ông từng xuất bản có những trang tự sự về mối tình đầu ngọt ngào nhưng dang dở. Nhắc lại chuyện xưa, quá khứ lại hiện về, cố nhân như vẫn ở đâu đây. Lão võ sư kể: "Đó là những tháng ngày tôi học tại trường Lê Quý Đôn ở Sài Gòn, tôi đã gặp Huỳnh Kim Chi, người con gái xinh đẹp của vùng đất Long Xuyên (An Giang) có mái tóc dài tựa dòng Tiền Giang thơ mộng. Áo dài tóc xõa rèm mi nguyệt/ Xanh biếc mắt tình đón đợi anh/ Anh như chết lặng từ hôm ấy/ Hình bóng ai kia ướp mộng tình. Vào những dịp cuối tuần, trên chiếc xe đạp cọc cạch, Vĩnh Trinh thường chở người yêu đi hết những con đường thơ mộng của Sài Gòn, kể cho cô nghe những câu chuyện về vùng đất miền Trung khắc nghiệt mà thấm đẫm tình người. Họ yêu nhau say đắm, cùng thề hẹn đời này sẽ mãi sống bên nhau. Cô gái miền Tây xinh đẹp cũng đã về quê nhà của Vĩnh Trinh ra mắt họ hàng.
Tình yêu đẹp ấy chỉ chờ ngày đơm hoa, kết trái. Nhưng chiến tranh không chỉ làm thất lạc người con gái yêu thương mà vĩnh viễn lấy đi bàn tay trái của Vĩnh Trinh. Đau đớn khi trái bom cắt ngang nghiệp võ, tay đấm cự phách từng bất bại trên võ đài giờ phải chấp nhận cảnh dị tật. Cũng thời gian đó, Vĩnh Trinh đi tìm người yêu khắp nơi, nhưng tất cả đều vô vọng, căn nhà nơi Kim Chi ở sau bom đạn cũng thay tên đổi chủ chẳng ai biết họ đã chuyển đi đâu.
Thời gian qua đi, Mã Vĩnh Trinh vò võ với nỗi nhung nhớ, nhưng rồi trách nhiệm và bổn phận của người đàn ông buộc anh phải lấy vợ, có con để nối dõi tông đường. Vợ Vĩnh Trinh công tác ở ngành nông nghiệp, là người hiền lành, nhẫn nhục, chịu khó. Vĩnh Trinh kể hết chuyện tình cảm trong quá khứ của mình và được cô ấy cảm thông. Chính tình yêu thương của vợ ít nhiều làm vơi đi nỗi nhớ trong trái tim mẫn cảm của vị võ sư. Thế rồi vợ chồng Vĩnh Trinh sinh được một trai một gái, cuộc sống dù nghèo khó nhưng tiếng cười chưa bao giờ tắt, họ cố gắng thương yêu và vun đắp cho nhau.
Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, trong một lần vào rừng sâu, người vợ trẻ của Vĩnh Trinh đã mắc bệnh sốt rét và vĩnh viễn ra đi. Lần thứ 2 vị võ sư như gục ngã, tưởng như muốn đầu hàng tất cả. Vĩnh Trinh chưa kịp bù đắp được gì thì người vợ hiền đã mãi không còn nữa. Nhìn cảnh con thơ khóc đòi mẹ mà Vĩnh Trinh ứa nước mắt. Giọt nước mắt của người đàn ông khốn khổ, khóc cho những cắn rứt trong lòng, cho phận đời sao nghiệt ngã quá đỗi. Vợ mất, con nhỏ dại, nỗi đau chồng chất nỗi đau. Nhưng cuộc sống bất hạnh, khốn khó đã tui rèn bản lĩnh của vị võ sư, buộc phải đứng dậy để bước qua.
Vĩnh Trinh quyết tâm làm mọi thứ để nuôi sống các con, cũng là để vong linh người vợ trẻ được an ủi phần nào. Ông mang theo hai đứa con thơ, lang bạt khắp nơi để kiếm sống. Nhưng hai đứa trẻ còn quá nhỏ để có thể chịu cảnh cực khổ như cha, bất đắc dĩ Vĩnh Trinh đem chúng gửi lên chùa. Kịch bản lặp lại với 2 đứa trẻ tội nghiệp, bởi chúng đang sống cuộc đời như cha chúng thuở hàn vi. "Những tháng ngày đó tôi làm thứ nghề như phu hồ, bán thuốc lá dạo, bán nước, đêm đến lại tìm đến lò luyện võ để dạy thêm. Hơn 15 năm trôi dạt là ngần ấy thời gian tôi lấy gầm cầu, bãi xe… làm nhà, rồi bôn ba bốn phương từ An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Sài Gòn… đến tận Tây Nguyên xa xôi, không nơi đâu bàn chân tôi không in dấu", lão võ sư trầm buồn nhớ lại.
Vĩnh Trinh đã sống những năm phiêu bạt như thế, chỉ với hy vọng là còn sống để trở về gặp 2 đứa con, và có thể được một lần nữa được nhìn thấy người con gái sông Tiền ngày nào. Suốt mười mấy năm dành dụm, tích cóp ông cũng mua được một miếng đất và cất một ngôi nhà nhỏ ở huyện Hóc Môn, TP. HCM. Việc đầu tiên của người cha khốn khổ làm là đón 2 đứa con trở về nuôi dạy. Sau bao năm xa cách, chúng như được uống lại suối nguồn tình thương của người cha. Không uổng công sức ông trong những tháng ngày vất vả, những người con của Vĩnh Trinh đều học hành nên người và có hiếu.
Vò võ mối tình suốt 40 năm
Ở cái tuổi 73, có thể nói mọi thứ với lão võ sư đã được viên mãn. Duy mối tình với người xưa vẫn khiến ông luôn canh cánh trong lòng. Hơn 40 năm xa cách là chừng ấy năm mang nặng nỗi nhớ trong tim, dù không nói ra nhưng ánh mắt ông chưa bao giờ thôi tìm kiếm. Nhìn xa xăm, tiếng thở dài của người đàn ông đã đi gần hết đời người như kéo cả quá khứ trở về, ông bảo: "Tôi lấy vợ một phần là trách nhiệm của một người đàn ông, phải có con cái nối dõi tông đường. Bà ấy bỏ tôi đi sớm quá khi tình nghĩa vợ chồng chưa thấm vào đâu. Mặc dù có gia đình riêng nhưng thật lòng mà nói không bao giờ tôi quên được hình bóng người yêu đầu". Thế rồi người võ sư từng sống chết trên võ trường ấy làm thơ, để cho vơi bớt nỗi nhớ về một mối tình thầm lặng: "Em ơi! Ngày ấy vẫn đầy vơi/ Từng đêm thức trắng từng đêm nhớ/ Kỷ niệm đầu tay khuất nẻo rồi". Những vần thơ da diết như nỗi nhớ khôn nguôi của ông.
Sau hơn 40 năm thất lạc đôi nơi, rồi một ngày ông tìm được nơi bà Kim Chi đang sinh sống. Hôm ấy, hai vợ chồng bà Kim Chi ra đón ông ngay tại bến đò bắc qua sông Tiền. Vừa gặp nhau, họ ôm chầm khóc như mưa, nước mắt thấm đẫm bờ vai, không ai nói một lời, họ hiểu nhau qua ánh mắt. Gần nửa thế kỷ trùng phùng, hai mái đầu tóc lấm tấm hoa râm ngồi hoài niệm lại chuyện ngày xưa. Chuyện của họ tất cả đều biết và không ai phản đối. Bởi trước khi lập gia đình riêng cả Vĩnh Trinh và Kim Chi đều kể lại cho chồng con biết là họ có mối tình đẹp tuổi đôi mươi nhưng vì chiến tranh loạn lạc nên mỗi người đành mang một mảnh tình dang dở. Sau lần gặp lại ấy, thi thoảng, gia đình bà Kim Chi lại lặn lội từ Long Xuyên lên Sài Gòn thăm ông và ông cũng thường có chuyến viếng thăm họ.
Đối với người học võ, khi cứng thì cứng hơn sắt thép, lúc mềm thì tựa như bông. Trên đấu trường, võ sư có thể tung ra những cú đấm, cú đá hạ bất cứ đối thủ nào, còn mềm là khi sống trong chuyện tình cảm, là khi trái tim rung động trước tình yêu. Có mấy ai biết rằng, võ sư Mã Vĩnh Trinh đã khóc thật nhiều mỗi khi gợi lại chuyện tình buồn ngày xưa. Có một thứ nào đó là nỗi đau, sự mất mát không gì có thể bù đắp nổi: "Tình yêu lỡ hẹn chẳng chung đường/ Bao năm nhung nhớ khô dòng lệ/ Cho đến mái đầu tóc điểm sương".
Hiện võ sư Mã Vĩnh Trinh đang là Chưởng môn Quảng Nam võ đạo, từng nhiều năm giữ chức Chủ tịch hội võ cổ truyền huyện Hóc Môn và Q.12. Dưới bàn tay và khối óc về võ thuật của ông, nhiều lớp võ sinh ra đời thành danh, góp phần to lớn cho nền võ thuật cổ truyền nước nhà. Dù tuổi đã cao nhưng ngày ngày ông vẫn miệt mài luyện võ, đào tạo các môn đệ bằng trái tim tâm huyết. Sống bằng nghiệp võ và trọn đời dành cho võ đạo, thế nhưng phía sau lớp áo hiền môn, người đời ít ai biết rằng trong trái tim ông vẫn dành một khoảng trống để nhớ về cố nhân. |
Theo Kỳ Anh - Phi Yến
Gia đình & Xã hội